Lắm chuyện quanh hợp đồng giả cách
Cách tốt nhất vẫn là người dân tự bảo vệ mình tránh rơi vào tình trạng hợp đồng giả cách. Khi phải đặt bút ký hợp đồng gì tương tự, người dân cần tìm hiểu và nhờ người hiểu biết hơn về pháp luật trước khi ký.
Lắm chuyện quanh hợp đồng giả cá
Vay 1, thế 100
Mùa bóng đá Euro 2020 mới diễn ra từ những ngày đầu tháng 6/2021 nhưng mấy ngày qua, hệ lụy liên quan đến cá độ lén lút đã xảy ra, bất chấp dịch bệnh đang diễn biến khó lường. Một trong những biểu hiện thấy rõ nhất là có nhiều người đã đi tiệm cầm đồ cầm tất cả những gì có thể như xe máy, trang sức… cho đến giấy tờ nhà cửa, đất đai. Năm nay, với sự kiện của ao ước bao người diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh dai dẳng nên những ai có máu cá cược mà không kiềm chế nổi bản thân thì thời điểm này thật sự là ngõ cụt của gia đình họ.
Chuyện gia đình chị S. ở Hàm Thắng, Hàm Thuận Bắc là một ví dụ. Chị S. kể, gia đình có 1 ha trồng thanh long nhưng mấy vụ rồi, thu không đủ chi. Đó cũng là tình cảnh chung của nhà vườn thanh long trong lúc dịch bệnh nhưng điều chị khổ tâm nhất là chồng vừa bàn lấy sổ đỏ đi cầm cố, vì đang nợ nần chồng chất chỗ này, chỗ kia. Điều chị thấy lạ là nơi cho vay tiền đến tận nhà, lập hợp đồng, chứ không phải giữ sổ đỏ rồi ghi vài chữ qua loa bắt ký nhận như trước đây. Hợp đồng ấy được lập rất bài bản với nội dung là nhà chị chuyển nhượng cho bên kia diện tích đất trong sổ đỏ. Chị không đồng ý, vì đây chỉ là vay tiền nóng với số tiền 100 triệu đồng và 3 tháng tới thanh long bán được giá thì sẽ trả. Nhưng họ cho rằng, nếu thanh long bị mất giá như mấy vụ trước thì sao, rồi nghi ngờ vợ chồng chị có thể xù nợ nên để muốn có tiền liền trả nợ thì ký vào hợp đồng rồi ra công chứng ngay. Khi có tiền trả thì họ sẽ hủy hợp đồng này ngay. Ở trong thế “tiến thoái lưỡng nan”, chị đành đặt bút ký mà lòng lo lắng không yên.
Theo phân tích của luật sư, hợp đồng chuyển nhượng đất mà chị S. phải ký thuộc một trường hợp của hợp đồng giả cách, đã ghi nhận trong Bộ luật Dân sự 2015. Hợp đồng giả cách có thể hiểu đơn giản là hợp đồng mà các bên thực hiện nhằm che giấu đi một hợp đồng khác. Ở đây là hợp đồng vay tiền. Bên cho vay tiền thường nhắm đến những người đang cần gấp một số tiền nhất định, lại không am hiểu về pháp lý thì cho vay với điều kiện phải đảm bảo khoản vay bằng các tài sản có giá trị lớn như QSDĐ và tài sản gắn liền với đất. Sau đó sẽ đến cơ quan công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng để hợp thức hóa hợp đồng cho vay. Nếu người vay tiền vi phạm thỏa thuận về thời gian trả lãi, trả nợ gốc thì mặc định tài sản này được chuyển dịch sang tên người cho vay, dù thực tế số tiền vay chỉ là một phần nhỏ trong tài sản lớn.
Đủ chiêu giả cách
Trong thời gian này, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh đang lập chuyên án điều tra đấu tranh với nhóm đối tượng chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh cũng theo cách thức trên. Đó là lợi dụng người dân cần tiền gấp thì cho vay tiền với yêu cầu phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và làm các thủ tục ủy quyền. Sau đó, vì không có tiền trả đúng hẹn, chúng làm thủ tục sang nhượng lại cho người khác… Điều đáng nói, ngành chức năng phải đăng thông báo tìm người bị hại của nhóm đối tượng trên. Có nghĩa, lâu nay những hộ dân lập hợp đồng giả cách như chị S. đã bị mất tài sản nhưng không biết đường nào để tìm cách lấy lại tài sản. Lý do thấy rõ các hợp đồng đều qua công chứng hợp pháp và đều có chữ vay của người ký nên người đi vay không biết lập luận cũng như không có bằng chứng để chứng minh sự thật. Thêm nữa, cũng có một số trường hợp đi đòi lại quyền lợi nhưng quá trình kiện tụng kéo dài gây tốn kém, số tiền lãi ngày một nhiều…
Vì vậy, thời gian qua, có nhiều người dân bị mất đất qua tay người khác một cách hợp pháp, chỉ vì đi vay tiền nóng. Và hợp đồng giả cách này, theo nhiều người rành luật thì kẻ cho vay nóng còn bày ra rất nhiều chiêu trò. Hợp đồng chuyển nhượng giả cách của chị S. là cách thông dụng nhất. Cách phức tạp tinh vi hơn là sau khi người đi vay sang tên căn nhà cho người cho vay nóng xong. Bên cho vay tiếp tục lập 1 hợp đồng khác với người đi vay thuê lại chính căn nhà của họ rồi họ phải trả tiền thuê trọ từng tháng, nhưng thực chất là trả nợ. Tình huống nữa là 2 bên làm 2 hợp đồng gồm hợp đồng vay tiền và hợp đồng chuyển nhượng nhà đất. Khi chủ nợ đã được sang tên, ra sổ thì sẽ ký hợp đồng cho bên vay thuê nhà rồi hủy hợp đồng vay tiền để xóa dấu vết… Vì vậy, khi mọi chuyện đưa ra tòa, có trường hợp tòa phát hiện ra hợp đồng giả cách thì tuyên bố vô hiệu hóa hợp đồng này và vẫn thực hiện tiếp tục hợp đồng thực sự là cho vay nóng, sẽ đem lại quyền lợi cho người đi vay. Còn có trường hợp không đủ bằng chứng chứng minh đó là hợp đồng giả cách thì bị mất tài sản oan uổng. Do đó, cách tốt nhất vẫn là người dân tự bảo vệ mình tránh rơi vào tình trạng hợp đồng giả cách. Khi phải đặt bút ký hợp đồng gì tương tự, người dân cần tìm hiểu và nhờ người hiểu biết hơn về pháp luật trước khi ký.
Bích Nghị