Làm đẹp cuối năm, nhiều người mất Tết vì biến chứng
Những ngày qua, liên tiếp các ca biến chứng phải nhập viện điều trị sau khi chị em làm đẹp cuối năm. Người bị mù mắt, người đang hôn mê, thậm chí tiên lượng rất nặng, chưa thể nói trước được điều gì.
Mù mắt, hôn mê khi làm đẹp đón Tết
Ngày 19/1, đại diện Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) xác nhận nơi đây đã tiếp nhận một phụ nữ nguy kịch, liên quan đến tai biến thẩm mỹ. Nạn nhân là chị T.N (40 tuổi, Đồng Nai).
Khai thác bệnh sử ghi nhận ngày 13/1, chị N. đến một thẩm mỹ viện trên đường 3/2, quận 10, TP.HCM để tiêm meso căng bóng da.
Trước khi tiêm cho chị N., nhân viên cơ sở thẩm mỹ tiến hành ủ tê da bằng Lidocain 15,6%. Người phụ nữ bất ngờ chóng mặt, nôn ói, gồng cứng người. Cơ sở xử trí bằng 1 ống adrenaline rồi liên hệ Trung tâm Cấp cứu 115. Sau đó, chị N. được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM).
Tại bệnh viện, chị N. lơ mơ, huyết áp thấp, có dấu hiệu suy hô hấp, phản vệ nặng, nghĩ đến ngộ độc chất Lidocain dùng để ủ tê da. Bệnh nhân được đặt nội khí quản, dùng thuốc xử trí phản vệ và ngộ độc Lidocain, tiến hành hồi sức lọc máu liên tục.
Sau gần 1 tuần điều trị, bệnh nhân có thể mở mắt, vẫn thở máy, lọc máu, sinh hiệu và huyết động chưa ổn định, tiên lượng nặng. Phía bệnh viện cho biết “chưa thể nói trước điều gì”.
Trong khi đó, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đang điều trị cho một cô gái trẻ 17 tuổi mất thị lực sau khi tiêm filler. Bệnh nhân được chuyển từ Đồng Nai lên TP.HCM cấp cứu vào ngày 9/1 trong tình trạng mắt trái sụp mi, sưng bầm mắt, vùng mi trên và góc trong mũi sưng bầm, xuất huyết kết mạc, mù mắt trái.
Theo nạn nhân, cô đến một spa theo lịch hẹn, dự định tiêm filler vào môi và cằm, nhân viên tư vấn tiêm thêm vào mũi. Khi tiêm vào mũi, cô bị buồn nôn, chóng mặt, một lúc sau không nhìn thấy đường. Nhân viên spa nói khách hàng bị tụt huyết áp, cho nghỉ ngơi, uống thuốc nhưng không giảm. Sau đó, cô gái được gia đình đưa đi cấp cứu.
Công an địa phương xác định spa này chỉ được cấp phép hoạt động hộ kinh doanh với ngành nghề cắt tóc, gội đầu. Nhân viên thực hiện tiêm filler cho khách hàng không có chứng chỉ, giấy phép hành nghề, loại dung dịch được tiêm chưa rõ nguồn gốc.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Xuân Thảo, Khoa Mắt, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đây không phải ca mù mắt do tiêm filler duy nhất mà bệnh viện tiếp nhận.
Tại Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, các bác sĩ kịp thời cứu một cô gái bị biến chứng sau khi người nhà tự mua filler về tiêm nâng mũi. Sau tiêm, bệnh nhân bị sụp mi, nhìn mờ, xuất huyết dưới da, hoại tử vùng mũi. Sau thời gian điều trị, các bác sĩ đã phục hồi được thị lực cho cô gái. Tuy nhiên, nhiều trường hợp biến chứng khác nhập viện muộn, không thể lấy lại thị lực.
Ngày nào cũng có ca tai biến
Chị Trần Thục (45 tuổi, Đồng Nai) chia sẻ từng nhiều lần muốn tiêm filler vì khuôn mặt chị không đầy đặn, bị hóp hai bên má. Những ngày gần Tết, chị lại càng thêm quyết tâm làm đẹp để đón xuân. Tuy nhiên, chỉ 30 phút lên Facebook tìm hiểu và lựa chọn nơi thực hiện, chị Thục cảm thấy "choáng váng".
