Lãi suất năm Quý Mão 2023: Giảm 70%, người dân vẫn gửi tiết kiệm
Trong năm Quý Mão 2023, lãi suất huy động giảm rất sâu, giảm gần 70% nhưng người dân vẫn mạnh tay gửi tiết kiệm.
Lãi suất giảm gần 70% trong năm Quý Mão 2023
Quý Mão 2023 là năm lãi suất huy động biến động vô cùng mạnh mẽ theo chiều hướng sụt giảm là chủ yếu. Trong khoảng thời gian này, lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng đến 24 tháng phổ biến ở mức từ 9%/năm đến sát 10%/năm.
Tuy nhiên, sau 1 năm âm lịch, lợi ích của người gửi tiền giảm sút mạnh khi lãi suất liên tục cài số lùi xuống vùng phổ biến chỉ còn từ 4,5%/năm tới 5,8%/năm.
Cụ thể, trong ngày cuối cùng của năm Nhâm Dần 2022, ở kỳ hạn 6 tháng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là đơn vị có lãi suất tiền gửi cao nhất, lên đến 9,9%/năm. Tuy nhiên, hiện tại, trong ngày 7/2/2024 - phiên giao dịch chốt của năm Quý Mão 2023, con số mà SBC áp dụng rất thấp, chỉ còn 3,05%. Như vậy, lãi suất tại SCB giảm tới 69%.
Ở kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng, SCB cũng là “quán quân” với 9,95%/năm. Tuy nhiên, trong ngày 7/2/2024, lãi suất tại SCB chỉ còn 4,75%/năm, tương ứng mức giảm 52,3%.
Trước đây, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cũng thường xuyên ghi tên mình vào danh sách những ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất. Hồi cuối năm Nhâm Dần 2022, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng và 24 tháng tại NCB lần lượt là 9,5%/năm, 9,7%/năm và 9,9%/năm. Sau 1 năm giao dịch, ưu đãi cao nhất tại NCB giảm sâu xuống còn từ 5,05%/năm tới 5,5%/năm.
Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank) từng niêm yết lãi suất ở mức: 9,3%/năm (kỳ hạn 6 tháng), 9,5%/năm (kỳ hạn 12 tháng) và 9,6%/năm (kỳ hạn 24 tháng). Còn hiện tại, khi năm Quý Mão 2023 sắp “đóng cửa”, biểu niêm yết tại GPBank chỉ còn từ 4,4%/năm tới 4,7%/năm.
Hồi cuối năm Nhâm Dần 2022, rất nhiều đơn vị có lãi suất từ 9%/năm đến dưới 9,9%/năm (áp dụng cho các kỳ hạn từ 6 tháng đến 24 tháng) có thể kể đến như Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaovietBank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), hàng TMCP Đông Á (DongA Bank),… Và cũng như đơn vị kể trên, các nhà băng này đã giảm sâu lãi suất xuống khoảng 5%/năm.
Đáng chú ý nhất chính là nhóm Big 4 (bao gồm 4 ngân hàng quốc doanh: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – VietinBank và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Agribank) đồng loạt đưa lãi suất tiền gửi xuống “đáy”. Mức cao nhất tại Big 4 đã xuống dưới 5%/năm.
Người dân vẫn mạnh tay gửi tiết kiệm
Có thể thấy, thời gian qua, lãi suất ngân hàng liên tục sụt giảm mạnh nhưng người dân vẫn có xu hướng gửi tiền tiết kiệm.
Cụ thể, theo thống kê mới nhất do Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến tháng 11/2023, lượng tiền gửi vào hệ thống các ngân hàng đã đạt con số kỷ lục 12,8 triệu tỷ đồng.
Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt 6,384 triệu tỷ đồng; tiền gửi của dân cư đạt 6,471 triệu tỷ đồng. Số liệu gồm các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng trong nước mua.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, cô Thu Bích (Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết lý do cô vẫn gửi tiết kiệm dù lãi suất giảm rất mạnh: “Lãi suất giảm, tiền lãi thu về chỉ bằng một góc ngày xưa, cô cũng xót ruột lắm. Thế nhưng, cô từng lao đao, suýt mất một nửa tiền vì mua nhầm chứng chỉ quỹ nên con trai đã khuyên cô chỉ gửi tiết kiệm, không được mua bất cứ thứ gì ngay cả vàng”.
Cô Bích kể trước đây khi đi gửi tiết kiệm, cô được nhân viên ngân hàng tư vấn một khoản “tiết kiệm đầu tư” lãi suất cao hơn. Thấy lãi suất hấp dẫn, cô đồng ý “tiết kiệm đầu tư” mà không biết là mình mua nhầm chứng chỉ quỹ. Khi thị trường trái phiếu gặp sự cố, chứng chỉ quỹ của cô có lúc giảm gần một nửa khiến cô mất ăn mất ngủ.
“Với người không có kiến thức tài chính như tôi, tốt nhất là gửi tiết kiệm cho an toàn”, cô Thu Bích “chốt” lại kế hoạch sử dụng tiền của mình.
Trong khi đó, chị Lê Thanh Hoa (Phú Thượng, Hà Nội) cũng quyết định gửi tiết kiệm dù chị là một nhà đầu tư tài chính: “Ở thời điểm này, tôi không mua vàng, không mua đô hay mua chứng khoán vì thị trường đang có nhiều biến động mạnh. Tôi tin rằng 2024 là ‘đáy’ của nền kinh tế nên tiền mặt vẫn là vua khi đáy đang tới gần”.
Chị Hoa cho biết khi cảm thấy có một thời điểm nào đó thích hợp để đầu tư mà sổ tiết kiệm chưa đáo hạn, chị sẽ dùng sổ để cầm cố, vay tiền ngân hàng.