Làm chủ tương lai bắt đầu từ việc thấu hiểu chính mình
Sáng 18/5, tọa đàm hướng nghiệp với chủ đề 'Thấu hiểu bản thân, làm chủ tương lai' đã diễn ra tại Hội trường Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thu hút sự tham gia đông đảo của học sinh và phụ huynh trên địa bàn Hà Nội.
Đây là một trong những hoạt động nổi bật thuộc khuôn khổ Ngày hội tuyển sinh khối các ngành Khoa học và Công nghệ 2025, do báo Tiền Phong tổ chức, dưới sự chỉ đạo và phối hợp của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, Sở GD - ĐT Hà Nội, cùng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH).

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh cùng 3 diễn giả trong tọa đàm.
Chương trình có sự tham gia của các diễn giả giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, hướng nghiệp: Bà Nguyễn Mến – Chủ tịch Hội đồng quản trị GBM Group, cố vấn nội dung cuốn sách Thấu hiểu bản thân, làm chủ tương lai; bà Lê Lan Anh – chuyên gia giáo dục với gần 20 năm làm việc tại tổ chức quốc tế IDP Việt Nam; thầy Nguyễn Tiến Đạt – Giám đốc Công ty Cổ phần Đào tạo Giáo dục SSStudy, người sáng lập thương hiệu “Toán Thầy Đạt”. Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh – Trưởng Ban Sinh viên – Hoa Học Trò, báo Tiền Phong đảm nhiệm vai trò điều phối chương trình.
Hành trình thấu hiểu bản thân: Không bao giờ là muộn, nhưng nên bắt đầu sớm
Mở đầu tọa đàm, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh đặt câu hỏi trọng tâm: “Làm sao để thấu hiểu bản thân?” – câu hỏi này được các diễn giả phân tích và phản hồi dưới nhiều góc nhìn:

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh đảm nhận vai trò dẫn dắt buổi tọa đàm.
Bà Lê Lan Anh chia sẻ, khi lần đầu nhìn thấy cuốn sách Thấu hiểu bản thân, làm chủ tương lai, bà đã nghĩ: “Giá như thời ‘ơ kìa’ của mình cũng có một buổi định hướng như thế này, đặc biệt là khi mùa Hè đến gần và học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng.” Bà cho rằng, hành trình tự hiểu chính mình không bao giờ là quá muộn, nhưng bắt đầu sớm sẽ giúp mỗi người có thêm thời gian để thử nghiệm, để học hỏi và để lựa chọn chính xác hơn.

Diễn giả Lê Lan Anh: "Thấu hiểu bản thân là thấu hiểu ngay từ việc tôi là ai, tôi cảm thấy tự hào nhất về mình khi mình là ai, và không sợ nói ra điều đó khi ánh nhìn xung quanh hoặc quan điểm xã hội chưa phù hợp".
Từ trải nghiệm làm mẹ, bà Lan Anh kể lại hành trình đồng hành cùng con gái trong quá trình chuẩn bị hồ sơ vào đại học Mỹ. Sau khi nhận ra, cần thêm thời gian để khám phá bản thân và xác lập giá trị sống, con gái bà quyết định 'gap year' – một năm tạm nghỉ sau trung học – để thực sự hiểu mình. Trong suốt 14 tháng, con bà đã viết một bài luận 650 từ về lòng biết ơn – một trong những chủ đề giá trị sống cốt lõi mà các trường đại học quốc tế tại Mỹ quan tâm: “Thấu hiểu bản thân là thấu hiểu ngay từ việc tôi là ai, tôi cảm thấy tự hào nhất về mình khi mình là ai, và không sợ nói ra điều đó khi ánh nhìn xung quanh hoặc quan điểm xã hội chưa phù hợp”, bà nhấn mạnh.
Cũng trong phần chia sẻ, bà giới thiệu về dự án Rice & Smile – do chính con gái mình khởi xướng trong mùa dịch COVID-19 năm 2021 nhằm gây quỹ cho các ca phẫu thuật nụ cười cho trẻ em. Tính đến nay, dự án đã hỗ trợ 6 ca phẫu thuật thành công và đang hướng tới “nụ cười thứ 7”. Dự án cũng đã góp phần tài trợ xuất bản cuốn sách Thấu hiểu bản thân, làm chủ tương lai, hiện được trao tặng miễn phí tại chương trình.

