Lãi suất huy động tụt mạnh

Từ đầu tháng 8, lãi suất huy động tiếp tục giảm ở các kỳ hạn trên 6 tháng. Mấy ngày gần đây, nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động xuống dưới 7%/năm. Hiện lãi suất kỳ hạn 12 tháng trên 7%/năm chỉ còn ít ngân hàng và lãi suất thấp nhất còn 5,95%/năm.

Theo khảo sát, hiện tại SeABank giảm 0,3 điểm % lãi suất huy động, tất cả kỳ hạn tiền gửi tại nhà băng này đã về mức lãi dưới 6%/năm. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng giảm sâu xuống dưới 6%, tối đa chỉ còn 5,9%/năm dành cho số tiền gửi 10 tỷ đồng, cao nhất là 5,4%/năm với tiền gửi thông thường.

Các kỳ hạn khác ở SeABank cũng có mức lãi suất huy động rất thấp. Trong đó, kỳ hạn 7 tháng là 5,45%/năm, kỳ hạn 8 - 9 tháng là 5,55%/năm, kỳ hạn 10 tháng 5,6%/năm, kỳ hạn 11 tháng 5,65%/năm, kỳ hạn 12 tháng 5,7%/năm, kỳ hạn 15 tháng 5,75%/năm, kỳ hạn 18 tháng 5,8%/năm, kỳ hạn 24 tháng 5,85%/năm, và kỳ hạn 36 tháng là 5,9%/năm.

Mức lãi này khiến cho SeABank đang là ngân hàng có lãi huy động thấp nhất trong hệ thống.

Theo thống kê, từ đầu tháng 8 tới nay, có 24 ngân hàng giảm lãi suất huy động. (Ảnh minh họa)

Theo thống kê, từ đầu tháng 8 tới nay, có 24 ngân hàng giảm lãi suất huy động. (Ảnh minh họa)

Tương tự, VietBank công bố giảm lãi suất từ 0,3 - 0,4 điểm % các kỳ hạn tiền gửi từ 6 - 36 tháng. Theo đó, lãi suất các kỳ hạn 6 - 7 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm xuống 6,7%/năm.

Đáng chú ý, Eximbank vừa giảm lãi suất lần thứ 4 chỉ trong vòng nửa tháng. Trong lần điều chỉnh mới nhất, Eximbank giảm 0,2 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn tiền gửi từ 6 - 36 tháng xuống còn 6%/năm. Nếu khách hàng lĩnh lãi đầu kỳ, lãi suất chỉ còn 5,8%/năm.

MB từ ngày 15/8 giảm 0,1 điểm % ở hàng loạt kỳ hạn. Đối với kỳ hạn 6 tháng, 13 tháng, 24 tháng, 36 tháng, lãi suất huy động của MB lần lượt là 6%/năm, 6,1%/năm, 6,4%/năm và 6,6%/năm.

ACB cũng giảm lãi suất huy động lần thứ tư kể từ đầu tháng. Với tiền gửi dưới 100 triệu đồng, lãi suất kỳ hạn 6-12 tháng đều là 6%/năm.

Theo thống kê, từ đầu tháng 8 tới nay, có 24 ngân hàng giảm lãi suất huy động. Trong đó, Techcombank, NCB, VIB đã giảm lãi suất 2 lần kể từ đầu tháng 8; VietBank đã có 3 lần giảm lãi suất kể từ đầu tháng; còn ACB và Eximbank đã giảm lãi suất tới 4 lần.

Sau khi điều chỉnh, nhiều ngân hàng chỉ còn duy trì lãi suất huy động dưới 7% cho kỳ hạn 6 tháng. Thậm chí, một số ngân hàng còn đưa lãi suất tiết kiệm kỳ hạn này xuống dưới 6%/năm như MSB (5,9%/năm), SeABank (5,4%/năm). Riêng nhóm Big 4 hiện áp dụng lãi suất huy động cho kỳ hạn 6 tháng chỉ từ 5 - 5,3%/năm.

Một số ít ngân hàng duy trì lãi suất từ 7% cho các kỳ hạn 6 tháng trở lên, như: NCB, VietA Bank, ABBank, CBBank, BacA Bank, PVCombank.

Như vậy, so với giai đoạn cao điểm vào cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm đã giảm tới 3 - 4%, đặc biệt với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Lãi suất huy động giảm mạnh sau 4 lần Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành cộng với bối cảnh ngân hàng “thừa tiền” khi khó cho vay. Mặt bằng lãi suất hiện về ngang với giai đoạn nửa đầu 2022.

Trong bối cảnh lãi suất đầu vào đã hạ nhiệt nhanh và mạnh, Ngân hàng Nhà nước gần đây yêu cầu các nhà băng đồng thời giảm lãi suất khoản vay cũ và mới ít nhất 1,5 - 2%, theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm nay đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới trước ngày 25/8. Các đơn vị này báo cáo kết quả thực hiện và gửi Ngân hàng Nhà nước trước ngày 8/1/2024.

Một số nhà băng gần đây tung nhiều gói ưu đãi giảm lãi suất khoản vay mới để kích cầu tín dụng trong bối cảnh tăng trưởng cho vay ảm đạm. Lãi suất khoản vay cũ cũng đã có sự điều chỉnh, tuy nhiên giảm chậm hơn so với lãi suất khoản vay mới. Tùy từng nhà băng và nhóm khách hàng, lãi suất khoản vay hiện hữu giảm khoảng 1% đến 2% từ đầu năm tới nay.

Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2023, nhờ hai yếu tố.

Thứ nhất, kỳ vọng lãi suất điều hành giảm thêm 1 lần nữa (khoảng 0,5 điểm %) đưa lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu về mức ngang bằng với đáy giai đoạn Covid-19 (lần lượt là 4,0% và 2,5%), từ đó điều chỉnh lãi suất huy động trên cả thị trường 1 và 2.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước và bổ sung tiền gửi vào Kho bạc Nhà nước vào cách tính LDR giúp các ngân hàng có dư địa giảm lãi suất huy động.

Hà Phong

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/lai-suat-huy-dong-tut-manh-159442.html