Lãi suất ngân hàng biến động trái chiều: Dự báo xu hướng tăng nhẹ vào cuối năm
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng vẫn tiếp tục giảm lãi suất huy động trong tháng 7.
Từ đầu tháng 7 đến nay, mặt bằng lãi suất tiền gửi ghi nhận nhiều biến động khi một loạt ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn, trong khi một số khác lại lựa chọn hạ nhẹ mức lãi suất nhằm tái cơ cấu danh mục huy động.
Biến động trái chiều

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank). Nguồn: Bac A Bank
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng vẫn tiếp tục giảm lãi suất huy động trong tháng 7. Trong đó, Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) giảm 0,1%/năm lãi suất ở tất cả các kỳ hạn và hình thức tiền gửi, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) giảm 0,1%/năm cho kỳ hạn 36 tháng đối với tiền gửi tại quầy từ 1 đến dưới 5 tỷ đồng, còn Ngân hàng TMCP Bảo Việt (Baoviet Bank) giảm từ 0,15 đến 0,2%/năm ở các kỳ hạn 6-13 tháng.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank) giảm lãi suất 0,2%/năm kỳ hạn 18-60 tháng cho hình thức gửi trực tuyến và Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) cũng giảm 0,1%/năm tùy kỳ hạn…
Song, bảng lãi suất niêm yết mới nhất tại một số ngân hàng vẫn ghi nhận biến động tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1 đến 0,2%/năm cho các kỳ hạn từ 1 đến 36 tháng. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) điều chỉnh tăng 0,1%/năm lãi suất với toàn bộ tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến 36 tháng, Baoviet Bank tăng 0,1%/năm với kỳ hạn 1-2 tháng, còn Ngân hàng TMCP Kỹ thuật Việt Nam (Techcombank) tăng lãi suất từ 0,1 đến 0,2%/năm tùy từng kỳ hạn.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đẩy mạnh chính sách cộng thêm lãi suất khi khách hàng gửi tiền trực tuyến. Đơn cử như Techcombank, lãi suất tiết kiệm cũng cộng thêm tới 1%/năm cho khách hàng gửi online từ 100 triệu đồng tại các kỳ hạn 3, 6 và 12 tháng. Tương tự, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đang ưu đãi cộng thêm đến 0,5%/năm cho khách gửi từ 100 triệu đồng với kỳ hạn 6, 12 và 13 tháng.

Techcombank tăng lãi suất từ 0,1 đến 0,2%/năm tùy từng kỳ hạn
Đáng chú ý, một số ngân hàng tiếp tục áp dụng mức lãi suất đặc biệt đối với các gói tiền gửi “siêu lớn”. Cụ thể, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) hiện dẫn đầu với mức lãi suất lên tới 9,65%/năm cho khoản tiền gửi 1.500 tỷ đồng kỳ hạn 13 tháng. Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) cũng áp dụng mức lãi 9%/năm cho khoản gửi từ 2.000 tỷ đồng. Các ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Bac A Bank, LPBank... cũng niêm yết lãi suất từ 6 đến hơn 8%/năm cho các khoản gửi giá trị lớn.
Triển vọng lãi suất cuối năm
Dự báo xu hướng lãi suất trong những tháng cuối năm 2025, các chuyên gia cho rằng mặt bằng huy động có thể nhích nhẹ trở lại, đặc biệt khi tín dụng được thúc đẩy. Công ty Chứng khoán MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ dao động quanh mức 4,7%/năm trong năm nay.
Các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng sẽ dao động trong khoảng từ 4,8 đến 5%/năm trong nửa cuối năm 2025, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách hỗ trợ thanh khoản và điều hành tỷ giá linh hoạt.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng có kiểm soát, chủ động cung ứng thanh khoản thông qua thị trường mở và hỗ trợ các ngân hàng tham gia tái cơ cấu, đồng thời khuyến khích gói tín dụng mục tiêu với ưu đãi lãi suất cho một số lĩnh vực ưu tiên.

Khách hàng giao dịch tại ABBank
Đối với lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước cho biết lãi suất tiếp tục có xu hướng giảm từ đầu năm đến nay. Lãi suất cho vay bình quân mới ở mức 6,23%/năm, giảm 0,7%/năm so với cuối năm 2024, qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân phát triển sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất sẽ đối mặt nhiều áp lực trong thời gian tới, do dư địa điều chỉnh lãi suất cho vay hiện khá hạn chế sau nhiều đợt giảm mạnh.