Làm bản sao xứ người, nhóm nhạc Việt có đi được đường dài?
So với 15 năm trước, các nhóm nhạc hiện tại ở nước ta không nhiều. Điểm qua chỉ có lác đác vài nhóm đang hoạt động. Trong số đó, có không ít nhóm nhạc là bản sao, bắt chước nguyên xi phong cách của các nhóm thần tượng Hàn Quốc, Nhật Bản...
Hàng loạt bản sao ra đời
Nhân dịp ra mắt sản phẩm âm nhạc đầu tay, tháng 9 vừa qua, nhóm SGO48 đã có buổi giao lưu và bắt tay fan hâm mộ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhóm SGO48 là nhóm nhạc có đông thành viên nhất V-pop: 27 thành viên!
Mô hình của nhóm kế thừa từ AKB48 – nhóm nhạc Nhật Bản hiện có số thành viên lên đến 48 người. AKB48 được xem là nhóm nhạc đặc biệt nhất thế giới khi số thành viên lẫn cách thức hoạt động vô cùng độc đáo. Trong đó, sự kiện bắt tay người hâm mộ (handshake) là điểm độc đáo như thế. Sự thành công vang dội của nhóm AKB48 tại Nhật Bản khiến cho các phiên bản của nó tại các nước Châu Á liên tục ra đời: JKT48 (Indonesia), BNK48 (Thái Lan), MNL48 (Philippines)...
SGO48 là phiên bản Việt và hiện cũng là “em út” trong hệ thống nhà AKB48. Bài hát chủ đề “Heavy rotation”, việc chọn lựa thành viên, cách thức hoạt động ... đều rập khuôn nhóm nhạc đàn chị. Nhóm được đào tạo cùng các chuyên gia Nhật Bản.
Ngay cả cách ăn mặc cũng mang màu sắc của xứ sở hoa anh đào. Và đương nhiên, sự kiện bắt tay cũng được tận dụng triệt để. Khán giả mua một đĩa đơn của nhóm SGO48 được đổi một vé bắt tay. Sự kiện handshake đi theo tiêu chí “thần tượng mà bạn có thể gặp” nhằm làm cầu nối giữa công chúng và thần tượng.
Người hâm mộ có khoảng 30 giây để bắt tay với thành viên mà mình yêu thích, đồng thời có thể góp ý, khích lệ trực tiếp với thần tượng. Chính nhờ hình thức gần gũi này mà các nhóm trong hệ thống nhà AKB48 liên tục thu hút lượng fan. Mang trong mình sự khác biệt nên mới ra đời, SGO48 nhanh chóng gây tò mò cho người hâm mộ Việt Nam.
Ra mắt cùng thời điểm, nhưng nếu SGO48 là bản sao nhóm nhạc xứ mặt trời mọc thì CZB lại trung thành với hình tượng xứ kim chi. Cụ thể, 6 chàng trai CZB nuôi tham vọng trở thành phiên bản Việt của nhóm nhạc đình đám số 1 K-pop là BTS. Không lạ lẫm gì khi trưởng nhóm Cường Jin chia sẻ, CZB phải tập luyện 10 -12 giờ/ngày gồm vô số các bài học như thanh nhạc, vũ đạo, kỹ năng trả lời báo chí, giao lưu với fan...
Trước đó, vô số nhóm nhạc Việt đi theo mô hình K-pop đều phải vào lò đào tạo nghiêm ngặt như thế theo mô hình đào tạo nhóm nhạc thần tượng xứ Hàn như Uni5, LipB, 365, The Air... Thậm chí có nhóm còn lặn lội sang tận Hàn Quốc để “đúng thầy, đúng thuốc” như nhóm Lime, Monstar... Và cũng như CZB, nhiều nhóm ấp ủ giấc mơ trở thành phiên bản Việt của SNSD, 2NE1…
Đa phần các nhóm đều rập khuôn y chang từ phong cách, hình thức đến âm nhạc của các nhóm nhạc K-pop nổi tiếng đời đầu như SNSD, Sistar, T-ara, Wonder Girl, Super Junior, Big Bang... Chỉ khác một chút là họ hát tiếng Việt. Mới đây, nhóm Zero 9 ra MV “Trốn học” nhưng được hát hoàn toàn bằng tiếng Hàn. Đến đây, nhiều khán giả đành bó tay. Bị phản ứng thì nhiều nhóm cho rằng việc hát tiếng Anh hoặc Hàn giúp họ tiếp cận với bạn bè thế giới. Thế nhưng, trái khoáy là ở chỗ, phần bình luận dưới MV lại toàn người Việt tung hô với nhau.
“Cũ người” chưa chắc “mới ta”
Sự ra đời của nhóm SGO48 gây chú ý bước đầu nhưng điều đó không có nghĩa là nhóm sẽ gặt hái thành công ở thị trường Việt Nam. Đàn chị AKB48 lập kỷ lục là một trong những nhóm nhạc có doanh thu cao nhất trên thế giới nhờ tiền bán album và bán vé sự kiện bắt tay.
Với thị trường nhạc Việt, đó lại là cuộc chơi mạo hiểm bởi từ lâu, khán giả vốn hạn chế mua đĩa mà chỉ thưởng thức miễn phí trên YouTube. Nhu cầu mua vé sự kiện bắt tay cũng còn quá xa lạ. Chưa kể, với đội hình quá đông thành viên, việc vận hành nhóm đã là thách thức.
