Lãi suất giảm sâu, tiết kiệm ngân hàng vẫn 'giữ giá'
Dù lãi suất huy động đã giảm nhiều, nhưng lượng tiền gửi vẫn tiếp tục vào hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng vốn của các cá nhân, doanh nghiệp sụt giảm, nguồn vốn từ đó trở nên dư thừa tại nhiều ngân hàng thương mại. Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) trăn trở về tình hình tín dụng hiện tại.
Lãi suất huy động giảm, tiền gửi vẫn tiếp tục vào hệ thống ngân hàng
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu diễn ra mới đây, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank Phạm Đức Ấn cho biết, cùng với các Ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước như BIDV, Vietcombank, hay Vietinbank, Agribank luôn chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn, phục hồi sản xuất kinh doanh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Ngay từ đầu năm 2024, Agribank đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, triển khai các chương trình tín dụng quy mô hơn 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 2,5%-3% so với lãi suất thông thường để khuyến khích, hỗ trợ khách hàng, tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.
Mặc dù lãi suất huy động đã giảm nhiều, nhưng lượng tiền gửi vẫn tiếp tục vào hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng vốn của các cá nhân, doanh nghiệp sụt giảm do vấn đề sản xuất, tiêu thụ hàng hóa chưa được cải thiện, nguồn vốn từ đó trở nên dư thừa tại nhiều ngân hàng thương mại.
“Hiện nay, nếu huy động 100 đồng tiền gửi thì chỉ cho vay ra được hơn 80 đồng khiến các ngân hàng thương mại phải gánh thêm chi phí trả lãi. Tính riêng 2 tháng đầu năm 2024, thu nhập của Agribank giảm gần 1.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023”, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank Phạm Đức Ấn nêu ví dụ thực tế.
Đại diện Agribank cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, ngân hàng này sẽ chủ động cân đối để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ nhằm hỗ trợ khách hàng, nhất là các doanh nghiệp. Đồng thời cải tiến, đơn giản hóa thủ tục cũng như quy trình cho vay để nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Thời gian tới, Agribank cũng chủ động triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có hiệu quả gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các doanh nghiệp phục vụ cho các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank Phạm Đức Ấn
tại Hội nghị
Kiến nghị giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp Nhà nước
Tại Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank Phạm Đức Ấn bày tỏ mong muốn các vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, những rào cản liên quan đến trách nhiệm, đạo đức công vụ cần tiếp tục được làm rõ và có giải pháp cụ thể để các doanh nghiệp tự tin, mạnh dạn bứt phá phát triển.
Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank cho rằng, trong điều kiện hiện nay, các chính sách tài khóa đặc biệt là đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp là chìa khóa để kích thích sản xuất, tiêu dùng. Qua đó, nhu cầu sử dụng vốn sẽ tăng thêm, vốn của ngân hàng thương mại mới phát huy tác dụng. “Chính phủ cần triển khai các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi xanh để đáp ứng các xu hướng, tiêu chuẩn quốc tế”, đại diện Agribank kiến nghị.
Cũng theo ông Phạm Đức Ấn, nếu doanh nghiệp nhà nước dám nghĩ, dám làm thì cơ chế quản lý vốn đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước cũng như hoạt động của doanh nghiệp cần sớm được đổi mới. Trong đó, tăng cường giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước trên tinh thần chuyển quản lý hành vi sang quản lý mục tiêu, tăng cường giám sát, phát hiện, cảnh báo và xử lý vi phạm ngay từ sớm, nhằm ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại.
“Về mục tiêu giao cho doanh nghiệp nhà nước cần cụ thể hóa cho từng loại hình và từng doanh nghiệp cụ thể, nhất là khả năng làm chủ công nghệ, sản xuất các mặt hàng thay thế nhập khẩu có giá trị gia tăng cao, tránh chỉ giao chỉ tiêu tăng trưởng kinh doanh và lợi nhuận đơn thuần. Đối với cơ chế về bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ trong doanh nghiệp nhà nước cũng cần được đổi mới triệt để”, đại diện Argibank đề xuất.