Làm cho ý Đảng hợp với lòng dân
Tiếp tục chương trình lấy ý kiến góp ý vào dự thảo các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, ngày 28/10, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các Hội đồng tư vấn của UBTƯ MTTQ Việt Nam đối với các dự thảo văn kiện trình Đại hội. Đây là hội nghị thứ hai nằm trong chuỗi 4 hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức.
Dự Hội nghị có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý các dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Trưởng Tiểu bản Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Điểu K’Ré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; ông Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương; ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; cùng sự tham gia các vị trong Ban Chủ nhiệm và thành viên của 7 hội đồng tư vấn.
Thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng; Thông báo Kết luận số 159 ngày 15/1/2020 của Bộ Chính trị; Hướng dẫn số 60 ngày 17/1/2020 của Văn phòng Trung ương Đảng; Kế hoạch số 21 ngày 20/7/2020 của Ban Dân vận Trung ương; Hướng dẫn số 151 ngày 10/9/2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổ chức thảo luận, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục tổ chức Hội nghị để xin ý kiến các cụ, các vị, các đồng chí trong các Hôi đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, UBTƯ MTTQ Việt Nam có 7 hội đồng tư vấn về các lĩnh vực: Dân chủ - Pháp luật; Văn hóa - Xã hội; Khoa học, Giáo dục và Môi trường; Kinh tế; Dân tộc; Tôn giáo; Đối ngoại và Kiều bào. Các hội đồng đã giúp Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam góp ý kiến với Đảng, Nhà nước những vấn đề quan trọng liên quan đến xây dựng Đảng, Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, những vấn đề về đời sống nhân dân. Tham gia phản biện nhiều dự thảo văn bản luật mang lại hiệu quả thiết thực.
“Việc tham gia ý kiến của các cụ, các vị, các đồng chí với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước, sẽ góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; làm cho ý Đảng hợp với lòng dân; tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Chính vì vậy, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong các cụ, các vị, các đồng chí trên tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, thẳng thắn, chân thành, góp ý những vấn đề chung hoặc những vấn đề cụ thể đã nghiên cứu sâu, am hiểu rộng. Cùng với việc góp ý chung vào Dự thảo Văn kiện, các cụ, các vị, các đồng chí góp ý sâu sắc hơn vào những đánh giá, nhận định và nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, để thể hiện được rõ nét sự đổi mới, kết quả của Mặt trận góp vào thành tựu chung của đất nước, đồng thời cũng nêu những mặt hạn chế cần khắc phục; khái quát những nhiệm vụ, những đổi mới, đáp ứng với yêu cầu phát triển của đất nước.
“Làm thế nào để Mặt trận tiếp tục thực hiện tốt vai trò là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; là một bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của các tầng lớp nhân dân”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.
Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã cho ý kiến góp ý vào: Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.
Đổi mới cần cách nhìn mới, tư duy và hành động mới
Góp ý tại Hội nghị, TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội cho rằng, các báo cáo đã được chuẩn bị công phu, nội dung đầy đủ, toàn diện. Tuy nhiên vẫn còn quá dài, dàn trải và không làm nổi bật được đâu là nội dung quan trọng nhất trong nhiệm kỳ 2021-2025. Bởi vậy, báo cáo cần có cách tiếp cận mới coi việc lãnh đạo toàn diện của Đảng là đương nhiên, từ đó nêu một cách cụ thể, sâu đậm những vấn đề trọng tâm nhất, cần thiết nhất phải giải quyết trong nhiệm kỳ 2021 - 2025.
Góp ý vào vấn đề văn hóa, ông Nguyễn Viết Chức cho rằng, những hạn chế, yếu kém trong báo cáo chính trị đã được chỉ ra khá nghiêm khắc và chính xác, đó là “văn hóa chưa được quan tâm quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thực sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có xu hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần”. Đó là nhận định xác đáng nhưng không mới vì đã nói nhiều rồi, thêm vào đó phần chỉ ra nguyên nhân hạn chế lại chung cho các hạn chế, yếu kém của nhiều lĩnh vực nên không sát thực với hạn chế yếu kém trong lĩnh vực văn hóa.
“Tại sao Nghị quyết TƯ đã chỉ rõ văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển… nhưng vẫn chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị? Kinh tế đi trước nhưng không có nghĩa là “quên” đi văn hóa, kinh tế có thể đi trước nhưng văn hóa phải đi liền theo, không để tình trạng đầu tư cho văn hóa không tương xướng với đầu tư cho kinh tế như nhiều ý kiến nhận xét hiện nay”, ông Nguyễn Viết Chức bày tỏ.
Lấy ví dụ từ chương trình sách giáo khoa, ông Nguyễn Viết Chức cho biết, khi bắt đầu triển khai ông đã cảnh báo hoặc không làm, hoặc phải làm cẩn trọng chứ không phải làm trong năm 1 năm 2, để bây giờ phải ngồi nhặt “sạn”.
