Làm để dân tin
Thực tiễn cho thấy Đảng ta đã và đang hành động rất quyết liệt trước thách thức của tiêu cực, tham nhũng và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất coi trọng và quan tâm xây dựng nhà nước hợp pháp, hợp hiến, hợp lòng dân.
Phát triển các giá trị cốt lõi
Sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập và ra mắt Chính phủ lâm thời trước quốc dân (ngày 2-9-1945), tại phiên họp đầu tiên ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra 6 vấn đề cấp bách. Trong đó, Người nêu nhiệm vụ phải có một Hiến pháp dân chủ và tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, làm cho nhà nước ta trở thành nhà nước dân chủ, hợp hiến.
Từ đó, Sắc lệnh số 14-SL (ngày 8-9-1945) ra đời, quy định sẽ tổ chức cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội.
Không lâu sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 63-SL (ngày 23-11-1945) về tổ chức chính quyền địa phương, quy định HĐND do dân bầu ra theo lối phổ thông và trực tiếp đầu phiếu, là cơ quan thay mặt cho dân; ủy ban hành chính do các HĐND bầu ra là cơ quan hành chính vừa thay mặt cho dân vừa đại diện cho Chính phủ.
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên được tiến hành ngày 6-1-1946 đã bầu ra Quốc hội khóa I. Chính quyền các cấp ở địa phương cũng được củng cố. Đây là nền tảng chính trị quan trọng bảo đảm cho tính chất nhà nước dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh: ‘’Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ’’ và "Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân".
Trải qua 92 năm đồng hành với dân tộc, 77 năm lịch sử lập hiến, lập pháp cho đến nay, trong bất kỳ giai đoạn nào của cách mạng, các giá trị cốt lõi về nhà nước công bộc của dân luôn được Đảng ta khẳng định, kế thừa và phát triển.
Một là, Đảng ta luôn coi nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Nền tảng tư tưởng của Đảng là "Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác".
Hiện nay, nhiều người trong số cán bộ, công chức, viên chức nhà nước là đảng viên, nắm giữ những trọng trách khác nhau trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị. Đảng yêu cầu cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn ý thức đầy đủ về trách nhiệm, "đúng vai, thuộc bài", thật sự chuyên nghiệp, làm tốt nhiệm vụ được giao, phải gắn bó mật thiết với nhân dân và phải được nhân dân tín nhiệm.
Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã đánh giá, kết luận: Nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên điển hình, một lòng một dạ phục vụ Nhân dân, được dân tin yêu. Tuy vậy, một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật.
Chỉ đạo nhiều vấn đề tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc (ngày 9-12-2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng sâu rộng hơn về nội dung và phạm vi, không chỉ đối với đảng viên và các cấp ủy, tổ chức Đảng mà còn cả đối với cán bộ, công chức, viên chức, các cấp chính quyền, các cơ quan trong toàn hệ thống chính trị. Nhất là ở các cơ quan thực thi pháp luật, những người có chức, có quyền, những nơi có nhiều đặc quyền, đặc lợi, kể cả các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Điều này cho thấy quyết tâm chính trị cao của Đảng là phải xây dựng cho được đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó máu thịt với nhân dân, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Hai là, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng... là một trong ba đột phá chiến lược của Đảng để phát triển đất nước, chuyển hóa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.
Chính vì vậy, cùng với các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; về những điều đảng viên không được làm; về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, ngay sau khi có Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị (ngày 14-10-2021) về "Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV", Đảng đoàn Quốc hội đã nhanh chóng hoàn thiện, tổ chức triển khai thực hiện Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Ba là, bảo đảm kiểm soát thực hiện quyền lực do nhân dân "ủy thác", giao cho Nhà nước.
Hành động rất quyết liệt
Để quyền lực nhân dân không bị tha hóa, dân trao quyền mà không mất quyền, các cơ quan nhà nước được giao quyền mà không tiếm quyền của dân, chủ trương nhất quán của Đảng là kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm, "không có vùng cấm", không có ngoại lệ.
Thực tiễn cho thấy Đảng ta đã và đang hành động rất quyết liệt trước thách thức của tiêu cực, tham nhũng, quan liêu có thể làm suy yếu Đảng, đe dọa sự thịnh suy của quốc gia, sự tồn vong của Đảng và chế độ; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.
Minh chứng rõ nhất là trong gần 10 năm nay, với những quyết sách quyết liệt, Tổng Bí thư và Đảng ta đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà thành một phong trào, một xu thế liên tục, không ngừng nghỉ ở tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực. Nhiều đại án kinh tế, tham nhũng được điều tra, xét xử; thi hành kỷ luật hàng ngàn cấp ủy viên và đảng viên sai phạm, trong đó có 142 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, sĩ quan cấp tướng).
Điều đó cho thấy quyết tâm của Đảng làm để dân tin và vì tin dân nên mới làm; góp phần hun đúc, củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân đối với Đảng và chế độ ta.
Đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm
Tại Hội nghị Toàn quốc triển khai Kết luận 19-KL/TW tổ chức ngày 3-11-2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Thể chế và hiệu lực của thể chế, chính sách quyết định phát triển hay kìm hãm sự phát triển của đất nước. Trong đó, thể chế phụ thuộc lớn vào chất lượng của hệ thống pháp luật.
Do đó, công tác lập pháp phải liêm chính, luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách. Phải chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để xảy ra việc lồng ghép "lợi ích nhóm", "lợi ích cục bộ" trong văn bản pháp luật. Quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/lam-de-dan-tin-20220123183756184.htm