Lái xe qua đường ngập gây té nước, hành vi cần lên án

Khi điều khiển ô tô qua đoạn đường ngập, tài xế không phóng nhanh để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến phương tiện xung quanh, đặc biệt người đi xe máy.

Cách lái thể hiện văn hóa giao thông

Sau bão Yagi, nhiều cung đường, tuyến phố tại Hà Nội vẫn đang trong tình trạng ngập nước. Trên MXH xuất hiện video ghi lại cảnh một chiếc xe bán tải tăng tốc vượt lên, tạt nước vào người đi xe máy bên cạnh.

Đoạn video do camera hành trình ghi lại, được cho xảy ra ngày 9/9 tại Quốc Oai, Hà Nội.

Ô tô phóng nhanh đường ngập tạt nước vào xe máy. Nguồn: Phạm Thúy

Trao đổi với PV Xe Giao thông, anh Phương Minh Tuân, một giảng viên đào tạo lái xe tại Hà Nội cho rằng, hành vi lái ô tô qua đường ngập hay vũng nước với tốc độ nhanh, làm nước bắn cao thể hiện văn hóa khi tham gia giao thông chưa tốt. Đây là hành vi không nên làm khi tham gia giao thông.

Theo anh Tuân, trong trường hợp đường ngập, nếu ô tô đi nhanh đầu tiên sẽ tạo ra sóng, gây ảnh hưởng đến các phương tiện ngược chiều và xung quanh, đặc biệt là xe máy. Nếu nhẹ, người đi xe máy có thể bị ướt. Còn nặng hơn nguy cơ dẫn đến mất lái, ngã xe rất nguy hiểm.

Nếu sợ xe đi chậm qua đoạn đường ngập nước bị chết máy, chủ xe không nên cố gắng điều khiển phương tiện di chuyển đi đường này mà có thể lựa chọn lộ trình, tuyến đường khác an toàn hơn.

Còn khi đi qua các đoạn đường ngập nước, người điều khiển ô tô cần đi chậm, đều ga, tránh tạo sóng tối đa, vừa có thể đảm bảo an toàn đi qua vùng ngập nước, đồng thời hạn chế ảnh hưởng đến các phương tiện xung quanh.

Lái ô tô qua đường ngập nước cần có kỹ năng để đảm bảo an toàn cho phương tiện của mình và xe xung quanh.

Lái ô tô qua đường ngập nước cần có kỹ năng để đảm bảo an toàn cho phương tiện của mình và xe xung quanh.

Lái xe đường ngập sao cho đúng?

Cũng theo anh Tuân, với ô tô, nếu muốn di chuyển qua đoạn đường ngập nước, tài xế cần phải đánh giá tình hình một cách cẩn thận.

Đối với các dòng xe gầm cao, việc đi qua đường ngập nước sẽ dễ dàng hơn xe gầm thấp. Tuy nhiên để an toàn, nếu chỗ ngập sâu nhất chỉ tới nửa bánh xe thì tài xế mới nghĩ tới việc đi qua.

Bên cạnh đó, trước khi đi vào đoạn đường bị ngập, nếu được, tài xế có thể chờ xe ngược chiều đi qua rồi mới lái xe vào để hạn chế tối đa khả năng bị sóng ngược chiều làm ảnh hưởng đến tầm nhìn, thậm chí cả khả năng vận hành của phương tiện.

Trong quá trình di chuyển qua đường ngập nước, tài xế cũng nên tắt điều hòa, đi bằng số thấp. Bên cạnh đó, cần giữ đều ga, không tăng hoặc giảm ga đột ngột.

Với xe máy, khi gặp đoạn đường ngập nước, người điều khiển nhớ luôn đi xe ở số 2 với xe số vì đi số 1 sẽ bị giật. Đối với xe tay ga luôn đi với mức ga tương đối lớn để tránh nước tràn vào pô xe và bộ phận quạt gió.

Tuyệt đối không được giảm ga trong suốt quá trình, việc này sẽ gây chết máy ngay lập tức.

Lưu ý với cả ô tô lẫn xe máy, khi di chuyển qua đoạn đường ngập nước không may bị chết máy. Người điều khiển tuyệt đối không thực hiện đề nổ lại bởi có thể nước đã lọt vào xy-lanh. Việc đề nổ lại có thể dẫn tới thủy kích, khiến chi phí sửa chữa khắc phục rất cao.

Cẩm Tú

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/lai-xe-qua-duong-ngap-gay-te-nuoc-hanh-vi-can-len-an-192240911185509985.htm