Lãi suất liên ngân hàng giảm xuống vùng 1%, giai đoạn tiền rẻ đang quay lại?
Lãi suất trên cả thị trường 1 và thị trường 2 đều giảm rất mạnh trong tuần qua. Trong khi tăng trưởng tín dụng đến ngày 15/6 mới chỉ đạt 3,36% so với cuối năm 2022.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) đã giảm về mức rất thấp, chỉ còn quanh vùng 1%. Cụ thể, trong phiên giao dịch gần nhất ngày 23/6 đã giảm về 1,08%/năm.
Ngoài lãi suất cho vay qua đêm, hiện tại lãi suất các kỳ hạn khác cũng khá thấp với kỳ hạn 1 tuần là 1,41%, kỳ hạn 2 tuần là 1,87%, kỳ hạn 1 tháng là 2,54%, kỳ hạn 3 tháng là 5,25%...
Vào cuối tuần trước, lãi suất cho vay qua đêm thậm chí giảm xuống dưới 1%, cụ thể thời điểm ngày 21/6 chỉ còn 0,55%. Thời điểm này lãi suất kỳ hạn 1 tuần chỉ còn 0,8%, kỳ hạn 2 tuần là 1,41%, kỳ hạn 1 tháng là 3,16%...
Lãi suất qua đêm liên ngân hàng giảm sâu cho thấy, chi phí vay mượn lẫn nhau giữa các nhà băng đã giảm rất mạnh trong những tuần qua. Đi cùng với đó, giá trị giao dịch liên ngân hàng vẫn được giữ ở mức cao (220.000 – 230.000 tỷ đồng/phiên) thể hiện sự dồi dào về thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Những diễn biến tại thị trường liên ngân hàng hiện tại khá tương đồng với giai đoạn "tiền rẻ" duy trì từ đầu năm 2020 đến giữa tháng 7/2022 – khoảng thời gian lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp và Nhà điều hành rất ít phải hỗ trợ thanh khoản hệ thống qua kênh OMO.
Theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần 19/6-23/6, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, thanh khoản trên hệ thống ngân hàng tiếp tục ổn định và hoạt động trên kênh thị trường mở trầm lắng.
Cụ thể, mặc dù NHNN chào thầu đều đặn trên kênh mua kỳ hạn ở hai kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, mỗi kỳ hạn 50.000 tỷ đồng, đều với lãi suất 4%, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu.
Trong tuần qua cũng không ghi nhận khối lượng đáo hạn trên cả hai kênh tín phiếu và mua kỳ hạn. Thanh khoản dồi dào khiến mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm trong nửa đầu tuần, về mức 0,55% cho kỳ hạn qua đêm và đã bật tăng nhẹ trở lại lên vùng 1,1% vào phiên cuối tuần.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thanh khoản sẽ chịu nhiều áp lực hơn trong tuần này khi yếu tố mùa vụ vào cuối quý có thể khiến lãi suất liên ngân hàng bật tăng nhẹ trở lại.
Không chỉ trên thị trường 2, tình trạng dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng đã ngấm sâu sang thị trường 1, khi lãi suất huy động liên tục giảm mạnh trong những tháng gần đây.
Khảo sát của VnBusiness trong sáng ngày 27/6 cho thấy, lãi suất cao nhất trên thị trường kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 2 ngân hàng niêm yết ở mức trên 8%/năm là CB niêm yết ở mức 8,15%/năm và VRB huy động ở mức 8,2%/năm. Còn lại các ngân hàng khác mức lãi suất cho kỳ hạn này là dưới 8%.
Điển hình, các ngân hàng tư nhân vừa và nhỏ hầu hết đang niêm yết lãi suất 7,5 – 7,8% cho kỳ hạn 12 tháng như ABBank, BacABank, VietBank, OceanBank, Nam A Bank, BVBank, SHB, VietABank, NCB, OCB và Eximbank.
Trong khi đó nhóm ngân hàng tư nhân lớn, mức lãi suất áp dụng cho kỳ hạn 1 năm dao động trong khoảng 7 - 7,2%/năm như: VPbank (7,2%), MB (7,1%), Techombank (7,1%). Thậm chí một số ngân hàng tư nhân đã đưa lãi suất tiền gửi 12 tháng xuống dưới mức 7%/năm như ACB (6,9%), Kienlongbank (6,9%), VIB (6,8%), DongABank (6,7%), LPBank (6,6%).
Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank có lãi suất tiền gửi 12 tháng thấp nhất thị trường là 6,3%/năm. Mức lãi suất này hiện chỉ còn cao hơn khoảng 0,7 điểm % so với mức thấp kỷ lục ghi nhận vào hồi tháng 7, tháng 8/2022 - giai đoạn trước khi cuộc đua lãi suất tăng huy động xảy ra.