Lãi suất trái phiếu nơi 'bèo', nơi cao ngất ngưởng
Trong 4 tháng đầu năm 2021, nhóm bất động sản là tổ chức phát hành lớn nhất thị trường và chiếm tới 53,4% tổng giá trị phát hành.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tính chung 4 tháng đầu năm, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 72.100 tỉ đồng, giảm gần 20% so với cùng kỳ.
Theo các chuyên gia của KBSV, các doanh nghiệp có xu hướng phát hành với kỳ hạn không có nhiều sự phân hóa trong 4 tháng đầu năm 2021 với kỳ hạn phát hành bình quân 3,4 năm. Nhóm sản xuất và điện là 2 nhóm có kỳ hạn phát hành lớn nhất trong tháng, với bình quân đạt 5,2 năm. Nhóm tài chính có kỳ hạn thấp nhất, chỉ đạt 1,8 năm.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, nhóm bất động sản là tổ chức phát hành lớn nhất thị trường và chiếm tới 53,4% tổng giá trị phát hành. Giá trị phát hành thành công lớn nhất là 5.760 tỉ đồng đến từ CTCP Đầu tư Golden Hill với kỳ hạn 3 năm.
Một số ít doanh nghiệp công bố lãi suất phát hành, dao động từ 3.0%/năm đến 13%/năm. Ngân hàng Tiên Phong (TPB) trả lãi suất thấp nhất, chỉ có 3%/năm cho kỳ hạn 3 năm trong khi Công ty BĐS Phát Đạt, trả lãi suất cao nhất, 13% cho kỳ hạn 2 năm.
Trong khi đó, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp do Vsetgroup (tiền thân là Công ty cổ phần Điện tử Viễn thông VsetCom) phát hành lên đến gần 18%/năm.
Đáng chú ý, Công ty VsetGroup thông báo tới nhà đầu tư về phát hành trái phiếu riêng lẻ đợt 1 vào quý 1-2021 với loại hình trái phiếu doanh nghiệp, không chuyển đổi, không có đảm bảo bằng tài sản, không kèm chứng quyền; trái phiếu được phát hành riêng lẻ không thông qua đại lý phát hành...
Tổng giá trị trái phiếu của VsetGroup dự kiến phát hành 327,5 tỉ đồng, kỳ hạn từ 12 đến 60 tháng với lãi suất cố định trong toàn bộ kỳ hạn từ 13,5%-17,5%/năm.
Sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong khoảng 2 năm gần đây đã khiến Chính phủ liên tục ban hành những quy định để có thể quản lý chặt chẽ hơn. Việc quy định điều kiện về nhà đầu tư tham gia giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với tất cả các loại hình trái phiếu doanh nghiệp sẽ làm giảm đáng kể khả năng tiếp cận trái phiếu doanh nghiệp của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.
Cụ thể, xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là yêu cầu bắt buộc với các giao dịch mua và có hiệu lực trong vòng 1 năm kể từ thời điểm được xác nhận. Ngoài ra, điều kiện để các NHTM tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có thể bị siết chặt khi NHNN đang thực hiện lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD) mua, bán TPDN.
Trong đó, TCTD không được mua trái phiếu của tổ chức phát hành có phát sinh nợ xấu trong 12 tháng gần nhất (tại tất cả các TCTD); không được mua lại trái phiếu đã bán và/hoặc trái phiếu phát hành cùng lô/đợt với trái phiếu đã bán trong vòng 12 tháng; không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho các công ty con.
Theo nhận định của Fiingroup, về dài hạn kênh huy động qua trái phiếu doanh nghiệp vẫn sẽ phát triển mạnh và quy mô sẽ sớm tiệm cận với quy mô thị trường cổ phiếu. Tuy nhiên, riêng trong năm 2021 thì quy mô phát hành mới sẽ không lớn như năm 2020 do hoạt động phát hành riêng lẻ sẽ giảm đi và hình thức chào bán ra công chúng sẽ tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, cơ cấu phát hành được dự báo sẽ dịch chuyển đáng kể sang hình thức chào bán ra công chúng thay vì chỉ chiếm 6,5% trong tổng giá trị phát hành trong năm 2020 vừa qua.