Lâm Đồng lại phát hiện vụ phá hơn 2 ha rừng, bắt 3 đối tượng
Ngày 13-9, ông Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cùng ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã xuống địa bàn vụ phá rừng tại lô a, khoảnh 4, TK 251 thuộc huyện Đam Rông để kiểm tra hiện trường vụ phá rừng và chỉ đạo công tác trên địa bàn.
Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các ban, ngành các biện pháp quyết liệt để giải quyết triệt để tình trạng phá rừng, tích cực truy bắt các đối tượng còn lại để xử lý nghiêm minh trước pháp luật nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Tình trạng phá rừng tại các tỉnh Tây Nguyên hiện đang là vấn đề gây nhức nhối, bức xúc với nhiều cấp, ngành và người dân địa phương; tỉnh Lâm Đồng cũng không ngoại lệ. Trong khi lãnh đạo chính quyền địa phương và các ngành chức năng nỗ lực ngăn chặn, triệt phá các vụ phá rừng thì dường như những kẻ phá rừng vẫn bất chấp mọi thủ đoạn, tìm mọi sơ hở ra tay tàn phá, hủy hoại môi trường rừng.
Trước đó, chiều 9-9, qua công tác tuần tra, kiểm soát, cơ quan chức năng phát hiện tại lô a, khoảnh 4, TK 251 có nhiều người đang dùng cưa máy cưa hạ cây rừng, chúng còn ngang nhiên điều khiển xe. Thấy lực lượng chức năng, những kẻ này vội dừng xe, vứt cưa máy tháo chạy.
Cơ quan chức năng đã bắt giữ được 3 đối tượng, gồm: Nguyễn Quốc Xoan (44 tuổi, quê quán Nghệ An, trú thôn Tân Trung, xã Đạ K’ Nàng, H.Đam Rông), Hoàng Văn Việt (20 tuổi, quê Hải Phòng, tạm trú xã Phúc Thọ, H.Lâm Hà) và Phan Văn Lương (33 tuổi, quê Quỳnh Lưu, Nghệ An, tạm trú nhà người thân ở huyện Đam Rông).
Cánh rừng này do BQL rừng phòng hộ Phi Liêng, H.Đam Rông quản lý. Cùng ngày, sau khi khai thác lời khai ban đầu của các nghi phạm, Công an H.Đam Rông, Viện kiểm sát và các lực lượng chức năng khác đã dẫn giải 3 đối tượng trên đi thực nghiệm hiện trường vụ phá rừng để phục vụ công tác điều tra, làm rõ, truy bắt những kẻ lên quan.
Tại hiện trường, hàng trăm cây gỗ lớn có tuổi thọ hơn 10 năm tuổi, đường kính 10-50cm đã bị các đối tượng dùng cưa máy triệt hạ. Tổng diện tích rừng bị phá là 24.900m2 (tương đương 2,49ha) thuộc đất quy hoạch lâm nghiệp, rừng sản xuất, trạng thái rừng IIIa2. Tổng khối lượng gỗ thiệt hại ban đầu 44,150m3, chủng loại gỗ tạp nhóm VI. Sau khi cưa hạ gỗ, chúng xẻ ra thành từng khúc gỗ tròn rồi gom lại, đưa đi tiêu thụ.
Trước đó, ngày 11-9, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành đã đến kiểm tra hiện trường vụ phá rừng tại tiểu khu 251, xã Đạ K’Nàng.
Tại hiện trường, hàng trăm lóng gỗ nằm ngổn ngang trên con đường đã được san đất bằng phẳng rộng khoảng 4m để chờ cơ hội đưa ra khỏi rừng. Sau khi cưa hạ, chúng đưa cả máy múc vào bứng cả gốc cây lên khỏi mặt đất, bán gốc gây làm cảnh, trồng lan.
Vụ phá rừng này chỉ bị phát hiện khi các đối tượng đã rời khỏi hiện trường, đã rời phương tiện san ủi đất và đang trong quá trình vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Mặc dù đoàn kiểm tra đã phối hợp với lực lượng CSGT ngăn chặn, yêu cầu các đối tượng vi phạm đưa máy múc về UBND xã Đạ K’Nàng để làm việc nhưng các đối tượng không chấp hành.
BQL rừng phòng hộ Phi Liêng, cho biết, các đối tượng phá rừng nhằm chiếm đất sản xuất nông nghiệp. Khu vực rừng bị phá đã giao cho một số hộ dân ở thôn Păng Dung, xã Đạ K’Nàng quản lý, bảo vệ.
Thượng tá Lê Văn Trúc - Trưởng Công an huyện Đam Rông, cho biết, đây là địa bàn giáp ranh với các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk nên công tác điều tra, xử lý các vụ án có liên quan đến rừng và đất rừng gặp không ít khó khăn. Cơ quan điều tra đang khẩn trương truy xét các đối tượng để xử lý nghiêm về hành vi hủy hoại rừng.