Lái xe chỉ phải khám sức khỏe một lần trong năm?

Thay vì 6 tháng như quy định hiện hành, thời hạn sử dụng giấy khám sức khỏe với tài xế kinh doanh vận tải được đề xuất tăng lên 12 tháng.

Dù đồng tình, song các chuyên gia cũng cho rằng, vẫn cần siết chặt hoạt động khám sức khỏe lái xe để đảm bảo an toàn cho cả tài xế và hành khách.

Doanh nghiệp lợi đôi đường

Nhiều ngày nay, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty Thương mại và Du lịch Hà Lan (Thái Nguyên) đôn đáo chỉ đạo nhân viên làm các thủ tục để chuẩn bị khám sức khỏe cho đội ngũ lái xe trong 6 tháng cuối năm.

Theo đề xuất, thời hạn sử dụng của giấy khám sức khỏe đối với người lái xe sẽ tăng lên 12 tháng, thay vì 6 tháng như hiện hành (ảnh minh họa).

Theo đề xuất, thời hạn sử dụng của giấy khám sức khỏe đối với người lái xe sẽ tăng lên 12 tháng, thay vì 6 tháng như hiện hành (ảnh minh họa).

Khi biết thông tin về đề xuất thay vì 2 lần/năm, tới đây việc thực hiện khám sức khỏe cho lái xe chỉ phải tiến hành mỗi năm 1 lần, ông Hà cho hay, thay đổi này sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. "Với chi phí từ 200.000 - 300.000 đồng một lần khám, công ty hiện có 500 lái xe, nhân lên thì khoảng 200 triệu đồng. Một năm 2 lần thì số tiền rất lớn", ông Hà nói.

Cùng quan điểm, ông Ông Lê Đình Dũng, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Vận tải Futa - Hà Sơn cho hay, ngoài chi phí cứng, doanh nghiệp cũng mất thêm nhiều chi phí khác, trong đó có việc phải ngừng lao động sản xuất để tham gia quy trình khám sức khỏe bắt buộc. "Một ngày dừng lao động của gần 1.000 tài xế, doanh thu cũng giảm khoảng 1 tỷ đồng", ông Dũng cho biết.

Tại dự thảo dự thảo thay thế Thông tư liên tịch số 24 năm 2015 giữa Bộ Y tế và Bộ GTVT (quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô), Bộ Y tế đề xuất, thời hạn sử dụng của giấy khám sức khỏe đối với người lái xe sẽ tăng lên 12 tháng, thay vì 6 tháng như quy định hiện hành. Thông tư dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN nhìn nhận, nếu đề xuất trên được thực hiện, không chỉ có lợi cho người lái xe mà còn giảm chi phí cho doanh nghiệp vận tải. Với hàng trăm nghìn lái xe kinh doanh vận tải, đây là con số không nhỏ.

An toàn vẫn cần đặt lên trên hết

Đồng tình với đề xuất, song nhiều chuyên gia cũng cho rằng, lái xe khi không đủ điều kiện sức khỏe tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vụ tai nạn giao thông. Chỉ trong tháng 8 và tháng 9/2023 đã xảy ra 3 vụ tài xế xe khách đường dài bị đột quỵ khi đang lái xe. Một phần nguyên nhân được cho là do lái xe chịu áp lực công việc lớn, cường độ làm việc liên tục.

Vì vậy, việc sửa đổi một quy định liên quan tới an toàn cần đánh giá kỹ nhiều mặt. Ngoài vấn đề chi phí, cần siết chặt công tác quản lý sức khỏe lái xe của doanh nghiệp. Nói cách khác, chi phí là một chuyện, nhưng an toàn cần đặt lên trên hết.

Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rất rõ: Lái xe không được phép lái liên tục trong 4 tiếng, thời gian làm việc không quá 10 tiếng/ngày. Hằng năm, doanh nghiệp có trách nhiệm khám sức khỏe cho lái xe, kịp thời xử lý những trường hợp không đảm bảo.

Thế nhưng, phần lớn doanh nghiệp vẫn để người lao động tự đánh giá, cảm nhận về sức khỏe của mình. Dù thực trạng tài xế nghiện chất kích thích đã được cảnh báo, song một số trường hợp doanh nghiệp do ngại tốn kém, sợ ảnh hưởng đến công việc nên cố tình phớt lờ.

"Cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, kiểm tra, kết hợp với truyền thông để nâng cao nhận thức của lái xe, doanh nghiệp. Đặc biệt cần hoàn thiện các quy trình để phòng chống và chấm dứt việc gây sức ép của chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện lên lái xe ở bất cứ hình thức nào", ông Quyền kiến nghị.

Kiến nghị bổ sung nhiều quy định

PGS.TS Phạm Việt Cường, Đại học Y tế công cộng cho rằng, nhiều nước trên thế giới quy định rõ việc giám sát sức khỏe định kỳ và giám sát sức khỏe trong những tình huống đặc biệt, còn gọi là giám sát sức khỏe bất thường.

Theo đó, bất cứ lúc nào, doanh nghiệp sử dụng lao động cũng có thể giám sát sức khỏe của tài xế. Điều này cần sớm được đưa vào các quy định pháp luật, góp phần đảm bảo an toàn cho tài xế và người tham gia giao thông.

Lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, tại dự thảo thông tư lần này, Bộ GTVT đã kiến nghị bổ sung nhiều quy định để kiểm soát chặt điều kiện sức khỏe tài xế như: Bổ sung quy định về khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô tự do, không thuộc cơ quan, tổ chức kinh doanh dịch vụ vận tải nào. Để đảm bảo chính xác thông tin của người khám sức khỏe, cơ sở y tế phải kiểm tra đối chiếu ảnh và thông tin căn cước công dân hoặc trên VNeID của người đăng ký khám trong giấy khám sức khỏe.

Cùng đó, bổ sung quy định người hành nghề lái xe ô tô phải chấp hành yêu cầu khám sức khỏe định kỳ, đột xuất của cơ quan quản lý Nhà nước về y tế hoặc của người sử dụng lao động. Dữ liệu về sức khỏe lái xe được chia sẻ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đảm bảo các cơ sở khám bệnh đồng bộ thông tin, dữ liệu sau khi khám sức khỏe.

Dự thảo thông tư cũng quy định liên thông dữ liệu có ký số kết quả khám sức khỏe lái xe, khám sức khỏe định kỳ cho người lái xe để chia sẻ cho cổng dịch vụ công cấp giấy phép lái xe các các dịch vụ công trực tuyến liên quan khác. Thông tư cũng cho phép tra cứu dữ liệu sức khỏe trên trang thông tin điện tử đảm bảo công khai, minh bạch và phù hợp với quy định tại Luật đảm bảo Trật tự An toàn giao thông đường bộ.

Luật sư Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ đã được quy định, song cần thực hiện nghiêm, đặc biệt là với những nhà xe điều động lái xe và phải chịu trách nhiệm với lái xe khi gây ra tai nạn.

Theo Bộ luật Hình sự, người có thẩm quyền biết rõ tài xế không đủ sức khỏe để điều khiển phương tiện nhưng vẫn thực hiện điều động dẫn tới tai nạn sẽ bị xử lý hình sự.

Trần Duy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/lai-xe-chi-phai-kham-suc-khoe-mot-lan-trong-nam-192240924135652711.htm