Lâm Đồng chú trọng xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ thân thiện môi trường

Nắm bắt thị trường, xu hướng phát triển và tận dụng những lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, một số HTX trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang chú trọng ứng dụng công nghệ, sản xuất hữu cơ, đồng thời liên kết phát triển vùng nguyên liệu đi sâu vào chế biến sản phẩm, từ đó góp phần bảo vệ môi trường.

Lâm Ðồng là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, tạo đột phá trong sản xuất, thúc đẩy nông nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực. Trong thời gian tới, địa phương xác định tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi từ nền nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp hữu cơ. Đây là xu hướng tất yếu khi người tiêu dùng đang hướng tới các sản phẩm tiêu dùng sạch, dinh dưỡng tốt, mang lại lợi ích cho sức khỏe.

Sản xuất xanh cho sản phẩm sạch

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thông qua áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, vừa tiết kiệm thời gian, giảm chi phí nhân công và đầu tư, lại nâng cao rõ rệt hiệu quả kinh tế, đặc biệt là tung ra thị trường sản phẩm sạch, an toàn.

Lâm Đồng xác định tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi từ nền nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp hữu cơ.

Lâm Đồng xác định tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi từ nền nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp hữu cơ.

Đó là mục tiêu mà HTX trái cây Bốn Mùa ở xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà hương tới. HTX có 7 thành viên tham gia với 36,7 ha trồng cam đường canh, xoài, bưởi, bơ, sầu riêng.

Quy trình sản xuất được thực hiện đúng theo tiêu chuẩn hữu cơ. Anh Trần Mạnh Chiến - Giám đốc HTX cho biết, nông dân sử dụng phân hữu cơ được ủ từ phân bò, heo, xác thực vật để bón cho cây ăn trái của gia đình, đồng thời dùng bẫy sinh học, bẫy vật lý để phòng trừ sâu bệnh.

Trái cây của HTX được gắn tem truy xuất nguồn gốc và trên mỗi sản phẩm đều thể hiện rất rõ đặc trưng của loại quả, nơi sản xuất, trên trang web có hình ảnh, nơi sản xuất, ngày sản xuất, video... Sản xuất theo hướng hữu cơ là cơ hội cho trái cây của HTX khẳng định được chất lượng của mình trên thị trường và trong lòng người tiêu dùng.

Kể từ đây, trái cây của HTX đã có được thương hiệu, được đo lường chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng sức cạnh tranh với các loại trái cây khác trong nước cũng như nhập khẩu, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định.

Sản xuất rau theo hướng hữu cơ không dùng hóa chất nên không ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Ông Nông Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX Cao Nguyên Xanh, huyện Đức Trọng cho biết, HTX đã dành 5 sào đất để trồng rau hữu cơ, với các loại rau như cải thìa, cải rổ, xà lách.

Từ lúc triển khai mô hình này đến nay, HTX đã thu hoạch được 2 vụ. Ngoài nguồn nước tưới phải sạch, thì từ phân bón, giống đều sử dụng loại organic chuyên dùng cho rau hữu cơ.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, khi quyết định trồng thử nghiệm mô hình này, HTX cũng gặp rất nhiều khó khăn, trước tiên là vì sử dụng phân bón hữu cơ nên năng suất không cao. Rồi vì chưa có chứng chỉ nên người tiêu dùng khó phân biệt rau hữu cơ với các loại rau khác, thêm vào đó, chi phí để duy trì chứng chỉ sản phẩm hữu cơ cũng khá cao.

Mặc dù vậy, ông Tuấn khẳng định, HTX vẫn đang tìm hiểu quy trình sản xuất để tìm ra phương pháp canh tác hiệu quả nhất.

Vì một nền nông nghiệp sạch, an toàn

Ông Bùi Quang Tùng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng cho biết, thời gian qua, Liên minh HTX đã tích cực xây dựng chương trình hành động, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các HTX về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường nông thôn.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Đồng thời, chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền các biện pháp kiểm tra, nhằm bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất và tiêu dùng thực phẩm, khuyến khích các HTX phát hiện và kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, môi trường, xây dựng mô hình cộng đồng tự giám sát an toàn thực phẩm đối với cơ sở chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm nhỏ, lẻ….

Từ đó, nhiều vùng sản xuất chuyên canh với quy mô lớn được hình thành, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, bảo vệ môi trường được xây dựng.

“Để tiếp tục nâng cao chất lượng môi trường, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các HTX thực hiện nông nghiệp an toàn, bền vững, môi trường nông thôn xanh , sạch, đẹp. Vận động các HTX, thành viên HTX không sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, tích cực xây dựng các mô hình sản xuất hữu cơ thân thiện với môi trường”, ông Tùng thông tin.

Ông Hà Ngọc Chiến, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, những năm qua, việc lạm dụng phân bón hóa học đã làm đất bị thái hóa, chất lượng nông sản bị suy giảm. Nguồn nước vì thế cũng bị ô nhiễm và sự đa dạng sinh học ngày càng bị ảnh hưởng. Do vậy, cần thiết thực hiện nông nghiệp hữu cơ để hướng đến sản xuất lâu dài, ổn định "sức khỏe" cho đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Việc phát triển nông nghiệp hữu cơ và phát triển ứng dụng công nghệ cao như mô hình của HTX Cao Nguyên Xanh và HTX trái cây Bốn Mùa đang làm cũng là giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường. Hơn nữa, hiện nay, nhu cầu về sản phẩm sạch, an toàn đang được người tiêu dùng quan tâm, vì vậy, xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thân thiện mới môi trường đang được các HTX chú trọng đầu tư và phát triển.

Có thể nói, Lâm Đồng có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ, là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp Việt Nam cũng như trên thế giới, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe của con người cũng như đảm bảo sự bền vững cho môi trường.

Đoàn Huyền

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/lam-dong-chu-trong-xay-dung-mo-hinh-nong-nghiep-huu-co-than-thien-moi-truong-1082342.html