Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng ngân hàng nào cao nhất tháng 12/2023?
Trong tháng 12 này, phần lớn các ngân hàng vẫn tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động so với cùng kỳ tháng trước. Hiện tại, lãi suất ở kỳ hạn 6 tháng hiện đang được triển khai ở các ngân hàng dao động quanh mức 3,5%/năm – 5,6%/năm...
Khảo sát biểu lãi suất niêm yết trên website của 28 ngân hàng cho thấy, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng hiện đang được triển khai tại các ngân hàng trong khoảng 3,5%/năm – 5,6%/năm. Trong tháng này, hầu hết các ngân hàng đều thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất so với cùng kỳ tháng trước.
Cụ thể, mức lãi suất 6%/năm đã không còn xuất hiện trên thị trường. Hiện tại, 5,6%/năm đang là mức lãi suất huy động cao nhất tại kỳ hạn 6 tháng, được triển khai ở ngân hàng PVcomBank.
Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ áp dụng khi khách hàng tham gia gửi tiết kiệm trực tuyến. Nếu gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất chỉ còn 5,3%/năm.
Kế tiếp là mức lãi suất 5,5% năm được ghi nhận tại ngân hàng OceanBank dành cho các khoản tiền gửi trực tuyến. Đối với hình thức gửi tại quầy, lãi suất giảm 0,3 điểm phần trăm so với tháng trước, xuống còn 5,4%/năm.
Tương tự, ngân hàng HDBank duy trì mức lãi suất 5,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng với hình thức gửi online. Cũng tại kỳ hạn này, khách hàng tham gia gửi tiền trực tiếp tại ngân hàng HDBank sẽ nhận được lãi suất huy động là 5,3%/năm, giảm 0,2 điểm phần trăm.
Khảo sát cũng cho thấy, hầu hết các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất về mức thấp nhất. Trong đó, vẫn còn nhiều ngân hàng huy động từ 5%/năm trở lên lãi suất cho kỳ hạn 6 tháng điển hình như: VietBank và Kienlongbank cùng niêm yết mức lãi suất 5,4%/năm; ngân hàng NCB là 5,35%/năm; VietABank và BaoViet Bank lãi suất giảm xuống còn 5,3%/năm; GPBank là 5,25%/năm.
Cùng kỳ hạn trên, 3 ngân hàng SHB, ABBank và Bac A Bank cùng ấn định chung mức 5,2%/năm; hiện tại, 5,1%/năm đang là lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng VIB, CBBank, OCB, LPBank; còn BVBank lại niêm yết mức 5,05%/năm…
Cũng tại kỳ hạn này, nhiều ngân hàng thương mại lại điều chỉnh giảm sâu lãi suất huy động về mức dưới 5%/năm trong tháng 12 này, bao gồm: Dong A Bank (4,9%/năm), Saigonbank (4,9%/năm), Nam A Bank (4,9%/năm), Eximbank (4,8%/năm).
Ngoài ra, khách hàng có thể tham khảo lãi suất huy động tại các ngân hàng khác như: TPBank (4,8%/năm), SCB (4,75%/năm), Sacombank (4,7%/năm), MSB (4,7%/năm), ACB (4,6%/năm), MBBank (4,6%/năm), SeABank (4,6%/năm), PGBank (4,6%/năm)…
Ở biểu lãi suất tiết kiệm thường của ngân hàng Techcombank với thời hạn 6 tháng, khách hàng cá nhân và hội viên Inspire sẽ nhận được lãi suất là 4,5%/năm, khách hàng VIP 2/ VIP 3 và khách hàng VIP1/Private nhận được mức lãi suất lần lượt là 4,55%/năm và 4,6%/năm. So với tháng trước, mức lãi suất này đã được điều chỉnh giảm thêm 0,3 điểm phần trăm.
Trong khi đó, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng tại ngân hàng VPBank được chia ra thành 5 hạn mức tiền gửi. Với tiền gửi dưới 1 tỷ đồng lãi suất được niêm yết ở mức 4,8%/năm; từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng là 4,9%/năm; từ 3 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng là 5%/năm, từ 10 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng là 5,1%/năm và từ 50 tỷ đồng trở lên là 5,2%/năm.
Ngân hàng VPBank cũng triển khai biểu lãi suất tiết kiệm trực tuyến. Theo đó, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức lãi suất tương ứng trên biểu lãi suất huy động tại quầy.
Trong bảng so sánh lãi suất huy động cho kỳ hạn 6 tháng, các ngân hàng lớn có vốn nhà nước gồm Agribank, Vietinbank, BIDV vẫn giữ nguyên lãi suất huy động mức 4,3%/năm trong tháng này.
Tuy nhiên, ngân hàng Vietcombank lại giảm mạnh lãi suất xuống còn 3,5%/năm. So với cùng kỳ, mức lãi suất này thấp hơn 0,6 điểm phần trăm. Đây cũng là mức lãi suất tiền gửi thấp nhất cho kỳ hạn 6 tháng trong 28 ngân hàng được khảo sát.
Theo dữ liệu của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tính đến đầu tháng 12/2023, bình quân lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại đã xuống tới mức 5,13%/năm, giảm khoảng 3 điểm phần trăm so với cuối năm 2022, thấp hơn cả giai đoạn Covid-19.
Nhiều người vốn coi gửi tiền vào ngân hàng là giải pháp an toàn, tiết kiệm và sinh lời. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất tiền gửi liên tục giảm khiến nhiều người băn khoăn không biết nên làm gì?
Trong một dịp trao đổi với báo chí gần đây, ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc khối Tài chính Cá nhân, Công ty Cổ phần FIDT phân tích, lãi suất huy động tại các ngân hàng ở thời điểm hiện tại cơ bản là đã chạm đáy và khó có thể thấp hơn được nữa.
Ông Huấn dự báo giai đoạn đầu năm 2024, lãi suất huy động có thể tăng nhẹ nhưng không đáng kể. Do đó, kênh tiền nhàn rỗi sẽ đóng vai trò là một kênh bước đệm để giúp việc đầu tư cá nhân có tính tăng trưởng trong dài hạn.
Vị chuyên gia này cho rằng: "Lãi suất tiết kiệm hiện đã không còn hấp dẫn, tuy nhiên, một phần tỷ trọng vẫn nên để vào lớp tài sản này để danh mục của bạn cân bằng về thanh khoản và tối ưu về rủi ro".