Lãi suất cuối năm sẽ theo chiều hướng nào?

Lãi suất cho vay và huy động vẫn là mối quan tâm lớn của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Theo dự báo của các chuyên gia, lãi suất huy động sẽ đi ngang từ nay đến cuối năm, trong khi vẫn còn những yếu tố hỗ trợ đà giảm lãi suất cho vay.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đánh giá khả năng cung ứng vốn của ngành ngân hàng cho nền kinh tế đang rất mạnh mẽ nhờ thanh khoản dồi dào.

"Vấn đề “thừa tiền” của ngành ngân hàng đang được nhiều người nhắc đến, nhưng theo tôi, đây là tín hiệu tốt, đặc biệt là khi chúng ta vừa trải qua giai đoạn thanh khoản cực kỳ khó khăn. Giai đoạn này đang hỗ trợ cho sự ổn định và vững chắc trở lại cho ngành ngân hàng", ông Tùng nói.

Lãi suất đang giảm bền vững

Trong 9 tháng đầu năm, diễn biến lãi suất trên cả hai thị trường cư dân, doanh nghiệp và thị trường liên ngân hàng đều giảm mạnh khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành chính sách tiền tệ theo xu hướng nới lỏng với 4 lần giảm lãi suất điều hành, mức giảm 0,5% - 1,5%.

Lãi suất cho vay và huy động vẫn là mối quan tâm lớn của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.

Lãi suất cho vay và huy động vẫn là mối quan tâm lớn của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.

Đồng thời, NHNN cũng ban hành nhiều thông tư được đánh giá hỗ trợ rất tích cực tới thị trường như Thông tư 02, 03 về cơ cấu nợ và Thông tư 06 cho phép khách hàng vay để đảo nợ. Động thái của NHNN nhằm mục đích định hướng và tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế suy yếu do lãi suất và lạm phát cao trên toàn cầu.

Theo khảo sát của VnBusiness, tại gần 30 ngân hàng trong hệ thống, lãi suất gửi tiết kiệm đang dao động quanh mức 4,5 – 6,5%/năm. Mức này giảm khá mạnh so với thời điểm đầu năm 2023, khi lãi suất huy động cao nhất phổ biến ở mức từ 9 - 10%/năm, thậm chí có ngân hàng còn niêm yết tới 12%/năm.

Lãi suất huy động của các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank hiện cao nhất chỉ là 5,3%/năm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên; kỳ hạn dưới 6 tháng chỉ còn từ 3 - 3,8%/năm; 6 tháng còn 4,7%/năm.

Tại nhóm ngân hàng cổ phần như ACB, Sacombank, VPBank..., lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng từ 5 - 5,7%/năm. Một số ngân hàng khác có mức lãi suất 6 tháng nhỉnh hơn như Nam A Bank, NCB, PVcomBank… từ 6 - 6,5%/năm.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, lãi suất tiết kiệm sẽ có xu hướng giảm tạo thành lực hỗ trợ rất bền vững cho việc giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ nền kinh tế.

Ở một số đợt trước, do dư luận, do yêu cầu, do cộng đồng doanh nghiệp… mà các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay, và cách giảm này là không bền vững. Chỉ khi nào các ngân hàng giảm lãi suất huy động (lãi suất đầu vào) thì giảm lãi suất đầu ra mới trở nên bền vững.

Ở thời điểm này, theo Tổng Giám đốc OCB, các ngân hàng đang giảm lãi suất một cách bền vững do lãi suất huy động đang ở mức thấp, thanh khoản ngân hàng đang dồi dào.

"Trong ngành ngân hàng và nền kinh tế, nguy hiểm nhất chính là thanh khoản. Thanh khoản mà mất thì vỡ hết toàn bộ, thị trường suy sụp cũng vì thanh khoản. Chính vì vậy, giai đoạn này, mọi người phải mừng vì “thừa tiền”, tức là thanh khoản đang rất dồi dào", ông Tùng phân tích.

