Làm đẹp đón Tết: Coi chừng nhiễm bệnh khi phun xăm thẩm mỹ

Trào lưu phun xăm thẩm mỹ rất phổ biến không chỉ ở giới trẻ mà những người lớn tuổi. Điều đáng lo ngại rằng, những dụng cụ để phun xăm sẽ dễ lây truyền các bệnh nguy hiểm như: viêm gan B,C HIV/AIDS, Herpes nếu không được vệ sinh đúng cách. Các bác sĩ da liễu cho biết, vào dịp cuối năm số ca nhập viện vì biến chứng tiêm môi, xăm môi làm đẹp gia tăng, do thực hiện tại những cơ sở làm đẹp không an toàn...

Gặp nhiều biến chứng, nguy hiểm tới tính mạng

Theo ThS.BS. Nguyễn Thị Hiền - Chuyên gia da liễu, 2 “bộ phận” được chị em phun xăm nhiều nhất là môi và lông mày. Phun, xăm thực chất là biện pháp dùng kim loại đưa một lượng chất tạo màu vào sâu dưới lớp thượng bì của da. Hiện nay có 2 cách thức thực hiện là xăm bằng tay hoặc phun bằng máy. Phun xăm có thể thực hiện bằng bút thủ công hoặc bằng máy. Môi sẽ trở nên đẹp sau khi xăm 3 ngày, bong lớp màu sau 7 ngày để cho màu tự nhiên. Tuy nhiên, do dùng các mũi kim nhỏ đâm xuyên trực tiếp vào da nên phun, xăm môi, lông mày vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe.Nếu thực hiện tại các cơ sở thẩm mỹ thiếu chuyên môn, nghiệp vụ có thể dễ gặp các biến chứng sau:

Nhiễm trùng tại chỗ xăm, gây sưng, tấy đỏ, chảy máu, nổi mụn, tụ mủ hoặc xăm hỏng, lệch, gây sẹo vĩnh viễn... Nguy cơ thứ 2 cũng khá thường gặp là chất lượng mực xăm không rõ nguồn gốc có thể gây viêm da tiếp xúc, đặc biệt là với những người có cơ địa nhạy cảm.

Mắc các bệnh truyền nhiễm như: HIV, viêm gan B,C, Herpes... khi xăm phải dùng dụng cụ nhọn xuyên qua da và đưa các chất màu vào sâu trong da. Rủi ro hay gặp nhất là nhiễm trùng. Bệnh Herpes môi gây rất nhiều phiền toái cho người nhiễm. Herpes là đám vết phồng rộp nhỏ trên môi và xung quanh miệng do virus Herpes simplex (HSV) gây ra. Vùng da xung quanh chỗ phồng thường đỏ, sưng lên và đau nhức. Chỗ phỏng có thể vỡ, dịch trong chảy ra và sau đó đóng vảy rồi biến mất sau vài ngày tới 2 tuần. Sau khi bị nhiễm, virus sẽ tồn tại trong cơ thể và trở bệnh tái đi tái lại suốt quãng đời còn lại của người bị nhiễm.

Một biến chứng nữa là: sốc thuốc tiêm, phản ứng thuốc tê. Xăm là thủ thuật xâm lấn vào da nên gây đau, các cơ sở làm đẹp thường sử dụng thuốc gây tê để tránh đau cho bệnh nhân. Nếu phun xăm nông trên bề mặt có thể không gây tê (mà dùng bôi tê) nhưng thường nhanh mất màu, mất hình xăm do đó thường tiêm thuốc tê để xăm sâu giúp bền màu. Ngoài ra, một số thuốc hỗ trợ khác dùng sau xăm như: kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, chống phù nề... cũng có thể gây ra các tai biến phản vệ cho người bệnh.

Rất nhiều các cửa hàng cắt tóc, gội đầu không có giấy phép hành nghề cũng thực hiện phun, xăm thẩm mỹ.

Rất nhiều các cửa hàng cắt tóc, gội đầu không có giấy phép hành nghề cũng thực hiện phun, xăm thẩm mỹ.

Người làm nghề phun xăm phải có giấy phép chứng chỉ hành nghề

Theo ThS.BS. Nguyễn Thị Hiền, nhu cầu làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mọi người. Trước khi phun xăm, chị em nên lựa chọn cơ sở làm đẹp có điều kiện vệ sinh an toàn, đúng cách trong phun xăm, dựa trên các tiêu chí như: Các kỹ thuật viên phải được đeo bao tay tiệt trùng, đeo khẩu trang để tránh lây bệnh truyền bệnh cho khách hàng. Tất cả các dụng cụ liên quan như chum đựng mực, kim, xuyên kim, bông gòn, đồ lót khay, thuốc tê, máy móc, dao lam phải được hấp sạch và tiệt trùng trước khi làm, không chỉ kim mới mà tất cả dụng cụ liên quan đều phải mới, tiệt trùng và riêng biệt.

Cơ sở làm đẹp phải có đăng ký dịch vụ liên quan đến hoạt động phun, xăm, thêu trên da; Nhân sự làm việc ở các cơ sở này ngoài chứng nhận, chứng chỉ hành nghề phun, xăm, thêu trên da, còn phải có giấy chứng nhận đã được tập huấn về phòng, chống lây nhiễm các bệnh qua đường máu, dịch sinh học. Người làm nghề phun xăm phải được tập huấn và có giấy phép chứng chỉ hành nghề của Sở Lao động Thương binh và Xã hội cấp cho ngành phun xăm thẩm mỹ.

Thanh Loan

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lam-dep-don-tet-coi-chung-nhiem-benh-khi-phun-xam-tham-my-n185151.html