Làm chủ 'cuộc sống số' trên thị trường tài chính (Bài 3): Không thể vì 'dao sắc' mà cấm dùng
Đã có rất nhiều đánh giá về tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tới các ngành kinh tế Việt Nam, trong đó có hoạt động tài chính - ngân hàng, tuy nhiên, tốc độ tác động trên thực tế đang nhanh hơn các dự báo. Không chỉ cơ quan quản lý, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp mà mỗi người dân cũng cần tìm hiểu về làn sóng số hóa lĩnh vực tài chính để trước hết là tránh thua thiệt, tiến tới làm chủ những giải pháp công nghệ tài chính này.
Bài 3: Không thể vì “dao sắc" mà cấm dùng
Bitcoin là một sản phẩm của nền tảng công nghệ mới mang tên blockchain, khi mà “công nghệ chuỗi khối” này chưa thật nổi tiếng thì bitcoin đã được nhiều người đào và mua bán, do vậy có những nhầm tưởng bitcoin chính là blockchain hay tệ hơn là “bitcoin không tốt thì blockchain cũng vậy”. Sự hiểu lầm đôi khi làm lỡ cơ hội cho việc tận dụng công nghệ mới.
Việt Nam - trung tâm giao dịch Blockchain: Tại sao không?
Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, Trưởng phòng Lab Blockchain, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết, một số quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan… đã có những chính sách cởi mở đối với tiền ảo, nhưng việc sử dụng đồng tiền này giống như con dao hai lưỡi nên nhà quản lý cần thận trọng. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước trong việc giám sát, quản lý thị trường tiền điện tử.
Chẳng hạn, tại Nhật Bản, ngay từ đầu, chính phủ nước này không coi bitcoin là tiền, không giám sát bitcoin và tiền ảo như sản phẩm tài chính. Tháng 6/2014, Thủ tướng Chính phủ Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố rằng, không có cơ quan nào được chỉ định để giám sát tiền kỹ thuật số, thay vào đó, các bên tham gia giao dịch bitcoin tự giám sát rủi ro. Tuy nhiên, việc phá sản của sàn Mt Gox đã dẫn đến nhiều tranh luận, giới chức quản lý bị chỉ trích vì thiếu kiểm tra hoạt động của sàn trong bối cảnh thiếu khung quản lý, giám sát.
Theo đó, đến tháng 5/2016, Hạ viện Nhật đã thông qua dự luật tiền ảo, chỉ định Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật là tổ chức quản lý, giám sát tổ chức và vận hành bitcoin. Đây là quy định pháp lý đầu tiên về tiền ảo và được đánh giá là sự phát triển quan trọng về mặt lập pháp tại Nhật Bản.
Hay tại Thái Lan, từ giữa năm 2013, khi bitcoin và các tổ chức liên quan xuất hiện, nước này đã ngăn cấm việc sử dụng bitcoin. Ngân hàng Trung ương Thái Lan tuyên bố từ chối cho lưu hành đồng tiền bitcoin tại nước này, mọi giao dịch mua bán, chuyển nhượng thông qua bitcoin với cá nhân, tổ chức bên ngoài Thái Lan đều là phạm pháp.
Tuy nhiên, tháng 7/2014, Ngân hàng Trung ương Thái Lan thông báo, giao dịch bitcoin không bị coi là bất hợp pháp và cấp phép hoạt động cho hai sàn trao đổi bitcoin tại quốc gia này. Thực tế, chính sách quản lý tại Thái Lan có nhiều thay đổi từ năm 2017 đến nay, khi Ngân hàng Trung ương có những động thái để “mở”, mặc dù có đưa ra những biện pháp kiểm soát nhất định.
Tháng 2/2018, Thái Lan cấm các tổ chức tài chính trong nước tham gia hoạt động liên quan đến bitcoin nhằm ngăn chặn gian lận. Đến tháng 5/2018, chính phủ nước này đưa ra sắc luật với 100 điều khoản về việc kiểm soát, điều chỉnh các giao dịch tiền ảo và hoạt động huy động vốn bằng tiền ảo (ICO); đồng thời nghiên cứu sửa đổi các quy định có liên quan trong Luật Giao dịch điện tử 2011, Luật Bảo mật dữ liệu… Có thể thấy, Thái Lan đã có sự thay đổi đáng kể về cách tiếp cận trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về tiền ảo.
Nhận định về cơ hội để Việt Nam tận dụng sức mạnh từ thị trường tiền điện tử, trở thành trung tâm giao dịch blockchain, ông Tuấn cho rằng, một khi trở thành trung tâm giao dịch blockchain, dòng tiền cả trong và ngoài nước sẽ đổ về các dự án gọi vốn. Đây là cơ hội rất tốt nếu Việt Nam nhanh nhạy nắm bắt, nhưng đi kèm đó là không ít thách thức.
“Một số quốc gia không ưa thích tiền điện tử bởi khó điều tiết, nhưng một số khác hành xử với tiền ảo như tiền, cổ phiếu, tài sản… Tại Việt Nam, việc quản lý thị trường tiền điện tử là rất phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh khung pháp lý vẫn chưa được hoàn thiện”, Tiến sĩ Tuấn nói.
Bitcoin: Xu hướng toàn cầu
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, không thể cấm bitcoin, bởi đây sẽ là xu thế trên toàn cầu trong thời gian tới. Lý giải điều này, Tiến sĩ Hiếu cho rằng, các ngân hàng trung ương trên thế giới đang phát hành tiền chủ yếu là tiền mặt, gửi tại các ngân hàng và hình thức này càng ngày càng bộc lộ hạn chế. Khi nền kinh tế mở rộng, phải có lượng tiền đủ để đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, với bất kỳ quốc gia nào, hệ thống hàng hóa và tiền tệ đi chung với nhau, hàng hóa phát triển hơn thì tiền cũng phải cải thiện để tương thích.
