Làm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ thúc đẩy đàm phán COC giai đoạn 2
Biển Đông là một trong những vấn đề được cộng đồng khu vực và quốc tế quan tâm.
Trao đổi tại buổi họp báo về năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam sáng 18/11, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã chia sẻ về những nhiệm vụ mới của Việt Nam cũng việc đưa vấn đề Biển Đông ra các diễn đàn, sân chơi quốc tế trên vai trò này.
Đưa vấn đề Biển Đông ra ASEAN và LHQ
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, vấn đề Biển Đông được các nước trong khu vực và quốc tế quan tâm trải dài trên khoảng 5 nội dung bao gồm: Hòa bình ổn định; tự do và an toàn hàng không hàng hải; tuân thủ luật pháp quốc tế - Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC); tình hình thực địa; tình hình hoạt động đánh cá của ngư dân cũng như công tác bảo hộ.
“Đây là 5 nội dung được quan tâm và trong thời gian tới, mọi vấn đề liên quan sẽ được phản ánh trên bàn hội nghị của cả ASEAN và HĐBA LHQ”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Về tiến trình đàm phán COC, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng thông tin, bắt đầu từ tháng 3/2018, cho đến nay tiến trình đã hoàn tất vòng rà soát thứ nhất (first reading). Tại Đà Lạt vừa qua cuộc họp của nhóm công tác đã đạt kết quả tốt để bước vào vòng đàm phán thứ 2. Đây là chương trình nghị sự ưu tiên của ASEAN và Trung Quốc, hai bên xác định muốn thúc đẩy tiến trình COC nhanh nhất có thể. Tuy nhiên do còn một số khác biệt nên các bên cần thêm thời gian.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy, đóng góp vào tiến trình này, dành thêm thời gian đàm phán cũng như tìm ra cách thức phù hợp để tiến trình đạt kết quả cao hơn trong năm 2020. “Hiện Philippines đang giữ vai trò điều phối quan hệ ASEAN – TQ , chủ trì đàm phán COC. Việt Nam sẽ phối hợp với Philippines và hy vọng hoàn tất vòng đàm phán thứ hai trong năm 2020”, ông Nguyễn Quốc Dũng thông tin.
Vai trò bổ trợ
Trả lời câu hỏi của phóng viên về những vấn đề đặt ra cho Việt Nam khi cùng lúc giữ vai trò Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA LHQ) trong năm 2020, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết: “ASEAN cũng như LHQ là hai tổ chức đa phương, mang quy mô khu vực và toàn cầu. việc đảm nhận hai nhiệm vụ cùng lúc đặt ra nhiều vấn đề nhưng lại mang tính bổ trợ, trở thành cơ hội đáng quý cho Việt Nam”.
Theo đó, Việt Nam có thể đại diện cho ASEAN tại HĐBA LHQ và ngược lại làm cầu nối giữa LHQ và ASEAN để triển khai chương trình của ASEAN đồng bộ với các mục tiêu của LHQ. Vai trò, vị thế và tiếng nói của Việt Nam cũng thêm phần trọng lượng và thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia.
Tuy nhiên vai trò cũng đem đến những thách thức bởi Việt Nam cần quan tâm tới lợi ích lập trường của nhiều nhóm nước đa dạng, đồng thời đảm bảo lợi ích của ASEAN, do đó cần phối hợp nhiều với các quốc gia thành viên các tổ chức để đảm bảo lợi ích của các bên, phù hợp với xu thế quốc tế.
Chủ đề của năm ASEAN 2020 được Việt Nam lựa chọn là “Gắn kết và Chủ động thích ứng”. Trong năm tới, Việt Nam sẽ tổ chức 300 hội nghị, hoạt động khác nhau liên quan.