Làm chủ kỹ thuật sinh sản cá đặc sản nhân tạo: Mở ra cơ hội lớn
Chục năm trở lại đây, nuôi cá đặc sản được coi là một nghề đem lại thu nhập cao cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Ông Đỗ Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, để nghề nuôi cá đặc sản phát triển bền vững, sự liên kết chặt chẽ giữa người chăn nuôi, nhà doanh nghiệp và vai trò quản lý của Nhà nước đang được tỉnh ta khuyến khích, tạo điều kiện và bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, quan trọng nhất là việc tạo dựng những nền móng đầu tiên trong việc cho sinh sản nhân tạo một số loại cá quý hiếm, đặc sản của địa phương.
Từ năm 2013 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Tư vấn, sản xuất, dịch vụ và chuyển giao công nghệ thủy sản - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I thực hiện một số đề tài chuyển giao kỹ thuật sinh sản nhân tạo các loại cá đặc sản là cá anh vũ, cá chiên, lăng chấm và cá bỗng. Kỹ thuật sinh sản nhân tạo đã được chuyển giao thành công cho Trung tâm Thủy sản tỉnh. Theo anh Nguyễn Quang Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Thủy sản tỉnh, khi tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật nuôi các loại cá đặc sản như Anh vũ, cá chiên, bỗng, lăng chấm, các cán bộ của trung tâm đều nghĩ rằng so với việc thuần chủng từ đầu thì việc tiếp nhận chuyển giao sẽ đơn giản hơn. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện mới nhận ra những khó khăn vì ngay cả diễn biến thời tiết cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc sinh trưởng, phát triển của cá.
Đặc điểm của cá Anh vũ là sinh sống trong môi trường nước chảy, nhiệt độ từ 23 - 25 độ C nên khi Trung tâm Thủy sản tỉnh mới tiếp nhận cũng nhiều sai sót, nhưng với phương châm quen tay sẽ thành, cán bộ kỹ thuật thực hiện liên tục, nhiều khi biết sẽ thất bại vẫn tiếp tục làm để nâng cao tay nghề. Đến cuối năm 2015, cá Anh vũ bố mẹ được nuôi tại trung tâm đã sinh sản trên 3.000 con. Từ số cá này, Trung tâm Thủy sản tỉnh cũng chuyển giao 1.100 con cá Anh vũ kích cỡ từ 7 - 9 cm/con cho các hộ nuôi cá lồng trên sông, hồ thủy điện Tuyên Quang nuôi thử nghiệm. Trong đó, Công ty TNHH Lâm sản và dịch vụ Long Giang 300 con; Công ty TNHH MTV Thủy sản Nhật Nam 500 con và hộ ông Trần Văn Giáp, xã Thái Hòa (Hàm Yên) 300 con. Hiện, kích cỡ cá đạt từ 12 - 13 cm/con, cá sinh trưởng và phát triển ổn định.
Năm 2015 là năm đánh dấu thành công của việc cho sinh sản nhân tạo giống cá chiên. Đến thời điểm này, Trung tâm Thủy sản tỉnh đã xuất bán hàng nghìn con cá chiên giống cho các cơ sở nuôi thủy sản ở các tỉnh Hải Dương, Phú Thọ, Hà Giang, Yên Bái. Trong đó, cơ sở nuôi cá nước lạnh ở Yên Bái nhập cả các giống cá hương có kích thước chỉ từ 2 - 2,5 cm/con để nuôi. Năm 2018, Trung tâm Thủy sản tỉnh xuất bán 1.000 con cá chiên giống kích thước 8 - 10 cm/con cho tỉnh Phú thọ phục vụ dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật nuôi cá chiên trong lồng trên sông thuộc Chương trình nông thôn miền núi của tỉnh Phú Thọ… Các giống cá bỗng, lăng chấm được trung tâm duy trì sinh sản và cung cấp giống ra thị trường.
Có thể nói, việc nghiên cứu và chuyển giao thành công quy trình sản xuất giống cá Anh vũ, cá chiên, bỗng, lăng chấm góp phần mở ra cơ hội lớn đối với nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Đây là tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo trong việc sản xuất nhân tạo các giống cá từ con giống đến cá bố mẹ, nhất là cá Anh vũ để bảo tồn và phát triển nguồn gen…, bảo đảm tăng diện tích nuôi và tỷ lệ nuôi các loài cá quý hiếm, cá có giá trị kinh tế cao.