Lâm Đồng: 2 người chết do lũ quét, mực nước các sông tiếp tục dâng cao
Đến 16 chiều nay (4/11), tỉnh Lâm Đồng đã có 2 người chết, hàng chục nhà ở bị sập và tốc mái do bão số 12 gây ra.
Thời tiết trên địa bàn vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, mực nước tại các sông, suối vẫn đang tiếp tục dâng cao, khả năng trong đêm nay sẽ xảy ra lũ quét và ngập úng cục bộ tại một số khu vực.
Mưa và gió mạnh đã khiến ít nhất hơn 60 nhà ở của người dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bị sập và tốc mái, hàng chục cây xanh cổ thụ bị bật gốc và ngã đổ. Trong đó, bị thiệt hại nặng nề nhất là huyện Lạc Dương, với hơn 40 nhà ở thuộc các xã Đạ Sar, Đa Nhim và Đạ Chais bị tốc mái và đổ sập. Mưa lớn cũng gây lũ quét cục bộ tại xã Đạ Chais, khiến 2 người bị chết do lũ cuốn trôi.
Trước đó, để đảm bảo an toàn cho học sinh, ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng đã sớm ra thông báo nghỉ học. Các tuyến xe chạy trên Quốc lộ 27C, đường nối liền thành phố Đà Lạt và Nha Trang cũng được khuyến cáo tạm ngưng hoạt động để tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra.
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, do các thủy điện trên địa bàn đã đồng loạt xả lũ nên mực nước tại các sông, suối ở phía hạ nguồn đang tiếp tục dâng cao, có thể gây ra lũ quét đột ngột tại các vùng hạ lưu, vùng trũng thấp nên ông tác phòng chống lụt bão vẫn đang được các địa phương trong tỉnh tích cực triển khai.
Tại huyện Cát Tiên, vùng trũng của tỉnh Lâm Đồng, tuy mực nước trên sông Đồng Nai hiện còn nằm trong ngưỡng an toàn nhưng đang không ngừng dâng cao.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Cát Tiên, tình hình này có khả năng trong đêm nay sẽ xảy ra lũ quét và gây ngập úng cục bộ tại một số khu vực trên địa bàn huyện. Do đó, địa phương đang tích cực triển khai các phương án phòng chống.
“Ban phòng chống lụt bão huyện là trực 24/24, Ban phòng chống thiên tai của các xã cũng trực 24/24 cho đến khi hết hẳn bão, đồng thời thường xuyên đi kiểm tra để khi có chuyện gì xảy ra thì giúp người dân kịp thời. Ví dụ như khi cần thiết thì kịp thời giúp dân di dời tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Lực lượng nòng cốt ở đây chính là dân quân, du kích của các xã”, ông Phúc cho biết./.