Lãi suất tiền gửi 'rơi' quá nhanh, ngân hàng gặp khó
Xu hướng giảm lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng thương mại vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Mức lãi suất tiền gửi cao nhất của kỳ hạn 6 tháng cũng chỉ còn khoảng 3%/năm và 12 tháng loanh quanh 5%/năm.
Hàng loạt ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi, đưa lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm xuống còn một nửa so với cuối năm 2022.
Lãi suất tiết kiệm chưa tạo đáy?
Đơn cử Vietcombank đã điều chỉnh giảm lãi suất ở tất cả các kỳ hạn ngay đầu tháng 3, trong đó từ 1-9 tháng có mức lãi suất dao động từ 1,7 – 3%/năm, giảm 0,2%/năm; các kỳ hạn từ 12-60 tháng hiện chỉ còn 4,7%/năm, giảm 0,1%/năm.
Còn tại Agribank giảm lãi suất từ 0,2 - 0,5%/năm tùy từng kỳ hạn.Theo đó, đối với kỳ hạn 1-2 tháng, từ 3-11 lãi suất tiền gửi xuống còn 2-3%/năm. Đối với kỳ hạn từ 12 -18 tháng về mức 4,8%/năm. Riêng kỳ hạn 24 tháng giảm xuống còn 4,8%/năm.
Tương tự, VietinBank và BIDV cũng giảm lãi suất, trong đó kỳ hạn từ 1 đến dưới 12 tháng cùng giảm 0,3%/năm, đưa lãi suất huy động dao động xuống còn 1,9 – 3,2%/năm. Các kỳ hạn từ 12 - 24 tháng còn 4,8%/năm. Các kỳ hạn dài từ 24 – 36 tháng giảm về mức 5%/năm.
Ở khối ngân hàng TMCP, đầu tháng 3 này, ngân hàng SHB tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn từ 1 – 18 tháng, với biên độ giảm từ 0,2 – 0,4%/năm.
Theo đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng chỉ còn 3,9%/năm, lãi tiền gửi từ 12 – 15 tháng của SHB hiện chỉ còn 4,6%/năm. Nếu so với lãi suất của tháng 1-2024, lãi suất tiền gửi đã giảm từ 0,8 – 1%/năm tùy từng kỳ hạn.
Lãi suất huy động “rơi” quá nhanh, ngân hàng gặp khó
Lãi suất huy động giảm tạo điều kiện cho lãi suất cho vay cũng giảm theo. Tuy nhiên, lãi suất huy động “rơi” quá nhanh cũng khiến ngân hàng gặp khó.
Bởi theo công ty chứng khoán Rồng Việt, không chỉ tín dụng tăng trưởng âm trong hai tháng đầu năm, huy động vốn của ngân hàng cũng không khả quan. Tăng trưởng huy động vốn tính đến ngày 16-2 giảm 1,6% so với cuối năm 2023. Trong đó, huy động vốn bằng VND giảm 1,25% và bằng USD giảm 5,9%.
Theo ước tính, đến ngày 16-2, hoạt động huy động vốn đầu năm nay cũng kém hơn các năm trước.
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán MBS dự báo lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy trong quý 1 năm nay và khó giảm thêm do cầu tín dụng sẽ có xu hướng tăng lên trong năm 2024. Do đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn có thể sẽ quay về mức 5,25 - 5,5% trong năm nay.
Còn theo Wigroup, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như cổ phiếu, bất động sản vẫn còn nhiều bất ổn thì tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh lựa chọn ưu tiên của người có tiền nhàn rỗi.
Chi phí huy động vốn thấp và tăng trưởng tín dụng thấp tạo điều kiện cho để các ngân hàng có nhiều room việc duy trì lãi suất ở mức thấp hỗ trợ nền kinh tế.
Nguồn PLO: https://plo.vn/lai-suat-tien-gui-roi-qua-nhanh-ngan-hang-gap-kho-post779880.html