Làm đẹp nơi yên nghỉ của liệt sĩ

Hàng năm, người dân và học sinh ở tỉnh Quảng Trị luôn bày tỏ niềm tri ân liệt sĩ bằng tấm lòng thành kính...

Học sinh Trường TH&THCS Phường 4 (TP Đông Hà) chăm sóc khu mộ các liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường TH&THCS Phường 4 (TP Đông Hà) chăm sóc khu mộ các liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Ảnh: NTCC

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, hàng năm, vào các dịp lễ, Tết và kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Ngày Thương binh – Liệt sĩ... người dân và học sinh ở tỉnh Quảng Trị luôn bày tỏ niềm tri ân liệt sĩ bằng tấm lòng thành kính.

Công việc ý nghĩa

Tỉnh Quảng Trị có tất cả 72 nghĩa trang lớn nhỏ, với hơn 65.000 phần mộ liệt sĩ. Trong đó, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 có hàng nghìn phần mộ của các anh hùng, liệt sĩ luôn ngăn nắp, sạch sẽ và được sưởi ấm bởi sự chăm sóc chu đáo của các thế hệ học sinh Trường TH&THCS Phường 4 (TP Đông Hà). Đây cũng là công việc ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm của tuổi trẻ nhà trường đối với thế hệ cha anh dâng hiến cả tuổi xuân cho non sông.

Dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 năm nay, giáo viên, đoàn viên, thanh niên của nhà trường cũng lên kế hoạch sớm để cùng đoàn thanh niên các đơn vị, địa phương tiếp tục công việc ý nghĩa này. Cô giáo Phạm Thị Hà My, Bí thư Đoàn Trường TH&THCS Phường 4 cho biết, nhiều năm đảm nhận phần việc chăm sóc khu mộ của các liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Đoàn thanh niên nhà trường luôn tận tâm, trách nhiệm.

Trước đó, hưởng ứng Tháng Thanh niên, Chi đoàn giáo viên và đội viên Liên đội Trường TH&THCS Phường 4 đã đến chăm sóc các phần mộ đồng thời, tham gia Lễ tri ân các Anh hùng liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch giải phóng Đông Hà. Nhất là, dịp tháng 7, Đoàn trường cùng Đoàn Thanh niên Phường 4 tổ chức dâng hương, lao động vệ sinh tại nghĩa trang.

“Những hoạt động này không chỉ nối tiếp truyền thống cao đẹp, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” quý báu của dân tộc ta, mà còn thể hiện trách nhiệm, tình cảm thiêng liêng, sự tri ân của thế hệ trẻ hôm nay đối với thế hệ cha anh đi trước. Qua đó, góp phần cùng toàn xã hội chăm sóc, đền đáp công ơn những người có công với cách mạng; giáo dục thế hệ trẻ biết sống nhân ái, biết trân trọng những giá trị truyền thống, thêm yêu quê hương, đất nước”, cô giáo Hà My chia sẻ.

Thầy giáo Phùng Tuấn Lâm, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Phường 4 cho biết, vào các dịp lễ, Tết; ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Ngày Thương binh – Liệt sĩ… nhà trường đều tổ chức dâng hương viếng, chăm sóc phần mộ liệt sĩ nhằm giáo dục truyền thống cho học sinh, giáo viên. Bên cạnh đó, vào các dịp kết nạp đội viên, lễ trưởng thành cho học sinh lớp 9... nhà trường cũng tổ chức tại những “địa chỉ đỏ” nói trên.

“Việc làm ý nghĩa này nhằm giáo dục các em học sinh biết về thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của đất nước từ đó nâng cao ý thức, nhận thức để thế hệ trẻ cố gắng trong học tập và rèn luyện, thầy Lâm nhấn mạnh.

 Trường THCS - THPT Bến Quan (Vĩnh Linh) tổ chức dâng hương, lao động vệ sinh tại các bia tưởng niệm, nghĩa trang. Ảnh: NTCC

Trường THCS - THPT Bến Quan (Vĩnh Linh) tổ chức dâng hương, lao động vệ sinh tại các bia tưởng niệm, nghĩa trang. Ảnh: NTCC

Tấm lòng của học sinh miền “đất thiêng”

Theo thầy giáo Nguyễn Tiến Khoa, Bí thư Đoàn Trường THCS&THPT Cồn Tiên (Gio Linh) nhiều năm nay nhà trường đảm nhận việc chăm sóc tại Khu tưởng niệm các liệt sĩ ngành GD&ĐT ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.

Do đó, nhà trường thường xuyên tổ chức cho cán bộ, giáo viên, học sinh đến dâng hương và làm vệ sinh vào các dịp lễ, Tết. “Dịp tháng 7, nhà trường cũng tổ chức cho học sinh đến dâng hương tại đây. Hoạt động này giúp các em bày tỏ lòng biết ơn trước các cán bộ, giáo viên đã chiến đấu và ngã xuống trên mảnh đất này”, thầy Khoa nói.

Với Trường THCS-THPT Bến Quan (Vĩnh Linh), cô Thái Thị Phương Nga, Bí thư Đoàn trường cho biết, dịp 27/7 hàng năm, theo kế hoạch của Huyện đoàn Vĩnh Linh, đoàn viên thanh niên nhà trường đều tham gia các hoạt động hướng đến tri ân các liệt sĩ như dâng hương, lao động vệ sinh tại các di tích, bia tưởng niệm, nghĩa trang trên địa bàn. Đây cũng là những địa chỉ được lựa chọn để tổ chức lễ kết nạp đoàn viên và các hoạt động ngoại khóa cho học sinh.

“Những hoạt động này đều đưa học sinh đến thực tế, được nhìn thấy hình ảnh chân thực để khơi dậy lòng tri ân đối với các anh hùng, liệt sĩ. Hơn nữa, những chuyến đi này sẽ tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ của học sinh, giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, bồi dưỡng lý tưởng sống cao đẹp”, cô Nga cho hay.

Còn đối với học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Đông Hà), ngoài việc tham gia các hoạt động dâng hương tri ân các anh hùng, liệt sĩ, lao động vệ sinh tại nghĩa trang, tuổi trẻ nhà trường cũng thể hiện tình cảm của mình thông qua việc thăm hỏi, tặng quà, động viên những gia đình có công với cách mạng, thương binh, liệt sĩ.

Cô giáo Nguyễn Thị Tâm, Bí thư Đoàn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết: “Đây là hoạt động thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của tuổi trẻ đối với thế hệ cha anh đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cũng là dịp để thế hệ trẻ ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương, đất nước”.

Trong chặng đường lịch sử 2 cuộc kháng chiến, ngành Giáo dục có nhiều thầy cô, học sinh, sinh viên tham gia chiến đấu. Không ít trong số đó đã anh dũng hy sinh... Để tri ân những người đã ngã xuống, từ năm 2007, Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Công đoàn Giáo dục Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Trị xây dựng Khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ ngành Giáo dục tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.

Năm 2020, Bộ GD&ĐT phát động đợt quyên góp ủng hộ kinh phí để tôn tạo, nâng cấp Khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ ngành Giáo dục. Tháng 7/2022 công trình được khởi công và sau một năm thì khánh thành khang trang.

Đăng Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lam-dep-noi-yen-nghi-cua-liet-si-post692583.html