Lâm Đồng có 2 dự án đạt giải khuyến khích Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn
Trong 2 ngày 24 - 25/11, cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019 đã diễn ra vòng chung kết và trao giải tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh. Với chủ đề 'Phát triển tài nguyên bản địa bằng ứng dụng công nghệ', vòng chung kết có sự tham gia của 29 dự án của thanh niên đến từ 22 tỉnh, thành. Trong đó, Lâm Đồng có 3 đại diện, gồm dự án Sản xuất nước chấm lên men từ quả mắc mật của tác giả Hoàng Thị Bích Vân, dự án Trà Thanh An của nhóm tác giả Lê Nguyễn Ngọc Trân và dự án DalaHouse - Giải pháp bổ sung rau củ cho cả gia đình của tác giả Nguyễn Thị Huyền Trâm.
Đạt giải khuyến khích, Dự án Trà Thanh An của nhóm tác giả Lê Nguyễn Ngọc Trân xuất phát từ mong muốn tạo nên thức uống lành mạnh nhưng không gây mất ngủ như các loại trà khô có hàm lượng caffeine. Vốn là y sĩ chuyên ngành y học cổ truyền, Ngọc Trân đã phối hợp những vị thuốc có tính mát, thanh nhiệt, dưỡng tâm an thần để tạo nên một vị trà mới với tên gọi Trà Thanh An, với thành phần kết hợp các loại dược liệu đa dạng tạo ra vị ngọt, thanh mát, hương thơm nhẹ, dễ uống cho mọi đối tượng.
Cùng đạt giải khuyến khích là dự án DalaHouse - Giải pháp bổ sung rau củ cho cả gia đình của tác giả Nguyễn Thị Huyền Trâm, với sản phẩm bột rau củ quả sấy. Nông sản được trồng hữu cơ tại Đơn Dương và sấy khô trong 12 - 20 tiếng, làm bột rau củ sấy dùng để pha nước, bổ sung vitamin, chất xơ cho người dùng hoặc dùng tạo màu cho thức ăn. Từ đó, nâng cao giá trị cho nông sản Lâm Đồng; đồng thời, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.
Là một trong 3 đại diện của Lâm Đồng lọt vào vòng chung kết cuộc thi, dự án Sản xuất nước chấm lên men từ quả mắc mật được ra đời khi Hoàng Thị Bích Vân nhận thấy quả mắc mật – một loại gia vị quan trọng, không thể thiếu trong nhiều món ăn truyền thống của người dân tộc đồng bào Tây Bắc - được trồng ở Lâm Đồng. Vân đã tìm hiểu và nghiên cứu làm ra sản phẩm nước chấm lên men từ quả mắc mật, tạo nên một sản phẩm nước chấm mới với hương vị đặc biệt, hướng đến những khách hàng quan tâm đến các sản phẩm sạch, thuần tự nhiên.
Ngoài ra, các thí sinh đến từ các tỉnh, thành khác cũng mang đến vòng chung kết cuộc thi nhiều dự án với ý tưởng độc đáo như Dự án Xây dựng mô hình kinh doanh cây dược liệu đến từ tỉnh An Giang, Dự án Giải pháp mảng xanh IOT trong đô thị cao tầng gắn kết với chuỗi cung cầu nông nghiệp bền vững đến từ Bình Dương, hay Dự án Sản xuất dâu tây công nghệ cao và hoa hồng gắn liền với du lịch nông nghiệp đến từ Cao Bằng,...
Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019 được diễn ra từ tháng 5/2019 - 11/2019. Nội dung ý tưởng dự thi tập trung vào các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp, công nghiệp bảo quản, chế biến, làng nghề, thiết bị, dịch vụ nông nghiệp.
Kết quả, Ban tổ chức cuộc thi đã trao giải nhất cho Dự án Chế biến các loại bột rau ăn lá bằng phương pháp sấy lạnh và nghiền nhiệt thấp của nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Hương – Nguyễn Hồng Bắc đến từ TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao 2 giải nhì, 3 giải ba và 4 giải khuyến khích cho các dự án xuất sắc. Đặc biệt, các dự án đạt giải đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, với mức tối đa 1 tỉ đồng (giải nhất); 500 triệu đồng (giải nhì); 300 triệu đồng (giải ba); 200 triệu đồng (giải khuyến khích).
Ngoài ra, các dự án tham dự vòng chung kết toàn quốc sẽ được Ban tổ chức giới thiệu với cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ, tư vấn triển khai thực tế đối với các ý tưởng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
VIỆT QUỲNH
Nguồn ảnh: Ban tổ chức