Lãi suất cho vay đang ở mức cao
Lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng ở Việt Nam vẫn đang ở mức cao so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực (Trung Quốc, Thái Lan,…) do đó làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam đồng thời tạo rào cảng phát triển cho các thị trường vốn khác.
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương tại Diễn đàn “Phát triển thị trường vốn - Cơ hội trong kỷ nguyên mới” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức sáng 30/3.
Phân tích về hoạt động tín dụng của Việt Nam năm 2020, ông Tú Anh cho hay, hoạt động tín dụng năm 2020 bị ảnh hưởng nặng của dịch COVID-19, đặc biệt là những tháng đầu năm hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng bị chững lại, nhu cầu vay vốn giảm, tăng trưởng tín dụng đạt mức thấp.
Tuy nhiên nhờ các chính sách của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng bắt đầu tăng trở lại và tốc độ có giảm nhẹ vào tháng 7, nhưng sau đó tăng trưởng ngày càng cao đến cuối năm. Cụ thể, đến cuối quý I/2020, tăng trưởng tín dụng chỉ có 1,31%, thì cuối quý II/2020 đã tăng dần lên 3,65%. Đến cuối quý III/2020 tăng 6,08% đến cuối năm 2020 thì tăng lên 12,13%.
Đáng chú ý, mức tăng tín dụng cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế (4,2% theo GDP danh nghĩa) một phần là do các khoản cho vay trong năm được phép gia hạn, giãn nợ theo các chương trình hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước do đó các khoản này chưa quay lại hệ thống ngân hàng.
“Tuy nhiên khoảng cách tốc độ tăng trưởng tín dụng và GDP danh nghĩa lên đến gần 8 điểm phần trăm cho thấy dường như tín dụng chưa thực sự đi vào nền kinh tế và hiệu quả tín dụng đối với nền kinh tế là đang xấu đi (trong những năm gần đây tốc độ tăng tín dụng chỉ cao hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa khoảng 3%)”, ông Tú Anh nhấn mạnh.
Theo Vụ trưởng Vụ kinh tế tổng hợp, một đặc điểm đáng lưu ý của thị trường tiền tệ năm 2020 đó là, mặc dù lãi suất huy động giảm liên tục, nhưng huy động vốn vẫn liên tục tăng và tăng vượt tốc độ tăng tín dụng khoảng hơn 2 đpt. Điều này một mặt giúp cho các ngân hàng thương mại tăng thanh khoản và giảm chi phí vốn huy động, mặt khác cũng làm cho tốc độ tăng tổng các phương tiện thanh toán tăng nhanh, trong khi tổng cầu vẫn suy yếu. Đến ngày 28/12/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 13,26% so với cuối năm 2019.
Đặc biệt, ông Tú Anh cho rằng, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng ở Việt Nam vẫn đang ở mức cao so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực (Trung Quốc, Thái Lan,…) do đó làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam đồng thời tạo rào cảng phát triển cho các thị trường vốn khác. Hiện nay Việt Nam có đủ điều kiện (dòng vốn ngoại tệ thặng dư liên tục, áp lực lạm phát thấp, vốn nước ngoài đổ vào trong nước tăng nhanh,…) để có thể thực hiện chính sách tiền tệ lãi suất thấp mà không quá quan ngại đến các yếu tố vĩ mô khác.
Trước ý kiến lãi suất cho vay của Việt Nam tương đối cao, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng việc so sáng hơi khập khiễng. Cần phải so sánh lãnh suất cho vay thực đã trừ đi lạm phát và những thứ khác.
Ông Lực phân tích, lãi suất cho vay cao vì lạm phát nước ta cao hơn so với khu vực và rủi ro nền kinh tế, rủi ro của doanh nghiệp cao. Lãi suất đầu vào dựa trên lạm phát. Lãi suất giảm là đồng tiền chuyển kênh đầu tư ngay lập tức, người dân sử dụng đồng tiền thông minh. Hiện nay chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra của Việt Nàm là 2,6% đang ở mức trung bình so với các nước trên thế giới.
Về quan điểm giảm lãi suất, hết sức cân nhắc, lãi suất hiện nay không phải là điểm nghẽn, tín dụng tăng trưởng 13 - 14%, lãi suất hiện nay tương đối thấp rồi. Nếu chúng ta tiếp tục hạ thì đồng tiền sẽ dịch chuyển sang các kênh đầu tư nguy hiểm, lạm phát bùng phát trở lại.
Ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh: Năm nay lạm phát bùng và tương đối lớn.
Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/lai-suat-cho-vay-dang-o-muc-cao-d19912.html