Lai Vung đề ra giải pháp hạn chế tác động của dịch bệnh

ĐTO - Huyện Lai Vung bước đầu đã đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đề ra giải pháp hạn chế sự tác động của dịch bệnh.

Các điểm tham quan vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện trong dịp Tết Nguyên đán 2020 đã tiếp đón 37.827 lượt khách đến tham quan, ước doanh thu trên 12 tỷ đồng (giảm 15% so với cùng kỳ 2019). Tuy nhiên, các điểm đã tạm ngưng đón khách do tình hình dịch bệnh Covid-19.

Trên địa bàn huyện hiện có 366 doanh nghiệp và 2.965 hộ kinh doanh cá thể. Hiện nay, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã giảm sản lượng sản xuất xuống, còn khoảng 50-60% công suất như: cơ sở Nem Hoàng Khánh, nem Thanh Xuân,... một số công ty Doanh nghiệp cũng tạm ngưng hoạt động như: Công ty Cổ phần phát triển thực phẩm Thuận Thiên Thành, Công ty TNHH Tây Cát,...

Tình hình cung ứng các mặt hàng thiết yếu ở các chợ của huyện vẫn ổn định, không có tình trạng thiếu hàng. Tuy nhiên, vào đầu tháng 4/2020 do tác động của dịch bệnh Covid-19 và thực hiện Chỉ thị số 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã tác động lên toàn ngành kinh tế, nhất là những sản phẩm xuất khẩu, ăn uống, giải khát... đã gây gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa trên địa bàn huyện, làm đình trệ trong sản xuất kinh doanh; suy giảm nhu cầu tạm thời với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng của huyện. Bên cạnh, kinh tế khu vực nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản trên địa bàn dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn do: tình hình dịch bệnh trên cây có múi, dịch tả heo châu Phi bị thiệt hại rất lớn trong năm 2019 và gần đây chưa được phục hồi...

Huyện có 1.282 hộ nghèo, cận nghèo 2.748 hộ, bảo trợ xã hội 7.154 hộ, 360 hộ người có công, 180 hộ bán vé số dạo.

Để đạt được mục tiêu mà huyện đã đặt ra là không thay đổi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong bối cảnh chịu thêm các ảnh hưởng từ dịch bệnh trên cây có múi, trên gia súc và gia cầm,... với phương châm “Không thay đổi mục tiêu, bình tĩnh, không chủ quan, chủ động sớm dự liệu giải pháp”, trong đó bảo đảm thực hiện nghiêm, đồng bộ, toàn diện các giải pháp của huyện yêu cầu, bảo đảm hiệu quả của từng giải pháp cũng như hiệu quả cộng hưởng của các nhóm giải pháp trong phòng, chống và kiểm soát dịch. Huyện đề cao trách nhiệm và tiến độ xử lý, thực hiện các giải pháp, phải quyết liệt, nhanh, hiệu quả, dự liệu sớm để đi trước một bước diễn biến của dịch; rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các quy định, tạo mọi điều kiện để ổn định tâm lý, phòng, chống và kiểm soát dịch hiệu quả; kịp thời hỗ trợ khắc phục thiệt hại do dịch gây ra trong thời gian xảy ra dịch, duy trì sản xuất và tiêu dùng; khôi phục sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng sau khi dịch kết thúc. Đặc biệt, kết hợp nhuần nhuyễn 3 nhiệm vụ: tổ chức chống dịch; thông tin, tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm mọi hành vi lợi dụng tình hình dịch để trục lợi; ổn định tâm lý, củng cố niềm tin, tạo đồng thuận xã hội trong việc chung tay tham gia phòng, chống dịch.

TN

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/lai-vung-de-ra-giai-phap-han-che-tac-dong-cua-dich-benh-90704.aspx