Diễn giả Nguyễn Mến cho rằng, để hiểu rõ bản thân thì tất cả mọi thứ phải là trải nghiệm cá nhân và việc nhìn nhận từ bố mẹ, bạn bè, hoặc những người thân đối với bản thân là điều cốt lõi.
Về phần mình, bà Nguyễn Mến, với vai trò cố vấn nội dung cuốn sách, nhấn mạnh, nếu học sinh có thể hiểu mình sớm hơn, thì con đường phát triển cá nhân và nghề nghiệp sẽ rút ngắn đáng kể. Bà chia sẻ: “Tôi từng học Giao thông Vận tải – không liên quan gì đến kinh doanh hay kỹ năng con người. Nhưng đam mê đã dẫn lối, và cuối cùng tôi chọn khởi nghiệp thời trang. Nếu được học quản trị kinh doanh hay marketing từ đầu, có lẽ hành trình sẽ ít chông gai hơn.”
Thầy Nguyễn Tiến Đạt thì kể về chính hành trình chuyển hướng nghề nghiệp của mình: Ban đầu, theo học Công nghệ thông tin, tự tin với kết quả học tập loại giỏi trong suốt đại học, nhưng sau đó, lại nhận ra niềm đam mê thật sự khi đi dạy thêm. Từ một công việc để kiếm tiền hẹn hò thời sinh viên, thầy dần nhận ra mình yêu thích và có năng lực trong lĩnh vực giáo dục, và quyết định theo đuổi bằng sư phạm. “Hiểu mình là ai, mình có gì, cần gì và muốn gì – đó là gốc rễ để lựa chọn ngành nghề bền vững.”

Thầy Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, ba nhóm năng lực cốt lõi của con người là: giải quyết vấn đề, giao tiếp/ đàm phán/ thuyết trình, và tự học/ tự cập nhật.
Cả ba diễn giả đều thống nhất rằng, trong quá trình định hướng nghề nghiệp, học sinh cần cân nhắc đồng thời ba yếu tố: năng lực cá nhân, sở thích/ đam mê và nhu cầu thực tế của xã hội. Theo bà Mến, học sinh hiện nay có lợi thế là được tiếp cận thông tin sớm, có nhiều công cụ hỗ trợ và môi trường trải nghiệm đa dạng. “Hãy tham gia các nhóm cộng đồng, các hoạt động tình nguyện – nơi bạn không chỉ đóng góp cho xã hội mà còn có cơ hội hiểu chính mình hơn”.
Giữa muôn vàn công cụ, hãy tin vào trải nghiệm thực tế
Trong phần giao lưu, một học sinh đặt câu hỏi về các công cụ hỗ trợ hiểu bản thân như MBTI, sinh trắc vân tay, thần số học... Các diễn giả đều nhất trí rằng những công cụ này có thể hữu ích nhưng chỉ mang tính tham khảo. Trải nghiệm thực tế vẫn là con đường quan trọng nhất.

Các bạn học sinh say sưa trải nghiệm cuốn sách Thấu hiểu bản thân, làm chủ tương lai.
Bà Lê Lan Anh khuyên học sinh nên chọn những công cụ được phát triển từ nền tảng khoa học uy tín, chẳng hạn như các bài trắc nghiệm nghề nghiệp trên các website chính phủ Úc, Mỹ, Anh. “Công cụ giúp soi chiếu, gợi ý các từ khóa về tính cách và thế mạnh. Nhưng điều không thể thay thế là sự va chạm, hành động và quan sát chính mình.”
Thầy Đạt cũng đưa ra lời khuyên cụ thể: hãy trò chuyện với người đang làm công việc bạn quan tâm, hãy hình dung mình sẽ là ai trong 5–10 năm nữa, sẽ làm gì, ở đâu và ra sao. “Nếu bạn không thể hình dung bản thân trong ngành đó sau 10 năm, rất có thể bạn đang chọn theo phong trào”. Thầy cũng nhấn mạnh ba nhóm năng lực cốt lõi không thể thay thế bởi trí tuệ nhân tạo trong tương lai là: giải quyết vấn đề, giao tiếp/ đàm phán/ thuyết trình và tự học/ tự cập nhật.
Chương trình kết thúc bằng hoạt động ký tặng sách Thấu hiểu bản thân, làm chủ tương lai. Cuốn sách không chỉ là món quà tinh thần mà còn là kim chỉ nam đồng hành cùng các bạn học sinh trong hành trình khám phá chính mình.


Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh và diễn giả Nguyễn Mến kí tặng sách cho các bạn học sinh.
Tọa đàm không chỉ truyền cảm hứng mà còn cung cấp những góc nhìn cụ thể, thiết thực để mỗi học sinh hiểu rằng: Làm chủ tương lai bắt đầu từ việc hiểu chính mình – một hành trình cá nhân nhưng đầy ý nghĩa và rất đáng để bắt đầu từ hôm nay.