'Lãi suất ưu đãi không phải điểm hấp dẫn để mua bất động sản'

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, việc cho vay chỉ mang tính tương đối, không phải là điểm hấp dẫn để mua bất động sản. Bởi lãi suất chỉ ưu đãi cho năm đầu, còn lại phải trả theo lãi suất huy động.

Dự báo tình hình năm 2021, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) cho rằng, 6 tháng đầu năm 2021, giá bất động sản (BĐS) tại TP HCM vẫn có chiều hướng tăng, chủ yếu là khu vực thành phố Thủ Đức. Dự báo tăng khoảng 5 - 10% so với năm 2020.

Hỗ trợ thị trường hồi phục sau đại dịch Covid-19, đầu năm 2021 các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm lãi suất cho vay xuống còn 5-10%/năm. Đây là mức lãi suất cho vay thấp nhất trong vòng 15 năm qua.

Anh Nguyễn Trọng Quý (chuyên viên tư vấn bất động sản) cho biết, nhu cầu mua bất động sản từ sau tháng 12 dương lịch đến trước Tết Nguyên đán tăng cao. “Đây là thời điểm người dân đã hoàn thành các thống kê về tài chính của họ trong năm rồi, cũng như được hưởng thưởng Tết. Họ muốn mua nhà trước Tết để có thể chuyển về ở trong năm mới. Thêm vào đó, việc nhiều bất động sản thanh lý cuối năm cũng giúp nhà đầu tư có thêm lựa chọn”, anh Quý nói.

Đứng ở góc độ chuyên môn, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển lưu ý, ngân hàng thường cho vay trong khoảng 5-10 năm, nhưng họ chỉ ưu đãi trong năm đầu, còn lại phải trả theo lãi suất huy động. Ông Hiển đánh giá “như thế rất nguy hiểm, đặc biệt đối với các dự án”.

Bởi, người mua nhầm tưởng được ngân hàng ưu đãi, nhưng thật ra là chủ đầu tư đã làm việc với ngân hàng. Theo ông Hiển, việc cho vay này chỉ mang tính tương đối, không phải là điểm hấp dẫn để mua bất động sản.

Ông Hiển cũng chỉ ra nguồn cung ở TP HCM năm 2021 vẫn tiếp tục khó cải thiện. Bởi, những dự án kẹt về pháp lý đang được xử lý, không thể một sớm một chiều mà có thể hoàn thiện được.

Bên cạnh đó, những nhà phát triển muốn lấy đất ở TP HCM để lập dự án cũng gặp khá nhiều khó khăn chứ không dễ dàng nên cần thời gian. Vì thế, không có nguồn cung đột biến, mà nguồn cung sẽ đến từ từ.

Ngân hàng thường cho vay mua nhà trong khoảng 5-10 năm nhưng chỉ ưu đãi trong năm đầu, còn lại phải trả theo lãi suất huy động

Theo báo cáo của Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), trong năm 2020, tổng dư nợ tín dụng trên toàn TP HCM đã tăng lên ngưỡng 2,48 triệu tỷ đồng, tương đương 8% so với cuối năm 2019.

Trong đó, tín dụng trung dài hạn chiếm khoảng 52,2%, tăng khoảng 9,1%; tín dụng ngắn hạn chiếm 47,78%, tăng 6,8% so với cuối năm 2019. Tỷ lệ nợ xấu chỉ khoảng 2,25% tổng dư nợ tín dụng.

Song, dư nợ tín dụng của các doanh nghiệp bất động sản đã chiếm 13% trong số 2,48 triệu tỷ đồng tổng dư nợ tín dụng toàn thành phố; tương đương 293.750 tỷ đồng.

Trong đó, nợ xấu tín dụng của doanh nghiệp bất động sản chiếm 2,7% tổng dư nợ bất động sản, cao hơn tỷ lệ nợ xấu 2,25% của tổng dư nợ tín dụng. Như vậy, nợ xấu của các doanh nghiệp bất động sản TP HCM tăng lên gần 8.000 tỷ đồng.

Mặc dù nợ xấu tín dụng liên quan tới ngành bất động sản vẫn còn trong ngưỡng an toàn, song HoREA đánh giá mức nợ xấu này tiềm ẩn rủi ro khi đáo hạn khoản vay.

Trong số 293.750 tỷ đồng dư nợ tín dụng tiêu dùng, có khoảng 42% được sử dụng vào các mục đích có liên quan đến lĩnh vực bất động sản.

Theo HoREA, các dự án bất động sản vẫn phụ thuộc và chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động từ khách hàng. Tuy nhiên, các kênh huy động vốn trung dài hạn từ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, các quỹ đầu tư bất động sản, các quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REITS) chưa phát triển đầy đủ để đáp ứng nhu cầu vốn của thị trường.

HoREA cho rằng, đây là điều rất đáng quan ngại vì có khả năng một số khoản vay tín dụng bất động sản có nguy cơ chuyển thành nợ xấu và thị trường bất động sản chưa đảm bảo phát triển ổn định và bền vững.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lai-suat-uu-dai-khong-phai-diem-hap-dan-de-mua-bat-dong-san-post117112.html