Riêng nhóm CZB lại bị dự báo tương lai ảm đạm hơn bởi dù gì màu sắc nhóm nhạc Nhật Bản vẫn còn mới mẻ, còn mô hình nhóm nhạc Hàn Quốc đã quá quen thuộc. CZB ra đời khi K-pop đã thoái trào. Sự rã đám của hàng loạt nhóm nhạc Việt theo mô hình K-pop trước đó như X5, YounQ G.Plus, P.S.S, B.O.T, Rainbowboys... là lời cảnh báo.
Mặc dù Cường Jin- trưởng nhóm CZB, khẳng định chắc nịch: "Chúng tôi chịu ảnh hưởng từ nhóm nhạc nổi tiếng của Hàn Quốc - BTS - và mong muốn trở thành BTS phiên bản Việt. Tuy nhiên, các sản phẩm của CZB vẫn có bản sắc riêng do được thực hiện bởi êkíp nhạc sĩ, nhà sản xuất, biên đạo người Việt”. Vậy nhưng, nhìn lại các nhóm đàn anh, đàn chị đã chết yểu mới thấy: lúc trình làng, họ cũng tuyên bố hùng hồn như CZB. Rút cuộc, tuyên bố chỉ là tuyên bố, còn làm được hay không lại là một bài toán vô cùng khó.
Nhóm nào mới ra đời cũng được quảng bá ồn ào, nào là muốn trở thành phiên bản này kia, nào là chinh phục thị trường Đông Nam Á lẫn thị trường Hàn Quốc. Nhưng sau một, hai sản phẩm đầu tay, họ bắt đầu hụt hơi, hoạt động cầm chừng hoặc giải tán trong im lặng.
Ngẫm kỹ, ngay chính khán giả trong nước, họ chinh phục không xong thì nói gì đến khán giả ở nơi phiên bản gốc làm mưa làm gió. Ngay chính tại thị trường K-pop, các nhóm nổi đình nổi đám một thời cũng sớm tan rã, mỗi năm có vô số nhóm nhạc mới ra đời nhưng không kịp để lại dấu ấn thì lặn mất tăm.
Cách đây gần 20 năm, nhạc Việt từng có một thời hoàng kim cho các nhóm nhạc. Hàng loạt nhóm như Mặt Trời Đỏ, 5 Dòng Kẻ, Tam ca Ba con mèo, Tam ca Áo trắng, Mắt ngọc, Mây trắng, GMC, AC&M, MTV, 1088... gây bão trong giới trẻ bởi vô số ca khúc ăn khách. So với thời đó, các nhóm nhạc bây giờ có lợi thế về mặt ngoại hình, tài chính, công nghệ... nhưng họ mãi lẹt đẹt.
Lý do đơn giản: họ mãi chạy theo làm cái bóng của người khác mà đánh mất chính mình. Tâm lý thích ăn xổi, bắt chước người khác để nhanh chóng nổi tiếng nên nhóm nhạc Việt không thể làm nên chuyện. Nếu các nhóm nhạc K-pop được đào tạo tròm trèm cả chục năm mới dám ra mắt sản phẩm thì nhóm nhạc Việt được đào tạo nhanh như chớp. Họ sớm được chào sân khi chỉ được đào tạo tầm vài tháng đến một năm. Như thế, trách sao họ không thành phiên bản lỗi. Cá biệt hơn, nhận thấy chỉ bắt chước chưa ăn thua, họ còn cố gây chú ý bằng đủ chiêu trò lố lăng. Đơn cử như nhóm Zero 9, La Thăng New luôn có cách ăn mặc dị hợm và tạo đủ thị phi, phát ngôn gây sốc như so sánh mình “ăn đứt” các nhóm nhạc nổi tiếng Hàn Quốc.
Điểm lại các nhóm nhạc thành công hiện nay sẽ dễ dàng nhận thấy nhóm thuần Việt chiếm phần lớn. Đó là Ngọt, Cá hồi hoang, Dalad... Liveshow của các nhóm này luôn “cháy” vé. Âm nhạc của họ mang màu sắc riêng biệt, không hề đụng hàng. Họ tự sáng tác, tự thể hiện với những ngẫm nghĩ về nhân sinh, về cuộc sống người trẻ... Những bài hát của họ nhanh chóng trở thành hit như: “Không làm gì”, “Cho tôi đi theo”, “5A.M”, “Thanh xuân”, “Một nhà”...
Nhóm 365 cũng là một nhóm thành công dù đi theo mô hình nhóm nhạc Hàn Quốc. Tuy nhiên, đến nay, những bài hát mà nhóm để lại và được nhiều người yêu thích vẫn là bài mang bản sắc Việt trước khi nhóm chính thức tan rã như “Hai cô tiên”, “Bống bống bang bang”. Sự nổi tiểng của hai bài hát này lấn át hoàn toàn các ca khúc mang đậm phong cách Hàn Quốc trước đó của 365.
Khán giả không cấm đoán nghệ sĩ học hỏi cái hay, cái độc đáo của nước bạn. Họ chỉ dị ứng khi các nhóm tình nguyện làm bản sao, ăn theo để rồi không biết mình là ai, đặc trưng của mình là gì. Càng ê chề hơn khi đó là một bản sao đầy lỗi. Nhìn lại thành công mà nhóm 365 gặt hái, dù rằng khá muộn màng, hy vọng các nhóm nhạc sẽ hiểu rằng: điều đáng học ở các nền âm nhạc tiên tiến là bí quyết tổ chức, vận hành một nhóm nhạc hiệu quả; công nghệ sản xuất âm nhạc... Còn linh hồn âm nhạc thì xin hãy chịu khó tìm tòi, sáng tạo để khi khán giả nhìn vào còn biết rằng đó là bản sắc Việt Nam.