Lãi suất huy động rục rịch tăng

Ngay trong tuần đầu năm 2025, một số ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động, nối tiếp xu hướng từ cuối năm ngoái. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là nền kinh tế bước vào giai đoạn tăng trưởng mới, với nhu cầu vốn mạnh mẽ từ các doanh nghiệp.

OCB đã tăng lãi suất huy động thêm 0,1%/năm, với mức lãi suất cao nhất là 5,9%/năm ở kỳ hạn 36 tháng. Một số ngân hàng như HDBank, Saigonbank, BVBank cũng đã nâng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng lên 6%/năm.

Các ngân hàng lý giải việc tăng lãi suất nhằm bổ sung vốn cho việc giải ngân các hợp đồng cuối năm 2024 và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện các đơn hàng đầu năm 2025.

Ông Lê Đăng Khoa, Giám đốc Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng OCB, cho biết: "Trong tổng nguồn vốn của chúng tôi, luôn ưu tiên dành một phần cho các khách hàng thuộc đối tượng trong chuỗi cung ứng và tài trợ xuất nhập khẩu. Tỷ giá hiện nay cũng đang được giữ ổn định, chúng tôi luôn duy trì và giữ ổn định tỷ giá để khách hàng cân bằng được chi phí cũng như dự báo về mặt lợi nhuận".

Theo chuyên gia, các ngân hàng cần tăng cường huy động vốn ngay từ đầu năm để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức 16% trong năm nay, cao hơn 1% so với năm 2024. Việc giữ lãi suất thấp sẽ không đủ hấp dẫn để thu hút tiền gửi từ người dân.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Thị trường Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho hay: "Khi lãi suất ngân hàng duy trì thấp trong một khoảng thời gian dài sẽ dẫn đến sự không hấp dẫn của kênh này đối với các nhà đầu tư và họ có xu hướng chuyển qua những kênh khác, chẳng hạn như chứng khoán, bất động sản hay thậm chí là vàng. Điều đó dẫn đến việc các ngân hàng thương mại buộc phải tăng lãi suất lên để duy trì được lượng tiền gửi nhất định nhằm đáp ứng nhu cầu về tăng trưởng tín dụng".

Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND duy trì ở mức cao từ cuối tháng 10/2024, quanh mức 25.400 đồng/USD, đã gây áp lực lên mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, ngành ngân hàng TP.HCM cam kết tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ và yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP.HCM, cho hay: "Việc điều chỉnh cục bộ, chủ yếu là kỳ hạn trung và dài hạn, cũng chưa tác động đến lãi suất cho vay. Đặc biệt, khi các ngân hàng chủ động nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí đầu vào, cải cách hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ, điều này đảm bảo tiết giảm chi phí đầu vào. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện cho các ngân hàng giữ ổn định lãi suất cho vay cũng như giảm lãi suất cho vay theo đúng định hướng của Ngân hàng Trung ương và Chính phủ".

Dự báo lãi suất huy động sẽ tăng thêm 0,5% trong năm 2025, từ mức bình quân 5,2% lên khoảng 5,7%, nếu không có biến động lớn. Mức tăng này được đánh giá là hợp lý và vừa phải, tương đương với mức lãi suất trước giai đoạn COVID-19 và dự kiến sẽ không gây ảnh hưởng đáng kể đến lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Nhật Minh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/lai-suat-huy-dong-ruc-rich-tang-296002.htm