“Nếu M1, M2, M3 (Money supply: cung ứng tiền) chịu hạn chế trong khi kinh tế hàng hóa ngày càng lớn, các quốc gia phải có hệ thống phát hành tiền đáp ứng nhu cầu này. Khi đó M1, M2, M3 là không đủ, mà sẽ còn bao gồm Me (electronic-điện tử). Đây là một xu hướng của toàn cầu”, Tiến sĩ Hiếu nói.
Chia sẻ về vấn đề áp lực của bitcoin lên đồng tiền Việt Nam, Tiến sĩ Tuấn cho rằng, quan ngại này khá xa vời. Trên thế giới, dòng tiền bitcoin có thể lên đến vài trăm tỷ USD nhưng vẫn chưa “thấm tháp” so với giá trị giao dịch tiền tệ truyền thống. Bitcoin nên được xem là một hiện tượng trong xã hội, cần có hành xử đối với hiện tượng mới một cách thận trọng, nhưng không kỳ thị.
“Bitcoin thực sự là con dao 2 lưỡi, không cẩn thận sẽ đứt tay, nhưng dùng tốt sẽ làm được rất nhiều việc. Nguy hiểm không nằm ở con dao, mà là người sử dụng. Vì vậy, không thể vì con dao sắc mà cấm dùng, thay vào đó cần có khung khổ pháp lý điều chỉnh hành vi người sử dụng để mang lại lợi ích tốt nhất”, Tiến sĩ Tuấn nói và chia sẻ thêm, bitcoin là cơ hội cho những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vốn đã chậm chân trong nhiều lĩnh vực.
“Đây là cơ hội cho Việt Nam bật lên trở thành trung tâm tiền ảo, thu hút nguồn vốn, có sức ảnh hưởng tới thị trường này”, Tiến sĩ Tuấn nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc phụ trách bộ phận Dịch vụ Tài chính EY Việt Nam, Phó chủ tịch Câu lạc bộ FinTech Việt Nam cho rằng, khoa học công nghệ đã và đang thay đổi nhân loại bằng những kỳ tích không tưởng, góp phần hiện thực hóa những giấc mơ tưởng chừng là viển vông một thời. Thế giới sẽ chứng kiến nhiều phát minh mang tính chất đột phá hơn trong những năm tới. “Số hóa mang đến blockchain là công nghệ lõi cho tương lai ngành tài chính, công nghệ. Chúng ta cần có cái nhìn mở hơn để theo kịp thời đại”, bà Dương nhận định.
Nên quản, thay vì cấm
Bitcoin có nhiều ưu điểm trong hoạt động thanh toán, giao dịch, nhất là giao dịch xuyên biên giới. Chẳng hạn, xuất phát từ đặc điểm không cần thông qua trung gian nên các giao dịch bitcoin có thể được thực hiện với chi phí thấp hơn so với các phương thức thanh toán khác.
Cụ thể, khoản phí giao dịch trung bình trên mạng bitcoin có xu hướng ít hơn 0,0005 bitcoin, hoặc chiếm 1% số tiền giao dịch; trong khi tỷ lệ này thường là 2 - 4% với các hệ thống thanh toán trực tuyến truyền thống hay khoảng 8 - 9% đối với kiều hối mà không liên quan đến tài khoản ngân hàng.
Đồng thời, các giao dịch bitcoin dễ dàng được thực hiện với các chủ thể ở nhiều quốc gia khác nhau mà không phải chịu chi phí trao đổi hoặc chi phí rất thấp, do thị trường tiền ảo không bị giới hạn bởi phạm vi lãnh thổ quốc gia.
Rõ ràng, việc tồn tại, phát triển và tính đa dạng, phức tạp của tiền điện tử, tiền ảo là tất yếu khách quan. Tại nhiều nước hiện nay, bitcoin không chỉ là phương tiện thanh toán, mà còn được xem là hàng hóa để đầu tư, đầu cơ. Tiền điện tử, tiền ảo có thể sẽ phát huy được những khía cạnh tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội như hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy thương mại điện tử… nếu được kiểm soát và quản lý tốt.
Tuy nhiên, việc quản lý, giám sát tiền ảo khiến cho nhiều chính phủ “đau đầu” vì không biết xếp chúng vào loại nào, do cơ quan nào quản lý và điều này cũng đang diễn ra ở Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện tại, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, vấn đề của Việt Nam là cần nhanh chóng có quy định bitcoin thuộc loại tiền gì, bởi việc cấm tất cả giao dịch là điều bất khả thi. Hay sẽ chấp nhận đồng tiền kỹ thuật số này giao dịch như thế nào? Đồng thời, cần cho phép thanh toán, giao dịch ở mức độ nào hoặc cho thử nghiệm giao dịch.
“Không đề xuất trở thành một đơn vị tiền tệ mà nên xem nó là một đơn vị hàng hóa mang tính cách trừu tượng, sản phẩm trí tuệ được giao dịch, được đầu tư và có thể chuyển nhượng sang tiền đồng và ngược lại”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu gợi ý.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cần nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về bitcoin và các loại tiền mã hóa khác qua từng giai đoạn. Thực tế cho thấy, các quốc gia còn có quan điểm chưa rõ ràng hoặc khác nhau đối với việc quản lý bitcoin và các loại tiền mã hóa khác, tuy nhiên, việc thiết lập khung pháp lý để quản lý tiền mã hóa là nhu cầu tất yếu.
Pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể về thể chế quản lý, cũng như chức năng, nhiệm vụ cụ thể của bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào đối với quản lý tiền ảo, tiền mã hóa, ngoại trừ việc quy định bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp ở Việt Nam.