Lái xe 47 chỗ nhưng chỉ có bằng B2: Liều lĩnh và coi thường pháp luật
Muốn điều khiển xe khách từ 30 chỗ trở lên, lái xe cần có giấy phép lái xe hạng E. Đây là loại bằng mà lái xe phải rất kỳ công sau nhiều năm rèn luyện, tích lũy mới có thể sở hữu được.
Giá đắt của sự liều lĩnh, coi thường pháp luật
Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tại Quảng Bình sáng ngày 26/7 vừa qua khiến 15 người tử vong và hàng chục người bị thương đã và đang để lại rất nhiều bài học đau xót.
Khoảng 9h30 ngày 26/7, tại Km 21+735 đường Hồ Chí Minh nhánh Tây gần cầu Trạ Ang thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, ô tô khách do lái xe Hoàng Trung Toán (SN 1993, tại thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) điều khiển chở theo 40 hành khách đi họp lớp đã bị mất lái, đâm vào ta-luy trái đường và lật ngang.
Hậu quả, có 15 người tử vong, trong đó tử vong tại chỗ 9 người, 6 người tử vong sau đó tại bệnh viện, hàng chục người khác bị thương. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, hầu hết nạn nhân ngồi trên xe không thắt dây an toàn.
Qua điều tra rà soát ban đầu, tài xế Toán hiện chỉ có giấy phép lái xe hạng A1 (xe máy dưới 175cc) do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình cấp ngày 18/7/2011 và giấy phép hạng B2 do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp ngày 25/11/2014.
Theo khoản 6, Điều 16, Thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về “Phân hạng giấy phép lái xe”, hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe được phép điều khiển phương tiện chở người dưới 9 chỗ (kể cả lái xe).
Còn theo khoản 10, Điều 16 Thông tư này, lái xe điều khiển xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi phải có giấy phép lái xe hạng E. Như vậy, theo quy định, tài xế Hoàng Trung Toán hoàn toàn không đủ điều kiện để điều khiển xe ô tô loại 47 chỗ nói trên.
Báo cáo của Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, chiếc xe trên thuộc công ty TNHH Hoàng Thanh Hoài, có địa chỉ tại phường Nam Lý, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
Tại sao tài xế chỉ có trong tay tấm bằng lái hạng B2 lại được điều khiển chiếc xe “quá sức” trên gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Liệu đây có phải sự liều lĩnh và coi thường tính mạng hành khách của lái xe và đơn vị kinh doanh vận tải?
Ông Hoàng Long – Chủ một doanh nghiệp vận tải hành khách tại Hải Phòng cho rằng, quá trình bố trí, giao nhận phương tiện của doanh nghiệp cho lái xe thường rất chặt chẽ vì ô tô là tài sản lớn. Lái xe khi ký hợp đồng lao động phải đảm bảo yêu cầu tối thiểu về sức khỏe, bằng lái, kinh nghiệm,… thì doanh nghiệp mới giao xe.
“Có thể lái xe chỉ là phụ xe, không phải lái chính mà công ty bố trí cho đoàn khách trên. Việc lái xe Toản tự ý điều khiển phương tiện khi chưa được phép là hoàn toàn sai”, ông Long nhận định.
Bằng lái hạng B2 và E là "một trời một vực"
Theo quy định hiện hành, chỉ cần trên 18 tuổi, bất cứ ai đủ sức khỏe cũng có thể học và thi sát hạch để lấy giấy phép lái xe hạng B2. Còn muốn có bằng E, điều kiện tối thiểu là lái xe phải đủ 27 tuổi.
Điều 14, Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định, khi đang có bằng B2, muốn lấy bằng E buộc phải học qua bằng C hoặc D với thời gian đào tạo như sau: Hạng B2 lên C: 192 giờ (lý thuyết: 48, thực hành lái xe: 144);hạng C lên E: 336 giờ (lý thuyết: 56, thực hành lái xe: 280) hoặchạng B2 lên D: 336 giờ (lý thuyết: 56, thực hành lái xe: 280);hạng D lên E: 192 giờ (lý thuyết: 48, thực hành lái xe: 144).
Như vậy, so với bằng B2 khá phổ thông hiện nay thì những lái xe sở hữu bằng lái hạng E cần phải trải qua một quá trình tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng rất dài. Đồng thời, trách nhiệm của người cầm lái cũng lớn hơn rất nhiều.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Thanh, 50 tuổi - một lái xe buýt lâu năm tại Hà Nội cho rằng, muốn lấy được giấy phép hạng E để lái xe trên 30 chỗ cần phải học qua hạng B2 (xe dưới 9 chỗ), sau đó nâng lên hạng D (xe từ 30 chỗ trở xuống) rồi mới sang được hạng E.
“Học lấy giấy phép lái xe hạng càng cao lại càng mất rất nhiều thời gian, lái xe cũng cần phải đủ kinh nghiệm mới nâng được hạng. Thường thì những người có bằng E đều phải trên 30 tuổi”.
Lái xe Thanh cũng chia sẻ, việc điều khiển những chiếc xe cỡ lớn trên 30 chỗ, đặc biệt là loại “siêu trường” 47 chỗđòi hỏi lái xe phải có kỹ năng quan sát, căn đường. Đồng thời, cần một độ dày kinh nghiệm nhất định, được trui rèn mất rất nhiều thời gian và công sức mới có được.
“Xe 47 chỗ là loại xe dài trên dưới 12m, rất công kềnh, do vậy nên việc căn chỉnh, lùi xe, xoay trở rất khó. Lái xe loại này ngoài kỹ năng, kinh nghiệm ra còn phải rất quen xe, quen đường mới có thể điều khiển tốt được”.
Ông Nghiêm Xuân Đỉnh – Phụ trách đào tạo của trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe ở Hà Nội cho biết, quy định bắt buộc đối với người được cấp bằng E là phải trên 27 tuổi, đồng thời phải có bằng D đủ 3 năm trở lên hoặc bằng C đủ 5 năm trở lên.
“Việc điều khiển loại xe con sử dụng bằng lái B2 là khác “một trời một vực” so với loại xe 47 chỗ sử dụng bằng lái hạng E. Lái xe 47 chỗ mà chỉ có bằng hạng B2 là sự liều lĩnh, coi thường pháp luật và cần xử lý nghiêm”, ông Đỉnh nhận định.
Theo khoản 8, Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: Hành vi điều khiển phương tiệnxe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô có Giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển hoặc đã hết hạn sử dụng từ 06 tháng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. Đồng thời, nếu để xảy ra tai nạn giao thông, người điều khiển phương tiện còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bước đầu lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình xác định có dấu hiệu tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 - Bộ luật Hình sự. Hiện, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình đang tiếp tục củng cố tài liệu, chứng cứ, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn để khởi tố bị can.
MỘT SỐ HẠNG GIẤY PHÉP LÁI XE Ô TÔ
1. Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
a) Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;
b) Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;
c) Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.
2. Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
a) Ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;
b) Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1.
3. Hạng C cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
a) Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên;
b) Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên;
c) Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2.
4. Hạng D cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
a) Ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;
b) Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2 và C.
5. Hạng E cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
a) Ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi;
b) Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và D.
(Trích Điều 16, Thông tư 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về “Phân hạng giấy phép lái xe”)
Hoàng Hiệp
Quan điểm của bạn thế nào về hành vi trên? Mời bạn để lại ý kiến ở phần bình luận phía dưới.