Lại thêm quan chức tình báo Mỹ đứng ra tố ông Trump lạm quyền
Một quan chức tình báo nữa của Mỹ sẵn đứng ra tố cáo Tổng thống Donald Trump lạm quyền, không lâu sau khi Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát mở cuộc điều tra luận tội ông chủ Nhà Trắng vì đơn tố giác đầu tiên.
Reuters ngày 6-10 dẫn lời ông Mark Zaid, luật sư của người tố giác đầu tiên cho biết ông và đội ngũ các luật sư cũng đang đại diện cho một quan chức tình báo khác có thể cung cấp thông tin tố cáo Tổng thống Trump liên quan đến lùm xùm điện đàm giữa ông chủ Nhà Trắng và Tổng thống Ukraine hồi tháng 7.
Quan chức tình báo thứ hai này được xác định sở hữu những thông tin trực tiếp về một số cáo buộc mà người tố cáo đầu tiên đưa ra chống lại ông Trump. Theo lời luật sư Zaid, quan chức trên chưa đệ đơn tố cáo nhưng đã được Tổng thanh tra cộng đồng tình báo Mỹ Michael Atkinson phỏng vấn.
Luật sư Zaid cho biết cả hai người tố giác đều được pháp luật bảo vệ, tránh trường hợp bị sa thải để trả thù. Người tố giác đầu tiên tiết lộ, khoảng gần 10 quan chức Mỹ có thông tin liên quan đến cuộc điều tra, đồng nghĩa quy mô sự việc có thể được mở rộng.
Trước đó, tờ New York Times hôm 5-10 từng nói rằng một quan chức tình báo thứ hai nắm thông tin trực tiếp về các liên lạc giữa ông Trump với Ukraine cũng đang cân nhắc đệ đơn tố cáo Tổng thống. Chưa rõ người này và nhân vật được luật sư Zaid nhắc đến có phải là một người hay không.
Sự xuất hiện của nhân vật thứ hai được cho là sẽ làm phức tạp hơn những nỗ lực của ông Trump và đảng Cộng hòa nhằm bác bỏ nội dung tố giác trước đó. Ông Trump lâu nay một mực khẳng định những cáo buộc chống lại ông "hoàn toàn không chính xác".
Cuối ngày 6-10, Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham một lần nữa nhấn mạnh: "Chúng tôi không quan tâm có bao nhiêu người tự coi mình là người tố giác cùng một cuộc điện đàm đó, cuộc điện đàm mà Tổng thống đã công khai. Điều đó không thể thay đổi một thực tế là ông Trump không làm gì sai".
Hôm 25-7, Tổng thống Trump đã điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky theo đề nghị của Bộ trưởng Năng lượng Rick Perry. Tháng 8, một quan chức tình báo Mỹ giấu mặt đệ đơn dài 7 trang tố cáo ông Trump, trong cuộc điện đàm, đã dùng áp lực buộc ông Zelensky mở cuộc điều tra chống lại cha con Joe Biden, ứng viên hàng đầu đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2020.
Ông Trump cáo buộc cựu Phó Tổng thống Mỹ đã dùng ảnh hưởng chính trị ngăn cản cuộc điều tra chống lại công ty dầu khí Ukraine từng mời con trai ông Hunter Biden vào làm thành viên ban quản trị từ năm 2014, đúng lúc cuộc khủng hoảng ở Ukraine nổ ra. Tuy nhiên, phe Dân chủ kiểm soát Hạ viện Mỹ lập tức gọi đây là hành vi lạm dụng quyền lực và mở cuộc điều tra đòi luận tội Tổng thống Trump.
Hôm 1-10, Tổng thống Trump lên tiếng gọi cuộc điều tra luận tội của hạ viện Mỹ là "cuộc đảo chính". Nhà Trắng cũng từ chối xuất trình tài liệu phục vụ điều tra theo yêu cầu của các ủy ban thuộc Hạ viện, bởi họ cho rằng việc này "chưa được chính thức hóa".
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 6-10 bác bỏ thông tin cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc ép ông tiến hành điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden.