Lãi suất ngân hàng 2025 sẽ diễn biến như thế nào?
Mặc dù tháng 1/2025 mới trôi qua 2 tuần, song xu hướng tăng lãi suất huy động đã dần hiện rõ. Điều này dẫn tới sự lo ngại mặt bằng lãi suất cho vay năm 2025 sẽ tăng cao, gây ảnh hưởng tới hoạt động vay vốn kinh doanh của doanh nghiệp.
Tháng đầu tiên của năm 2025 ghi nhận một loạt ngân hàng gia tăng lãi suất huy động. Trong đó, Agribank là ngân hàng duy nhất trong nhóm “Big 4”, còn lại đều là các ngân hàng TMCP tư nhân như: VietBank, KienlongBank, Eximbank, Bac A Bank, NCB, MBV.
Trên thực tế, không phải tới tháng 1/2025 các ngân hàng mới tăng lãi suất huy động. Đà tăng này đã được kích hoạt từ trước đó, cho thấy xu hướng tăng lãi suất trong năm 2025 là khá rõ ràng.
Ghi nhận cho thấy mức lãi suất trên 6%/năm đang được nhiều ngân hàng áp dụng cho các kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên). Một số ngân hàng còn tung ra các gói lãi suất cao, từ 7% - 9%, song chỉ dành cho các khách hàng đặc biệt, như có số dư tối thiểu từ hàng trăm cho đến hàng nghìn tỷ đồng.
Tất nhiên, ở chiều ngược lại, một số ngân hàng có sự điều chỉnh giảm lãi suất ở một số kỳ hạn, như: Techcombank, Nam A Bank, SeABank… Việc này được giải thích là để đa dạng hóa chiến lược huy động vốn của từng đơn vị.
Sự gia tăng của lãi suất huy động, một cách tất yếu, sẽ tác động tới lãi suất cho vay. Thông thường, biên độ giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ là 3,5% - 4%. Điều này đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay sẽ “nhích” lên theo đà tăng của lãi suất huy động.
Trao đổi với VietTimes, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP. HCM) cho biết sự gia tăng lãi suất huy động giai đoạn cuối năm 2024 – đầu năm 2025 là phản ứng tất yếu của các ngân hàng. Nguyên do là tỷ giá đang chịu sức ép từ chính sách tiền tệ của Mỹ, cụ thể là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) gần đây đã tỏ thái độ thận trọng trong việc giảm lãi suất, trong đó có tuyên bố sẽ chỉ giảm lãi suất 2 lần vào năm 2025. Điều này khiến đồng USD mạnh lên, khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thời điểm phải bán ngoại tệ ra thị trường để ổn định tỷ giá.
“Trong bối cảnh áp lực tỷ giá, mà Ngân hàng Nhà nước lại không dám tăng cung tiền, các ngân hàng lại chịu sức ép phải tăng điểm tín dụng cho năm nay nên việc tăng lãi suất huy động để hút tiền là điều không thể tránh khỏi”, ông Huân bình luận.
Lãi suất 2025 sẽ diễn biến như thế nào?
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, diễn biến lãi suất giai đoạn cuối năm 2024 – đầu năm 2025 là một chỉ dấu cho thấy nhiều khả năng mặt bằng lãi suất năm 2025 sẽ tăng lên. Tuy nhiên, mức tăng của lãi suất sẽ là không lớn, bởi Chính phủ sẽ ưu tiên mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đồng nghĩa với việc sẽ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp.
“Tôi cho rằng lãi suất có thể tăng 1 điểm % và đây là mức chấp nhận được” - ông Huân dự báo, song không quên nhấn mạnh rằng “nếu áp lực tỷ giá quá lớn thì Chính phủ buộc phải ưu tiên ổn định tỷ giá, khi đó lãi suất cũng phải tăng theo”.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng lãi suất năm 2025 nhiều khả năng sẽ tăng. Nguyên do là Việt Nam đã duy trì mặt bằng lãi suất thấp trong thời gian dài và hiện không còn nhiều dư địa để tiếp tục điều này. “Lạm phát đã gần 4%. Để có lãi suất thực dương, hấp dẫn người gửi tiền, lãi suất huy động phải tăng, hệ quả là lãi suất cho vay tăng theo”, ông Thịnh phân tích với VietTimes.
Ông cũng nói thêm rằng: “Những năm qua, theo yêu cầu của Chính phủ, các ngân hàng đã cắt giảm mọi loại chi phí để giảm lãi suất. Giờ các ngân hàng không thể cắt giảm thêm chi phí nào nữa, nên chuyện tăng lãi suất là sớm muộn thôi. Chúng ta chỉ có thể hi vọng mức tăng lãi suất là không lớn”.
Lãi suất đang trong “thế kẹt”, không thể giảm xuống được, song cũng khó tăng
TS Lê Xuân Nghĩa
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài khóa – tiền tệ quốc gia, bổ sung một góc nhìn khác. Theo ông, lãi suất đang trong “thế kẹt”, không thể giảm xuống được, song cũng khó tăng. “Lãi suất không xuống được vì xuống nữa thì người dân không gửi tiền vào ngân hàng. Nhưng lãi suất cũng không tăng vì Chính phủ sẽ không muốn tăng khi đang đặt mục tiêu tăng trưởng cao”.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh tỏ ra lạc quan khi nói rằng dù lãi suất có tăng, tác động tới triển vọng tăng trưởng vĩ mô năm 2025 sẽ là không lớn, nếu không muốn nói là “không đáng kể”.
Còn đối với ngành ngân hàng, việc gia tăng lãi suất chưa hẳn sẽ mang tới hiệu quả tốt hơn về lợi nhuận. “Bức tranh nợ xấu đã khác khi Thông tư 02 chính thức hết hiệu lực. Lợi nhuận ngân hàng năm 2025 sẽ chưa biết thế nào”, ông Thịnh nhìn nhận.