Lãi trước thuế quý 1/2023 tại Techcombank giảm 17%
Trong quý đầu năm nay, Techcombank đã đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gấp đôi so với quý 1 năm ngoái, kéo theo lợi nhuận trước thuế cũng giảm nhẹ.
Tại báo cáo tài chính quý 1/2023, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – mã: TCB) ghi nhận khoản thu nhập từ lãi thuần đạt 6.526 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do biên lãi thuần (NIM) giảm xuống mức 4,6% trong bối cảnh chi phí đầu vào cao.
Tuy nhiên, mảng thu từ dịch vụ của Techcombank lại ghi nhận tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.200 tỷ đồng. Trong đó thu phí từ dịch vụ thẻ đạt 455 tỷ đồng, tăng trưởng tới 303,3% so với cùng kỳ.
Mảng lãi thuần từ hoạt động khác của ngân hàng này cũng tăng trưởng mạnh lên 1.057 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2022 đạt hơn 488 tỷ đồng. Mảng thu nhập từ các hoạt động khác cũng ghi nhận đạt 721 tỷ đồng.
Thu phí từ dịch vụ bảo hiểm tại Techcombank đạt 194 tỷ đồng, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng từ sự thay đổi khẩu vị rủi ro của khách hàng.
Ở mảng trái phiếu, riêng tháng 3/2023 ghi nhận tăng trưởng khối lượng trái phiếu phát hành, giúp nâng tổng khối lượng toàn quý lên 29.000 tỷ đồng, so với gần 4.000 tỷ trái phiếu phát hành trong quý 4/2022.
Chi phí hoạt động trong quý 1 năm nay tăng nhẹ 4,6% so với cùng kỳ, lên mức 3,1 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm về mức 33,8%.
Trong kỳ, Techcombank đã đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên hơn 534 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với quý 1 năm ngoái. Lũy kế quý 1/2023, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 5.623 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.
Tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Techcombank đạt 723.500 tỷ đồng, tăng 3,5% so với đầu năm và tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Dư nợ cho vay khách hàng tăng 9,3% so với đầu năm. Trong đó cho vay khách hàng cá nhân tăng 28,9% so với cùng kỳ năm ngoái, dù giảm nhẹ 1,9% so với quý trước, do thị trường bất động sản kém khả quan và lãi suất cao làm sụt giảm nhu cầu tín dụng.
Dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp (bao gồm cho vay và trái phiếu doanh nghiệp) tăng 4% so với cùng kỳ và tăng 19,6% so với quý trước, phản ánh nhu cầu tín dụng của nhóm khách hàng doanh nghiệp vẫn duy trì mạnh mẽ.
Tiền gửi của khách hàng cuối quý 1 đạt 387.300 tỷ đồng, tăng 8,1% so với đầu năm và tăng 17,8% so với cùng kỳ. Trong đó, số dư tiền gửi có kỳ hạn đạt 263.300 tỷ đồng, tăng 61,3% so với cùng kỳ. Số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 124.100 tỷ, giảm 25,1% so với cùng kỳ.
Theo ngân hàng lý giải, CASA giảm trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng và thanh khoản hệ thống thắt chặt tại Việt Nam từ nửa cuối năm 2022 khiến lãi suất tiền gửi có kỳ hạn tăng cao, tỷ lệ CASA không chỉ của Techcombank mà toàn thị trường cũng tiếp tục giảm.
Về chất lượng nợ cho vay, trong quý 1/2023, tổng nợ xấu tại nhà băng này đạt 3.945 tỷ đồng, tăng 30% so với thời điểm cuối năm 2022. Trong đó nợ nhóm 3 tăng 29%, nợ nhóm 4 tăng 47% và nợ nhóm 5 tăng 11%.
Mặc dù vậy, tỷ lệ nợ xấu tại Techcombank vẫn duy trì ở mức thấp 0,85%, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu đến 133,8%. Tỷ lệ nợ cần chú ý (B2) của ngân hàng cũng được giữ ổn định tại mức 1,9%.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 22.000 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2022. Dư nợ tín dụng đến cuối năm 2023 ước đạt 511.297 tỷ đồng; tăng trưởng 15% hoặc cao hơn theo chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp với tỷ lệ nợ xấu nội bảng thấp hơn 1,5%.
Lý giải về nguyên nhân đặt mục tiêu lợi nhuận giảm, Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 vừa qua, HĐQT và Ban Lãnh đạo Techcombank đã đưa ra rất nhiều phương án.
“Sau khi cân nhắc, chúng tôi chọn phương án tương đối thận trọng nhất và tin rằng chúng ta thực thi được nó. Nếu số liệu quay lại tốt thì Techcombank sẽ điều chỉnh kế hoạch và các mục tiêu cao hơn. Quan điểm của chúng tôi là trong khó khăn, thận trọng sẽ tốt hơn”- ông Hùng Anh nói.