Lãi suất cho vay còn dư địa giảm

Lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất lịch sử ghi nhận trong giai đoạn dịch COVID-19 tới nay. Do đó, giới phân tích cho rằng mức giảm từ nay đến cuối năm sẽ không nhiều. Thay vào đó, lãi suất cho vay sẽ còn nhiều dư địa giảm. Bởi, ước tính có khoảng nửa triệu tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm được hưởng lãi suất cao hồi cuối năm 2022 và đầu năm nay sắp đáo hạn.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo lãi suất huy động sẽ đi ngang từ nay đến cuối năm, với mức lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng quanh mức 5,45% (giảm 2,8% so với đầu năm). Trong khi đó, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm 0,25% trong quý IV/2023, giảm 1,75% - 2,25% so với đầu năm.

Các chính sách nới lỏng có độ trễ tiếp tục là động lực lớn nhất cho đà giảm của lãi suất. Do các khoản huy động của hệ thống ngân hàng phần lớn từ tiền gửi khách hàng (chiểm tỷ trọng khoảng 70%-80%) có kỳ hạn chủ yếu từ 6 -12 tháng khiến cho chi phí vốn nửa đầu năm của ngân hàng vẫn ở mức cao. Vì vậy, khi các khoản tiền gửi này đạo hạn sẽ làm giảm tỷ lệ chi phí huy động vốn của hệ thống, qua đó tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay.

Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng đã có cải thiện gần đây nhưng vẫn ở mức thấp so với mục tiêu cả năm là 14% -15%. Dư địa cho vay còn lớn khi LDR (tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động) toàn hệ thống đạt 76,7% tính đến tháng 8, trong khi tăng trưởng tín dụng còn cách xa chỉ tiêu được giao sẽ là động lực cho việc giảm lãi suất cho vay.

Thông tư 06 có hiệu lực từ 1/9 đã thúc đẩy các ngân hàng triển khai các chương trình ưu đãi nhằm đạt chỉ tiêu tín dụng đã được giao, từ đó làm giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, KBSV cho rằng tác động của Thông tư 06 sẽ cần thời gian để minh chứng, vì câu chuyện cho vay để đảo nợ được đánh giá là không dễ dàng và nhiều thủ tục đi kèm khoản phí phạt trả nợ trước hạn lớn.

Ở một góc nhìn khác, TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chia sẻ với VnBusiness, áp lực lạm phát và tỷ giá gia tăng trong 2 tháng trở lại đây là trở ngại chính cho đà giảm lãi suất ở thời điểm hiện tại.

Áp lực tỷ giá trong những tháng cuối năm vẫn lớn do chênh lệch lãi suất USD và VND vẫn duy trì ở mức cao; xu hướng mạnh lên của đồng USD vẫn tiếp tục duy trì; nền kinh tế phục hồi kéo theo nhu cầu nhập khẩu tăng. Do đó, nếu tiếp tục giảm lãi suất sẽ khó có thể giữ được tỷ giá.

Điều này đã xảy ra trong năm 2022 khi vào thời điểm tháng 11/2022, VND đã mất 9,1% giá trị so với đồng USD. NHNN đã phải thực hiện bán dự trữ ngoại tệ để bình ổn tỷ giá. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam từ 110 tỷ USD vào đầu năm 2022 đã xuống còn 89 tỷ USD vào cuối năm, xấp xỉ 3 tháng nhập khẩu.

Hơn nữa, ông Đạt cho rằng hiện nay, nợ xấu ngân hàng đang tăng lên khi nền kinh tế rơi vào khó khăn. Các ngân hàng để bù đắp và giữ lợi nhuận sẽ càng khó giảm lãi vay xuống. Trong bối cảnh hiện nay, chuyên gia này gợi ý phải phối hợp đồng bộ chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế trong quý cuối cùng của năm.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/lai-suat-cuoi-nam-se-theo-chieu-huong-nao-1096057.html