Lãi suất giảm mạnh: Kênh gửi tiết kiệm còn hấp dẫn?
Từ nay đến cuối năm, dự báo lãi suất ngân hàng còn dư địa giảm tiếp. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đang giảm mạnh, gửi tiết kiệm còn là kênh đầu tư hấp dẫn người dân?
Khảo sát của VnBusiness, đã có hơn 20 ngân hàng hạ lãi suất tại nhiều kỳ hạn, đưa mức lãi suất niêm yết cao nhất về 8,5%/năm. Lựa chọn kênh đầu tư hiệu quả lại là bài toán khó với người giữ tiền.
Lãi suất giảm nhanh
Động thái hạ lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng vào tuần trước. Đây là lần thứ hai, nhà điều hành giảm trần lãi suất huy động từ đầu năm tới nay, trong bối cảnh tỷ giá ổn định, lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo đó, các ngân hàng giảm trung bình 0,5% một năm với các kỳ hạn dưới 6 tháng, tương ứng mức giảm của NHNN.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng giảm cả lãi suất các kỳ hạn dài trung bình 0,2-0,3%/năm so với cách đây 2 tuần. Theo đó, nhóm ngân hàng có vốn nhà nước gồm Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank đã giảm tới 0,4% với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, đưa mức lãi suất cao nhất về mức 6,8-7%/năm.
Mức lãi suất niêm yết tại phần lớn nhà băng tư nhân hiện nay cũng giảm nhanh. Cụ thể, nếu cách đây 2 tuần, mức lãi suất xấp xỉ 9% vẫn còn xuất hiện thì hiện nay, lãi suất cao nhất chỉ còn 8,5%/năm. Các ngân hàng trả cao nhất thị trường dao động từ 8,2% - 8,5%/năm là: GPBank, SeABank, ABBank, VietABank và PVCombank...
Tính đến ngày 29/5, khoản tiền gửi dưới 6 tháng bị khống chế bởi trần lãi suất 5%/năm. Lãi suất bình quân khi gửi tại quầy với kỳ hạn 6-9 tháng là 7%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 7,4%/năm. Người gửi tiền sẽ được lợi hơn khi gửi tiền trực tuyến, với lãi suất trung bình 7,4%/năm kỳ hạn 6-9 tháng và 7,7%/năm kỳ hạn 1 năm.
Các chuyên gia đánh giá, đây là bước đi quan trọng để định hướng xu hướng giảm lãi suất cho thị trường theo nhà điều hành. Việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng cũng hỗ trợ các ngân hàng giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện thuận lợi giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Sau động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN, hàng loạt ngân hàng đang theo sát và sẽ khẩn trương triển khai đợt giảm lãi suất để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, của người dân, cũng như hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển chung.
Điển hình, Agribank cho biết đã vừa dành 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay trung dài hạn cho 2 triệu khách hàng hiện hữu. Hay như OCB cũng đã ngay lập tức giảm ít nhất 0,5 điểm % lãi suất cho vay, thậm chí một số đối tượng khách hàng sẽ được giảm sâu hơn…
Kênh đầu tư nào sẽ hiệu quả?
Hiện tại, có 3 kênh đầu tư chính “cạnh tranh” với tiền gửi ngân hàng. Đó là vàng, ngoại tệ và bất động sản. Tuy nhiên, ngoại tệ và bất động sản đang “yếu thế” rõ nét.
Về ngoại tệ, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, từ đầu năm đến nay, VND tăng giá 0,7% - 0,8% so với USD. “Dự báo, tỷ giá cơ bản cả năm 2023 sẽ ổn định, VND nếu có mất giá thì chỉ khoảng 0,5 - 1%”, ông Lực nói.
Với lợi nhuận thấp như vậy, rõ ràng đồng bạc xanh không phải là kênh đầu tư hiệu quả.
Trong khi đó, thị trường bất động sản gần đây đã có những chính sách gỡ vướng, tuy nhiên, theo giới phân tích, phải đến quý IV, thị trường này mới phục hồi. Hơn nữa, hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng chưa đáng kể, vẫn dao động khoảng 13%/năm. Do đó, các doanh nghiệp bất động sản cho rằng, lãi suất dưới 10%/năm mới phù hợp, tác động đến nhu cầu vay vốn mua nhà của người dân.
Trong các kênh đầu tư, có vẻ như vàng khả quan hơn cả. Hiện tại, giá vàng đã giảm đáng kể sau khi chinh phục mức cao nhất mọi thời đại (2.085,4 USD/ounce) tại ngày 5/5/2023.
Vào phiên sáng 24/5 tại thị trường châu Á, giá vàng thế giới đang giao dịch ở mức 1.973,9 USD/ounce, giảm khoảng 111,5 USD/ounce, tương đương 5,3% so với “đỉnh” cao nhất mọi thời đại. Chính vì vậy, kim loại quý này có nhiều dư địa bứt phá, đặc biệt trong bối cảnh trần nợ công có thể khiến Mỹ vỡ nợ.
Về kênh gửi tiết kiệm, với mức giảm lãi suất mạnh như hiện nay, lãi suất tiền gửi thực dương (lãi suất gửi ngân hàng trừ đi lạm phát) ở mức rất thấp.
Thực tế, quý cuối năm ngoái, khi được hỏi về kênh đầu tư ưu tiên cho năm nay, các chuyên gia phần lớn lựa chọn gửi tiết kiệm trước môi trường đầu tư có nhiều yếu tố bất định. Đó là khi mặt bằng trả lãi của các nhà băng cao. Còn hiện tại, kênh gửi tiết kiệm không còn là ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, PGS-TS. Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng: cần phải mạnh dạn hạ tiếp lãi suất căn cứ vào mức độ hấp thụ vốn trên thị trường. Trong trường hợp mức độ hấp thụ vốn gia tăng, lãi suất huy động có thể hạ xuống ngang với mức lạm phát, tức là từ bỏ quan điểm lãi suất thực dương như nhiều nước trên thế giới vẫn làm.
“Khi lãi suất huy động thấp, doanh nghiệp mới có cơ hội tiếp cận lãi suất cho vay thấp, mới tạo ra nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động. Người dân khi gửi tiền thấy không có lợi, thì đầu tư, kinh doanh hoặc chi tiêu, khiến cầu tăng, qua đó thực hiện chính sách kích cầu”, ông Lạng phân tích.