Làm bếp: Khi nghề chọn người!

(SGTTO) – Hành trình đến với nghề nghiệp của bất kỳ ai cũng đều là những câu chuyện thú vị. Trong đó, câu chuyện của đầu bếp Nguyễn Văn Thông là một trong những minh chứng sinh động cho cơ duyên “nghề chọn người” mà nhiều người vẫn thường nghĩ.

(SGTTO) – Hành trình đến với nghề nghiệp của bất kỳ ai cũng đều là những câu chuyện thú vị. Trong đó, câu chuyện của đầu bếp Nguyễn Văn Thông là một trong những minh chứng sinh động cho cơ duyên “nghề chọn người” mà nhiều người vẫn thường nghĩ.

Gắn bó với bếp qua những cơ duyên

Đầu bếp Nguyễn Văn Thông sinh ra và lớn lên trong gia đình đông anh em ở vùng đất Thanh Hóa. Bảy tuổi, khi mà nhiều đứa trẻ khác còn hồn nhiên vui chơi thì anh Thông đã biết phụ cha mẹ chăm sóc em nhỏ và nấu cơm khi người lớn đi làm việc đồng áng. Đến khi trưởng thành, sau hai năm rời quê vào miền Nam làm việc, anh Thông quay trở về Bắc, lên đường đi nghĩa vụ quân sự.

Có lẽ, tài nấu nướng của anh Thông “nhìn vào biết ngay” nên người chỉ huy đã quyết định chọn anh vào bộ phận hậu cần làm phụ bếp, sau khi nhìn tất cả mọi người trong quân ngũ năm đó.

Vào bộ phận hậu cần chỉ sau một tháng, anh đã được đào tạo vào vị trí nấu ăn chính cho các anh em trong quân đội. Nhớ lại những ngày tháng đó, anh Thông cho biết tuổi trẻ của anh chính là hai năm đi nghĩa vụ với biết bao bữa cơm được nấu, giúp anh khám phá bản thân và nhận ra tình yêu dành cho công việc bếp núc, ẩm thực.

Tuy biết rằng bản thân yêu bếp nhưng sau khi xuất ngũ, anh Thông đã chọn học và theo đuổi ngành Trang trí nội thất với mong muốn có một công việc ổn định phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, “nghề chọn mình rồi thì làm gì cũng phải theo nghề”, anh nói. Chỉ sau sáu tháng theo học Trang trí thiết kế nội thất nội thất, anh đã quyết định nghỉ học và quyết tâm trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp.

Năm 2009, một lần nữa anh Thông quyết định Nam tiến, làm phụ việc ở xưởng sửa chữa tàu thủy nhưng cơ duyên nấu nướng một lần nữa lại tìm đến anh. Khi người nấu ăn tại xưởng nghỉ việc, anh Thông được điều vào vị trí nấu ăn cho mọi người ở xưởng. Kinh nghiệm hai năm nấu ăn ở môi trường quân đội giúp anh không gặp khó khăn khi nấu ăn một ngày ba bữa cho các thợ sửa chữa tàu.

Biết anh yêu thích nghề bếp, một người bạn đã giới thiệu cho anh học chuyên bếp Việt và bếp Á tại trường chuyên nghiệp. Kể từ đó, ban ngày anh làm bếp ở xưởng sửa chữa tàu thủy để có tiền đóng học phí và trang trải cuộc sống, tối đến, anh lại vội vàng đến trường để học và miệt mài suốt gần một năm như vậy.

Không ngừng nỗ lực và học hỏi

Anh Thông tốt nghiệp bằng giỏi chuyên ngành bếp Việt và bếp Á của trường Trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist. Ngay khi mới hoàn thành xong khóa học, anh được thầy hướng dẫn giới thiệu vào làm việc tại Nhà hàng Yến Sào Khánh Hòa TPHCM. Bằng sự nỗ lực của mình, anh đã phấn đấu trở thành bếp trưởng của nhà hàng từ năm 2010 đến nay.

Khi mới vào nghề, áp lực công việc khá lớn như lương thấp hơn những công việc đã từng làm, bị cấp trên chê trách, đặc thù nghề nghiệp đi sớm về muộn… khiến anh đôi lúc nản chí, muốn từ bỏ nhưng vì yêu nghề, muốn đưa giá trị món ăn Việt đi xa hơn, anh lại cố gắng tiếp tục.

Tuy có nhiều kinh nghiệm đứng bếp nhưng trong thâm tâm anh biết, để có thể theo đuổi nghề, anh phải nỗ lực học tập nâng cao kiến thức rất nhiều. Và dù đã đi làm và có kinh tế ổn định hơn xưa nhưng không vì vậy mà anh Thông cho phép mình có một phút nào được “vô tâm” với nghề.

Ban ngày làm việc tám tiếng, thời gian còn lại anh tham gia sinh hoạt, học hỏi cùng các đầu bếp khác ở Hội đầu bếp TPHCM. Anh Thông chia sẻ quan niệm của anh từ lúc làm bếp cho đến khi chuyển sang công việc giảng dạy đều trước sau như một, đó là phải đặt cái tâm vào món ăn.

Đối với anh Thông, đầu bếp ngoài việc biết nấu nướng còn phải biết cân bằng dinh dưỡng, hiểu rõ nguồn dinh dưỡng cần thiết trong mỗi món ăn. “Để đáp ứng xu hướng xã hội hiện đại, tôi ấp ủ đưa dòng sản phẩm “ngon, gọn, sạch” đến với những người không có thời gian nội trợ. Bởi món ăn Việt chính là là sự kết hợp tinh túy từ nhiều loại gia vị, rau củ tự nhiên tạo nên một bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng từ tinh bột, chất đạm, chất xơ, vitamin, ít cholesterol”, anh nói.

Hiện tại, bên cạnh việc giảng dạy, anh Thông còn mở bếp nhận nấu các phần ăn dinh dưỡng cho trường học bệnh viện ở TPHCM. Trong tương lai gần, anh dự định mở kênh YouTube cá nhân để hướng dẫn nấu các món ngon nhiều vùng miền khác nhau đến với người yêu thích trong và ngoài nước.

Đầu Nguyễn Văn Thông chia sẻ công thức món gà chiên nước mắm để phụ huynh có thể cùng con vào bếp.

Nguyên liệu:

Cách làm:

Bước 1: Cánh gà rửa sạch, trụng qua nước sôi, nêm một muỗng nhỏ muối, một muỗng nhỏ đường, một muỗng nhỏ hạt nêm, một ít hành lá. Sau khoảng 5 phút lấy gà ra để ráo và đem chiên vàng.
Bước 2: Làm sốt nước mắm: Cho 50g nước mắm, 50g đường vào nồi, nấu tan hỗn hợp mắm đường. Sau đó cho 30g tương ớt, 20g tương cà khuấy đều mịn thành hỗn hợp sốt nước mắm.
Bước 3: Phi thơm tỏi, hành tây, đầu hành, sau đó cho cánh gà vào rồi cho sốt vào đảo đều, cho hành lá vào tắt bếp.
Bước 4: Cho gà chiên nước mắm ra dĩa, có thể ăn kèm cơm hoặc xôi.

Mỹ Xuân

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/lam-bep-khi-nghe-chon-nguoi/