Lãi suất huy động không ngừng tăng, vì sao?

Cùng với sự đi lên của tăng trưởng tín dụng, lãi suất huy động thời gian qua cũng xác lập một mặt bằng mới theo hướng đi lên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế này.

Tính đến ngày 21/8, thị trường ghi nhận có 15 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, bao gồm: Eximbank, ACB, Agribank, Sacombank, Saigonbank, VietBank, TPBank, CBBank, VIB, Dong A Bank, VPBank, Techcombank, SHB, VietBank, Dong A Bank.

Đáng chú ý, nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất đến 2 lần chỉ trong một tháng. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) vừa áp dụng biểu lãi suất mới nhất. Đây là lần thứ 2 trong tháng 8 ngân hàng này điều chỉnh tăng lãi suất huy động.

Theo đó, DongA Bank chính thức điều chỉnh tăng lãi suất tại hầu hết kỳ hạn tiền gửi, với mức tăng cao nhất lên đến 0,5%/năm. Ở kỳ hạn 1 - 2 tháng, ngân hàng này điều chỉnh tăng thêm 0,3%/năm, lên 3,6%/năm. Lãi suất ngân hàng kỳ hạn 3 - 5 tháng cũng được niêm yết tại mức 3,6%/năm, sau khi tăng nhẹ 0,1%/năm.

Tại các kỳ hạn từ 6 - 11 tháng, ngân hàng này tăng 0,4%/năm đối với lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 6 - 8 tháng, ở mức 4,9%/năm và tăng 0,2%/năm đối với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 9 - 11 tháng. Lãi suất huy động các kỳ hạn 18 - 36 tháng được điều chỉnh tăng mạnh 0,5%/năm, lên mức 5,2%/năm.

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến lãi suất tăng là do lạm phát, tỷ giá, giá vàng. Ngoài ra, cầu tín dụng tăng khiến nhu cầu huy động vốn để cho vay ra tăng cũng là một nguyên nhân khiến các ngân hàng phải điều chỉnh tăng lãi suất huy động.

Một số ngân hàng cho biết, điều chỉnh lãi suất huy động nhích lên nhằm chuẩn bị nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm. Một trong những yếu tố thúc đẩy lãi suất gửi tiết kiệm đi lên là do tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ huy động vốn.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tăng tốc từ mức 3,4% vào cuối tháng 5, lên 6% vào cuối tháng 6, trước khi giảm trở lại còn 5,3% tại thời điểm ngày 17/7. Diễn biến này được đánh giá là phù hợp với quy luật về xu hướng tăng trưởng tín dụng, bởi thực tế cho thấy, mức thay đổi trong thời gian cuối quý II là cao kỷ lục.

Cầu tín dụng tiếp tục xu hướng tăng mạnh hơn từ giữa năm 2024, khi sản xuất và đầu tư tăng tốc trong các tháng cuối năm. Vì thế, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn có thể nhích thêm 50 điểm cơ bản, lên mức 5,2 - 5,5% vào cuối năm 2024.

Lãi suất huy động tăng cũng khiến nỗi lo về tăng lãi suất cho vay, gây áp lực lên sản xuất, kinh doanh thêm hiện hữu.

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, mức tăng lãi suất huy động hiện nay đang ở mức độ vừa phải, tạo cảm giác cho người gửi tiết kiệm đỡ thiệt thòi, không hàm ý đảo chiều chính sách tiền tệ.

Việc giữ mặt bằng lãi suất thấp nhằm ổn định để phục hồi nền kinh tế ở thời điểm hiện tại rất quan trọng, vì thế lãi suất cho vay được nhận định vẫn tiếp tục ở mức thấp, kể cả trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm điều chỉnh tăng nhẹ thời gian tới.

Mặt khác, từ quý II/2024, tình hình kinh tế có những bước cải thiện rõ rệt, do vậy, mặt bằng lãi suất sẽ tìm đến điểm cân bằng mới. Mức lãi suất huy động hiện nay vẫn thấp hơn mức lãi suất trong những năm trước dịch bệnh, trong đó lãi suất cho các kỳ hạn dưới 6 tháng thấp hơn mức trần quy định.

Các tổ chức tài chính đưa ra dự báo rằng, mặt bằng lãi suất VND trong 6 tháng cuối năm 2024 có thể tiếp tục tăng nhẹ thêm khoảng 0,25 - 0,75%, tạo ra đường cong lãi suất hài hòa cho các kỳ hạn 1 - 12 tháng ở mức 3 - 6% vào cuối năm 2024. Đây là mức khá hợp lý trong điều kiện vĩ mô ổn định, lạm phát đã và đang được kiểm soát quanh mức 4%; tỷ giá USD/VND có thể biến động 4 - 5% trong năm 2024.

Hà Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lai-suat-huy-dong-khong-ngung-tang-vi-sao.html