Lâm Đồng: Hủy bỏ văn bản đưa Sân Golf Đồi Cù vào rừng phòng hộ ở Đà Lạt
Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng quyết định thu hồi một văn bản ban hành năm 2016 về việc đưa gần 30ha rừng do chủ đầu tư Sân Golf Đồi Cù tự trồng vào diện tích rừng phòng hộ nội đô Đà Lạt.
Ngày 12/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ra Văn bản số 5805/UBND-LN về việc thu hồi văn bản cũng của Ủy ban Nhân dân tỉnh này ban hành năm 2016 về việc đưa gần 30ha rừng do chủ đầu tư Sân Golf Đồi Cù tự trồng vào diện tích rừng phòng hộ nội đô Đà Lạt.
Theo Văn bản số 5805/UBND-LS do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S ký, Ủy ban Nhân dân tỉnh có ý kiến “Thu hồi, hủy bỏ Văn bản số 4134/UBND-LN ngày 20/7/2016 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc chuyển diện tích 29,59 ha rừng trồng thông năm 1993 trong Sân Golf Đà Lạt đã đạt tiêu chí thành rừng phòng hộ nội đô Đà Lạt, như đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Văn bản số 1504/SNN-KL ngày 2/7/2024.”
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng giao các sở, địa phương: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật hiện hành có trách nhiệm lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định.
Với văn bản số 5805/UBND-LN vừa ban hành, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã xác nhận diện tích toàn bộ Sân Golf Đà Lạt (thường gọi là Sân Golf Đồi Cù) tại Phường 1, thành phố Đà Lạt không còn là rừng phòng hộ, do đó sẽ không còn chịu sự điều chỉnh của Luật Bảo vệ và Phát triển Rừng đối với đối tượng rừng phòng hộ.
Trước đó ngày 2/7/2016, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Văn bản số 4134/UBND-LN về việc “Chuyển 29,59ha trồng thông năm 1993 trong sân Golf Đà Lạt đã đạt tiêu chí thành rừng vào mục đích rừng phòng hộ nội đô Đà Lạt; Giao trách nhiệm cho Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL quản lý diện tích rừng trên theo quy định.”
Văn bản này khẳng định “Công ty Cổ phần Hoàng Gia không phải thuê rừng do diện tích trên doanh nghiệp tự trồng.”
Ông Trần Quốc Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL, cho biết năm 1991, khi doanh nghiệp tiếp nhận diện tích 62,4ha (trong đó có 29,59ha đã đưa vào rừng phòng hộ trên), toàn bộ diện tích này chỉ có 79 cây thông mọc rải rác.
Năm 1993, công ty đã tổ chức cải tạo đất và trồng hàng nghìn cây thông ba lá trên diện tích đất được thuê này.
Đến năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức kiểm tra hiện trạng và có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh đưa một phần diện tích rừng thông này vào rừng phòng hộ nội đô Đà Lạt. Từ đó, phần diện tích này đã không còn là đất cơ sở thể dục thể thao và đất cơ sở sản xuất kinh doanh như khi doanh nghiệp bắt đầu tiếp quản để đầu tư vào năm 1991.
Vào tháng 12/2023, Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL đã xây dựng hai khối công trình trong Sân Golf Đồi Cù, trong đó chỉ có một khối công trình được cấp phép xây dựng tầng hầm.
Khối công trình thứ hai có một phần thuộc đất rừng phòng hộ trên, do đó, theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển Rừng, khối công trình này chưa được cơ quan chức năng cấp phép đầu tư xây dựng theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Từ tháng 1/2024 đến nay, công trình Câu lạc bộ Sân Golf Đà Lạt nằm trên Đồi Cù bên bờ hồ Xuân Hương tại thành phố Đà Lạt, do Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL làm chủ đầu tư liên tục bị nhắc đến với các sai phạm như xây dựng công trình không phép; xây dựng công trình quá phép; xây dựng công trình trên diện tích rừng phòng hộ.
Các sở, ngành và Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt liên tục ban hành các văn bản xử lý sai phạm của chủ đầu tư Sân golf Đà Lạt.
Ngày 20/5 vừa qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt đã có Thông báo số 360/TB-CCXD về việc thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm đối với chủ đầu tư của công trình này.
Đại diện Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL cho biết công ty đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người vi phạm.
Ngày 11/6/2024, Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL đã tổ chức buổi làm việc giữa Chủ đầu tư công trình cùng các nhà thầu và đại diện Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt để tổ chức tháo dỡ phần công trình xây dựng vi phạm.
Tại buổi làm việc này, ông Trần Quốc Hùng cho biết sẵn sàng chấp hành thực hiện tháo dỡ công trình theo thông báo của Ủy ban Nhân dân thành phố; đồng thời đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố cho gỡ niêm phong công trình để nhà thầu chính và các nhà thầu phụ kiểm tra hiện trạng, từ đó lập phương án tháo dỡ công trình./.