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đề cập trong dự thảo, ông Nguyễn Viết Chức cho rằng, nội dung về văn hóa mở đầu đánh giá “các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trưng bày triển lăm, tuyên truyền cổ động được tổ chức sôi nổi rộng khắp từ trung ương đến cơ sờ...” thể hiện nhận thức “văn hóa đàn ca, hát múa”, “tuyên truyền, cổ động, đóng đinh leo thang", không căn cứ vào các nội dung đă đề ra ở khóa XII về văn hóa để kiểm điểm, đánh giá. Bởi tại văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng, Trung ương đã nhìn nhận và đánh giá rất sâu sắc về văn hóa, nhưng vấn đề đặt ra vừa trúng, vừa đúng, vừa có tầm chiến lược lại có tính thời sự. Tuy nhiên, sau đó nhiều việc chưa được bàn thảo kỹ, hoặc có bàn thảo nhưng chưa làm được.
“Nội dung tôi tâm đắc nhất là đặt vấn đề xây dựng con người Việt Nam lên hàng đầu và yêu cầu khá cụ thể việc xây dựng hệ chuẩn giá trị con người Việt Nam. Cái lớn nhất, cái bao trùm nhất của văn hóa là con người. Con người sáng tạo ra văn hóa và chính văn hóa lại tác động để hình thảnh nhân cách và phẩm giá con người. Môi trường thiên nhiên bị hủy hoại, lũ lụt miền trung dữ độc đến như vậy có phải do con người tác động không?..”, ông Nguyễn Viết Chức trăn trở.
Ông Nguyễn Viết Chức đề nghị, căn cứ tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển trong tình hình mới, dự thảo văn kiện cần diễn đạt lại phần nói về văn hóa, cả cách đặt vắn đề, cả nội dung và cấu trúc. Thực tế cho thấy, quan điểm của Đảng về văn hóa hoàn toàn đúng đắn, có tính xuyên suốt các thời kỳ cách mạng Việt Nam, vấn đề là giải pháp để thực hiện có hiệu quả.
“Đổi mới cần cách nhìn mới, tư duy và hành động mới, nhưng không thể không bài bản không hệ thống, thấy gì làm nấy lợi sẽ bất cập hại và hậu quả khôn lường nhất là trong lĩnh vực văn hóa”, ông Nguyễn Viết Chức nói.
Có giải pháp hữu hiệu về mặt pháp lý trong chống tham nhũng vặt
PGS.TS Trần Hậu, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường nhận định, việc đánh giá tình hình, thành tựu của công cuộc đổi mới là vấn đề có thể còn những ý kiến khác nhau cần nghiên cứu để làm cho rõ hơn. Theo đó, nên đánh giá sâu hơn việc đổi mới đã toàn diện, bởi thực tế, giữa các lĩnh vực của đời sống xã hội sự đổi mới chưa thật toàn diện, thiếu đồng bộ... Do nhiều nguyên nhân khác nhau, sự thiếu đồng bộ, chưa toàn diện mới chính là những điểm nghẽn của công cuộc đổi mới. Nếu khắc phục được điểm nghẽn đó, chắc chắn thành tựu của công cuộc đổi mới sẽ còn to lớn hơn nữa, tương xứng với tiềm năng của xã hội ta.
Nhận định về công cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong nhiệm kỳ qua, ông Trần Hậu cho rằng, cần đi sâu vào nguồn gốc của hiện tượng tham nhũng, lãng phí, đó chính là chủ nghĩa quan liêu. Chủ nghĩa quan liêu sản sinh ra tệ độc đoán, chuyên quyền, duy ý chí, gia trưởng phong kiến, xa dân, thói đặc quyền, đặc lợi. Đó là miếng đất dung dưỡng nạn tham nhũng lãng phí. Bên cạnh đó, trong cuộc chống tham nhũng cần kiên quyết xử lý những vụ tham nhũng lớn, nhưng không xem nhẹ chống tham nhũng vặt. Tuy là tham nhũng vặt, nhưng ảnh hưởng nhức nhối đối với cuộc sống hàng ngày của người dân và lòng tin của họ không hề nhỏ, nếu để tích tụ lâu ngày thì hậu quả sẽ lớn.
“Phải chăng chúng ta mới dừng việc chống tham nhũng vặt ở việc giáo dục, vận động,... mà chưa có giải pháp hữu hiệu nào hơn về mặt pháp lý”, ông Trần Hậu nói.
Nhắc đến nội dung đổi mới hệ thống chính trị, ông Trần Hậu nhận định, đây là vấn đề lớn, đã được dự thảo báo cáo nêu đầy đủ việc đổi mới của từng thành tố của hệ thống: Đổi mới Đảng, Nhà nước, Mặt trận. Điều đáng bổ sung là nhấn mạnh đổi mới cơ chế vận hành của cả hệ thống theo hướng "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ". Vấn đề đồng bộ lại được đặt ra, sao cho giữa ba bộ phận cấu thành này phối họp nhịp nhàng, chặt chẽ, đúng chức năng của mỗi bộ phận, cùng chung mục đích phục vụ nhân dân tốt nhất, trong đó khẳng định vai trò của MTTQ Việt Nam là người đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của nhân dân như Hiến pháp đã qui định.
Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Đối ngoại Kiều bào, ông Phạm Xuân Sơn cũng cho rằng: cần phải có một mục riêng hoặc một phần riêng đánh giá về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng. Các đại hội lần trước cũng đã nhận diện ra nguy cơ tham nhũng. Mặc dù đến nay Đảng và Nhà nước ta chưa có những biện pháp để ngăn ngừa hoặc là ngăn chặn triệt để tệ nạn này, chưa thể làm cho những người những người thoái hóa là không dám tham nhũng không muốn tham nhũng không thể tham nhũng…. nhưng rõ ràng những kết quả đạt được trong cái nhiệm kỳ này là rất ấn tượng. Qua đó góp phần củng cố niềm tin của toàn đảng toàn dân đối với Đảng và Nhà nước.
“Trong phần dự thảo báo cáo chính trị có đưa nội dung chống tham nhũng vào một mục trong công tác xây dựng Đảng nhưng rất mờ nhạt, mà theo dư luận điều mà người ta hân hoan nhất, phấn khích nhất không phải là những vấn đề khác mà chính là chống tham nhũng, chống quốc nạn này. Đa số mọi người đều mong muốn là công tác này được tiếp tục triển khai triệt để hơn trong thời gian tới. Mong muốn những người mà có bản lĩnh có trí tuệ có đạo đức liêm khiết, kiên quyết kiên trì chống tham nhũng nên tiếp tục sự nghiệp này”, ông Phạm Xuân Sơn nói.
GS. Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, để chống tham nhũng thành công, phải kiểm soát quyền lực thật tốt. Bên cạnh đó, phòng chống tham nhũng phải quyết liệt hơn, cần có chế tài thật rõ, thật nghiêm về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, phải thu hồi triệt để thì mới ngăn chặn được tham nhũng.
Giáo sư Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp Luật thì cho rằng: dân chủ xã hội chủ nghĩa là mục tiêu và là động lực của sự phát triển, nhưng hiện dân chủ còn hình thức. Bên cạnh đó, tổ chức thi hành pháp luật chưa tương xứng với công tác xây dựng pháp luật.
“Tôi đề nghị đổi chữ “pháp chế” thành “pháp quyền”. Bởi vì pháp chế cũng là thượng tôn pháp luật, cũng là đề cao vai trò tuân thủ pháp luật. Pháp chế pháp luật đó mang nặng ý muốn chủ quan của nhà làm luật, của nhà nước. Thứ hai pháp luật đó buộc người dân tuân thủ còn nhà nước tuân thủ không đáp ứng được. Chủ yếu đặt pháp luật ra buộc người dân tuân thủ. Ngược lại pháp quyền pháp luật ra đời từ nhân dân từ đòi hỏi thực tiễn và đặt ra đó trước hết để ràng buộc nhà nước, kiểm soát quyền lực nhà nước rồi mới đến lượt điều chỉnh quan hệ với nhân dân. Vì vậy thuật ngữ pháp quyền chính xác hơn và đúng hơn so với thuật ngữ pháp chế”, ông Trần Ngọc Đường nói.
Khẳng định lợi ích quốc gia – dân tộc trong giai đoạn hiện nay
Đề cập đến vấn đề lợi ích quốc gia - dân tộc, ông Trần Đắc Lợi, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Đối ngoại Trung ương, Hội đồng Tư vấn về Đối ngoại - Kiều bào cho rằng, nên diễn đạt “bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia - dân tộc” thành “bảo đảm tối cao lợi ích quốc gia - dân tộc” để thể hiện được sự coi trọng cao độ đối với lợi ích quốc gia - dân tộc hiện nay. Ngoài ra, cần điều chỉnh lại cách diễn đạt về Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam XHCN (trang 45) khi nói về “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ XHCN, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc;...”. Cách diễn đạt này có thể dẫn đến cách hiểu là các thành tố “độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ XHCN, nền văn hóa...” là tách biệt khỏi và không phải là nội hàm cấu thành của lợi ích quốc gia - dân tộc.
Về vấn đề hợp tác quốc tế với nhân dân các nước, ông Trần Đắc Lợi cũng nêu rõ, trong quan hệ quốc tế hiện nay, các lực lượng, nhân tố phi nhà nước có vai trò ngày càng quan trọng. Tuy nhiên, phần XI về công tác đối ngoại mới chủ yếu đề cập đến xử lý quan hệ với các quốc gia và phát triển quan hệ ngoại giao nhà nước, chính vì vậy ông đề nghị bổ sung thêm đoạn: “Mở rộng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác với các lực lượng chính trị, xã hội và nhân dân các nước phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì phát triển công bằng và bền vững”.
(tiếp tục cập nhật)
Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/thoi-su/lam-cho-y-dang-hop-voi-long-dan-37351.html