Lãi suất kém hấp dẫn, làm sao để hút tiền gửi vào ngân hàng?
Lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất trong 10 năm qua, kéo theo đó là sự sụt giảm tiền gửi khách hàng. Vì vậy, câu chuyện làm sao để hút tiền gửi trở lại đang là vấn đề cần đặt ra đối với các ngân hàng.
Lãi suất huy động chạm đáy
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Sài Gòn - SSI, lãi suất huy động đã giảm tổng cộng từ 2-2,5% trong năm 2020, trong đó mạnh nhất là trong quý 3/2020. Sang đến quý 1/2021, đã có một số điều chỉnh tăng- giảm nhẹ từ 0,1-0,4% lãi suất tại một số ngân hàng thương mại, tập trung vào các kỳ hạn ngắn và nhóm khách hàng cá nhân.
Lãi suất ngân hàng đang ở mức thấp nhất trong khoảng 20 năm qua.
Tuy nhiên, mặt bằng chung, lãi suất tiền gửi vẫn giữ nguyên ở mức từ 3-4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, từ 3,5-5,5%/năm với kỳ hạn từ 6-12 tháng và từ 4,6-6%/năm với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Thậm chí có ngân hàng còn trả chưa đến 5%/năm. Có thể thấy, lãi suất huy động kỳ hạn dài đang kém hấp dẫn với khách hàng.
Do lãi suất huy động giảm mạnh nhất trong hơn chục năm qua, một số ngân hàng đã ghi nhận sự sụt giảm tiền gửi khách hàng trong 3 tháng đầu năm. Trong đó có sự góp mặt của cả những "ông lớn".
Chẳng hạn, tiền gửi khách hàng tại BIDV hiện nhiều nhất hệ thống với gần 1,23 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này đã giảm nhẹ so với đầu năm. “Ông lớn” Vietcombank cũng ghi nhận tiền gửi khách hàng giảm nhẹ 0,6% so với đầu năm còn hơn 1 triệu tỷ đồng.
ACB cũng ghi nhận tiền gửi khách hàng giảm nhẹ 0,3%, ở mức 352.218 tỷ đồng. Tại SHB giảm nhẹ 1% so với đầu năm, ghi nhận hơn 300.654 tỷ đồng.
Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận tiền gửi của khách hàng giảm như Viet capital bank giảm 6,6%; ABBank giảm 0,7%; Ngân hàng Quốc Dân giảm 1%.
Số liệu từ Tổng cục thống kê về huy động vốn cho thấy, tính đến ngày 19/3/2021 (số liệu mới nhất), tăng trưởng huy động vốn toàn nền kinh tế mới đạt 0,54%, chỉ bằng 1/3 so với mức tăng trưởng tín dụng.
Sự sụt giảm về số dư tiền gửi khách hàng trong quý đầu năm 2021 của nhiều ngân hàng cho thấy sức hút của kênh gửi tiền ngân hàng đang giảm khi lãi suất tiền gửi đã chạm đáy suốt thời gian dài.
Ngân hàng tìm cách giữ chân khách hàng
Sau nhiều tháng duy trì ở mức thấp, từ cuối tháng 5/2021, lãi suất huy động lại bất ngờ tăng nhẹ ở nhiều ngân hàng thương mại. Động thái này nhằm giữ chân khách hàng do dòng tiền nhàn rỗi có xu hướng chảy qua một số kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán, bất động sản; tín dụng tăng cao hơn so với tăng trưởng huy động vốn,...
Chẳng hạn, TPBank vừa bổ sung thêm gói tài khoản Đắc Lộc, với lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng là 6,5%/năm, tăng 0,5 điểm % so với mức lãi suất gửi tiết kiệm thông thường. Đây là lần đầu tiên TPBank thay đổi biểu lãi suất huy động kể từ tháng 2.
Biểu lãi suất tiền gửi dành cho Khách hàng Cá nhân tại TPBank.
Ngân hàng SHB triển khai chứng chỉ tiền gửi với kế hoạch hút về 4.000 tỷ đồng tiền gửi thông qua hình thức này.
Theo ngân hàng, với số tiền tối thiểu từ 100.000 đồng, khách hàng có thể mua chứng chỉ tiền gửi và hưởng mức lãi suất năm đầu tiên là 7,0%/năm đối với kỳ hạn 6 năm và 7,2%/năm đối với kỳ hạn 8 năm, lãi suất các năm tiếp theo sẽ được điều chỉnh phù hợp, đảm bảo cạnh tranh trên thị trường. Đi kèm lãi suất cao, ngân hàng này còn cộng ưu đãi cho khách hàng là voucher sử dụng dịch vụ phòng chờ 5 sao của ngân hàng tại Sân bay Nội Bài.
Đồng thời, lãi suất huy động tại SHB cũng tăng từ 0,1-0,3 điểm % ở hầu hết kỳ hạn so với trước đó.
Tương tự, Sacombank cũng áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm mới từ 10/5, với mức tăng từ 0,1-0,2 %/năm với nhiều kỳ hạn.
Theo đó, lãi suất tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 2 tháng là 3,5%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng là 3,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng lên mức 5%/năm… Các kỳ hạn này đều có lãi suất huy động tăng thêm 0,2 điểm % so với trước đó. Còn với một số kỳ hạn dài, lãi suất huy động tăng thêm 0,1 điểm %. Các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng hiện có mức lãi suất huy động lần lượt là 5,7%/năm; 5,7%/năm và 6,4%/năm.
Với hình thức gửi online, lãi suất huy động tại Sacombank cũng tăng 0,1-0,2%/năm. Đặc biệt, lãi suất huy động với hình thức gửi tiền online ở kỳ hạn 36 tháng tăng từ 6,5%/năm lên 6,7%/năm.
Tại Techcombank, ở các kỳ hạn 1-2 tháng; 6-11 tháng và 12-35 tháng lãi suất tiết kiệm đều tăng 0,65 - 0,9 điểm % so với trước. Cụ thể, khách hàng thường dưới 50 tuổi gửi tiết kiệm từ 3 tỉ đồng trở lên kỳ hạn 1-2 tháng lãi suất 2,9%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng 4,6%/năm; kỳ hạn 12-35 tháng là 5,2%/năm…
Có thể thấy, bên cạnh điều chỉnh lãi suất, một số ngân hàng đã tung ra các sản phẩm tiền gửi với cái tên hấp dẫn chẳng hạn như chứng chỉ tiền gửi, đắc lộc, thịnh vượng... để hút vốn mạnh hơn với lãi suất cao hơn trên dưới 0,5 điểm % so với gửi thông thường.
Đáng chú ý, gửi tiền tại các gói này, khách hàng thường được yêu cầu không được rút trước hạn, song có thể chọn lựa linh hoạt nhiều kỳ hạn (phổ biến là từ 6 tháng trở lên) phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn của mình.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán BVSC, lãi suất huy động trung bình tại các ngân hàng hiện có xu hướng tăng nhẹ tại 2 kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Nhưng lãi suất huy động tăng chủ yếu ở một số ngân hàng thương mại cỡ vừa và nhỏ. Còn nhóm ngân hàng có vốn hóa lớn vẫn duy trì mặt bằng lãi suất huy động như các tháng trước.
Tại nhóm ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank) vẫn giữ nguyên biểu lãi suất tiền gửi từ tháng 2/2021
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng lãi suất sẽ tăng ở mức khiêm tốn vào năm 2021 do lạm phát vẫn được kiểm soát và chính sách tiền tệ vẫn đang duy trì hướng hỗ trợ.