Lãi suất giảm không điểm dừng: Lo nợ xấu, người dân 'chẻ nhỏ' tiền
Lãi suất huy động đang giảm rất sâu và nhanh với tốc độ giảm theo ngày. Dù vậy, vẫn không khó để tìm các ngân hàng có lãi suất cao. Tuy nhiên, do lo sợ nợ xấu, không ít người 'chẻ nhỏ' tiền để hạn chế rủi ro.
Lãi suất giảm không điểm dừng
Chưa bao giờ hệ thống ngân hàng lại đồng thuận giảm lãi suất nhanh và mạnh như hiện nay. Ở thời điểm này, chỉ sau 1 đêm, diễn biến lãi suất tại từng ngân hàng cụ thể có khi đã thay đổi nhiều.
Từ ngày 11/8, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) áp dụng biểu lãi suất mới với mức giảm nhẹ khoảng 0,1%/năm. Mức cao nhất tại nhà băng này là 7,3%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 7%/năm. Còn ở các kỳ hạn ngắn, NCB áp dụng “mức trần” 4,75%/năm.
Tuy nhiên, đây là ưu đãi dành riêng cho gói tiết kiệm An Phú. Còn với hình thức gửi tiết kiệm truyền thống, mức cao nhất là 7,15%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng.
Trước đó, vào ngày 9/8, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM cũng công bố biểu lãi suất mới. Theo đó, đa số các kỳ hạn đều giữ nguyên. Sự thay đổi chỉ đến từ Kỳ hạn 12 tháng loại 2 và kỳ hạn 13 tháng loại 2. Lãi suất 2 kỳ hạn này giảm từ 7%/năm xuống 6,8%/năm và từ 7,35%/năm xuống 7,1%/năm. Lãi suất cao nhất tại HDBank vẫn duy trì ở mức 9,1%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng loại 1 và giá trị tiền gửi trên 300 tỷ đồng.
9/8 cũng là ngày biểu lãi suất mới tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) có hiệu lực. Lãi suất tại SHB cũng “thủng” mốc 7%/năm. Mức cao nhất chỉ còn 6,8%/năm. Trước đây, chứng chỉ tiền gửi tại SHB lên tới 8,8%/năm nhưng hiện tại con số này chỉ còn 7,7%/năm.
Từ ngày 8/8, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) cũng giảm lãi suất. Mức cao nhất tại ngân hàng này chỉ còn 7%/năm (kỳ hạn 12 tháng). Nếu gửi online, thì mức cao nhất nhỉnh hơn một chút, đạt 7,3%/năm.
Tại một số ngân hàng khác, lãi suất huy động cũng giảm rất sâu. Trước đây, Ngân hàng Xây dựng (CB) thường xuyên áp dụng mức lãi suất 8,4%/năm nhưng hiện tại “trần” tại CB chỉ còn là 7,9%/năm.
Lo nợ xấu, người dân “chẻ nhỏ” tiền
Tiền đang “rẻ” đi theo ngày nên để tiền vào đâu đang trở thành “đòn cân não” với những người có tiền.
Diễn biến thị trường cho thấy kể từ khi lãi suất giảm sâu, dòng tiền có xu hướng “chảy” nhiều vào thị trường chứng khoán khiến thanh khoản thị trường chứng khoán “nhảy dựng” trong nhiều phiên gần đây. Từ đầu tháng 8, sàn giao dịch TP.HCM liên tục chứng kiến giá trị giao dịch mỗi phiên vượt mốc 20.000 tỷ đồng, thậm chí có phiên vượt mốc 26.000 đồng.
Có được điều này là do số lượng tài khoản chứng khoán được mở mới liên tục lập kỷ lục. Dữ liệu mới nhất của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới 151 nghìn tài khoản chứng khoán trong tháng 7, chiếm 99,8% số lượng tài khoản mở mới của toàn thị trường. Con số mở mới đã tăng hơn 3% so với tháng trước (146.000 tài khoản) và đây là mức cao nhất của tháng tính trong vòng 1 năm trở lại.
Tuy nhiên, không phải tất cả “tiền rẻ” đều “chảy” vào chứng khoán. Vẫn còn rất nhiều người có tiền nhưng không biết đầu tư chứng khoán hay bất động sản nên nhu cầu gửi tiết kiệm vẫn rất lớn. Vấn đề là gửi tiết kiệm như nào cho hiệu quả và an toàn.
Chị Thu Thanh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết chị vừa đáo hạn một sổ tiết kiệm gần 1 tỷ đồng. Thay vì tái gửi, chị tạm thời mang tiền về nhà vì lãi suất tiết kiệm hiện tại chỉ còn hơn 6%/năm.
“Chiều trước tôi gọi điện hỏi ngân hàng thì được thông báo lãi suất là 6,4%/năm nhưng sáng hôm sau đến gửi, lãi suất chỉ còn 6,2%/năm. Đúng là lãi đang giảm theo ngày. Lãi thấp quá nên tôi tạm thời mang tiền về nhà để tìm chỗ có mức ưu đãi cao hơn”, chị Thanh chia sẻ.
Chị Thanh cho biết thêm rằng không khó để tìm những nơi có lãi suất trên 7%/năm. Nhưng vấn đề chị lo lắng nhất là nợ xấu.
“Tôi đọc báo thì biết rằng nợ xấu tại ngân hàng đang tăng cao. Không biết nợ xấu có ảnh hưởng gì đến tiền gửi của người dân hay không. Vì vậy, để chắc ăn, tôi sẽ chia nhỏ 1 tỷ của mình thành nhiều khoản khác nhau và gửi tại 3 hoặc 4 ngân hàng khác nhau”, chị Thanh đưa ra giải pháp của mình.