"Gõ chữ tiêm filler là hiện ra quảng cáo của hàng trăm cơ sở, đủ mọi giá tiền, rất nhiều khuyến mãi, tiêm từ mũi đến cằm, má, ngực. Thực sự là khó lựa chọn.
Một phần nữa là tôi sợ biến chứng, không đẹp thì buồn ít nhưng mù mắt hay hoại tử thì kinh khủng lắm. Chồng tôi khuyên đến bệnh viện làm là an toàn nhất nhưng dịch vụ không tốt như các cơ sở bên ngoài. Phụ nữ mà, ai cũng mong đẹp hơn nhưng cũng rất ... sợ chết", chị Thục nói.
Trong khi đó, chị Trần Thị An (27 tuổi, TP.HCM) dự tính sẽ nâng ngực nhưng lại sợ dao kéo. Qua nhiều tư vấn trên các trang Facebook, chị quyết định sẽ tiêm filler để không phải đại phẫu và nhanh gọn.
"Tôi rất sợ vào bệnh viện và gây mê để đặt túi ngực nên định tiêm filler chỗ người quen. Mấy hôm nay, đọc báo thấy biến chứng thẩm mỹ liên tục, tôi hoãn luôn ý định này", chị An tâm sự. Cô gái này nói thêm, chị không hề biết việc tiêm filler phải do bác sĩ thực hiện vì bạn bè chị vẫn tiêm ở các spa rất "nhanh và đơn giản".
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Phan Thúy, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, thời điểm cận Tết, ngày nào bệnh viện này cũng tiếp nhận bệnh nhân bị tai biến thẩm mỹ, da liễu.
Trong 10 ngày gần đây, đơn vị tiếp nhận đến 25 trường hợp gặp sự cố sau khi đi làm đẹp, tăng cao so với trước đó. Các tai biến phần lớn liên quan đến các thủ thuật tiêm chích như tiêm chất làm đầy, tiêm vi điểm, tiêm botox...
Bác sĩ Thúy cho biết tai biến rất đa dạng và nhiều mức độ: bệnh nhân có thể bị viêm da tiếp xúc, viêm mô tế bào, nhiễm trùng da nặng, mù mắt, tàn phế vĩnh viễn, thậm chí tử vong.
Một thống kê tại bệnh viện này cho thấy gần 78% các ca tai biến thẩm mỹ do người thực hiện không phải là bác sĩ, hơn 15% người bệnh không biết người thực hiện có phải bác sĩ hay không, khoảng 6% các ca tai biến do bác sĩ gây ra. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân khác như thiết bị bị lỗi, sản phẩm sử dụng kém chất lượng, chưa qua kiểm định cấp phép…
Bác sĩ Thúy nhận định các tai biến làm đẹp dịp cận Tết ngày càng nhiều, việc xử trí điều trị luôn có nhiều thách thức. Do đó, điều quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa. "Mỗi người dân cần biết nhận thức, tỉnh táo đến cơ sở làm đẹp có chuyên môn, cũng như tìm hiểu kỹ để tránh tiền mất, tật mang", bác sĩ Thúy nói.
Cũng theo các bác sĩ, cuối năm là thời điểm nhu cầu làm đẹp tăng, người dân thường ưu tiên chọn thẩm mỹ nội khoa như tiêm botox, filler, meso... do hiệu quả ngay và thời gian phục hồi nhanh. Nhiều cơ sở thẩm mỹ nắm bắt nhu cầu trên và tung chương trình khuyến mại, cam kết "không đau, không sưng, an toàn tuyệt đối" trên Facebook.
"Bác sĩ lâu năm cũng không dám nói với bệnh nhân sẽ tuyệt đối an toàn 100% vì nguy cơ tai biến luôn rình rập với bất kỳ thủ thuật, phẫu thuật nào, ngay cả khi gây tê. Còn những người không học hành ngày nào, khoác áo trắng cầm kim tiêm, không chuyên môn thì tự tin tuyên bố. Khách hàng tin vào lời hoa mỹ. Hậu quả là tai biến, biến chứng ngày càng nhiều", một bác sĩ thẩm mỹ tại TP.HCM tâm sự.