Lâm Đồng lãng phí đất đai vì quy hoạch treo
Trước thực trạng hàng chục đồ án quy hoạch kéo dài nhiều năm chưa được triển khai, tỉnh Lâm Đồng đang kiểm tra, rà soát và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Điển hình, trong tổng số 22 quy hoạch phân khu tại TP. Đà Lạt có 15 trường hợp kéo dài từ 3-5 năm. Trong đó, kéo dài gần 3 năm gồm các khu A7, A9, C1, C5; gần 4 năm gồm A1, A2, A11; gần 5 năm gồm A4, A6, C2, C3, C6, D3, D4, D5.
Đồng thời, trong 22 đồ án quy hoạch (được thẩm định và phê duyệt), mới chỉ có 2 trường hợp (khu B7 và A11) được duyệt tổ chức cắm mốc.
Tại TP. Bảo Lộc, điều chỉnh quy hoạch đô thị từ năm 2011 đến 2020 có 44 hồ sơ quy hoạch điều chỉnh cục bộ đã phê duyệt. Trong đó, 33 trường hợp chưa có ý kiến cơ quan quản lý quy hoạch cấp trên, 34 trường hợp chưa có ý kiến cộng đồng dân cư (với nội dung điều chỉnh chủ yếu là điều chỉnh các khu chức năng, diện tích và chỉ tiêu sử dụng đất, hồ sơ điều chỉnh quy hoạch).
Quy hoạch đô thị từ năm 2021 đến 2030 có 34 hồ sơ quy hoạch đã phê duyệt, trong đó 12/34 hồ sơ chưa lấy ý kiến, 3 hồ sơ thẩm định và phê duyệt cùng 1 ngày và 6 hồ sơ phê duyệt quy hoạch không có văn bản thẩm định.
Thực trạng nêu trên, đã được Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng chỉ ra sau khi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Trước đề nghị của đoàn giám sát, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa giao các cơ quan chức năng và địa phương liên quan rà soát tất cả các quy hoạch để tổ chức triển khai đúng quy định, không để quy hoạch ‘treo’, gây lãng phí nguồn lực đất đai, khó khăn cho người dân trong khu vực quy hoạch.
Theo kế hoạch, nguyên nhân và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan sẽ được làm rõ trong tháng 3/2022.
Như TheLEADER đã thông tin, thời gian vừa qua, ghi nhận quan tâm đặc biệt từ nhiều tên tuổi lớn về phát triển bất động sản tìm tới Lâm Đồng để đề xuất tài trợ lập quy hoạch, nghiên cứu lên ý tưởng và đầu tư các siêu dự án.
Trong đó, những địa bàn trọng tâm được hướng tới là TP. Đà Lạt, Bảo Lộc (với sự góp mặt của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, T&T group, Him Lam Bảo Lộc, Sacom Tuyền Lâm, Thành Thành Công…). Hầu hết các trường hợp này hiện vẫn đang ở trạng thái chờ ý kiến thẩm định của cơ quan chức năng sở tại về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ranh giới... trước khi trình đề xuất tới UBND tỉnh Lâm Đồng.
Điển hình, TTC Lâm Đồng đã thâu tóm 3 doanh nghiệp để gián tiếp sở hữu quỹ đất (từ chính các công ty nêu trên) để đầu tư phát triển các dự án du lịch tại TP. Đà Lạt (theo giới thiệu chính là tổ hợp TTC World Thung Lũng Tình Yêu gồm 3 khu du lịch quy mô 220ha).
T&T Group đề xuất khảo sát và tài trợ lập quy hoạch phân khu, cũng như đăng ký thực hiện xây dựng dự án tại phường 11, phường 12 và xã Xuân Thọ với quy mô khoảng 1.211ha. Dự án có thể được mở rộng thêm quy mô trong quá trình nghiên cứu, khảo sát nhằm phù hợp với định hướng phát triển chung của TP. Đà Lạt.
Công ty CP Sacom Tuyền Lâm (trực thuộc SAM Holdings) đề xuất tỉnh Lâm Đồng chấp thuận việc tiếp cận thông tin, tài trợ khảo sát, lập quy hoạch và đăng ký đầu tư dự án tại 2 địa bàn là huyện Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc. Dự án dự kiến gồm: khu đất khoảng 2.115ha tại huyện Bảo Lâm (gồm hơn 1.850ha mặt đất và 258ha mặt nước) và khu đất 1.430ha tại xã Lộc Phát, Lộc Thắng tại TP. Bảo Lộc.
Công ty CP Him Lam Bảo Lộc (thành viên của Tập đoàn Him Lam) cũng đề xuất nghiên cứu khảo sát lập quy hoạch phân khu xây dựng 1/2000 và thực hiện đầu tư khu đô thị nghỉ dưỡng Him Lam – Mắc ca Lộc Tiến (quy mô khoảng 22ha) tại TP. Bảo Lộc.
Hồi đầu năm 2022, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã cảnh báo về tình trạng đất nền tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong bối cảnh ngày càng nhiều nhà đầu tư quan tâm, tham gia vào thị trường bất động sản trên địa bàn thời gian vừa qua. Cụ thể, từ quý IV/2021, thị trường bất động sản Lâm Đồng đã chuyển biến tích cực, lượng giao dịch bất động sản có dấu hiệu phục hồi, tăng so với quý liền trước. Lượng giao dịch và tổng giá trị giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng tăng nhẹ với 7.320 lô đất nền và 725 căn nhà ở riêng lẻ được giao dịch.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp và thị trường bất động sản như: thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giao đất cho các nhà đầu tư (nhất là việc xác định đơn giá đất bồi thường, hỗ trợ chưa sát với giá thực tế), thiếu cơ sở dữ liệu về “giá đất thị trường” để phục vụ công tác quản lý nhà nước, pháp luật hiện hành chưa quy định về điều kiện hình thành dự án kinh doanh bất động sản….
Qua xem xét hồ sơ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại UBND TP Đà Lạt, Bảo Lộc và huyện Đức Trọng cho thấy một số kế hoạch sử dụng đất hàng năm chưa đúng với quy hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, trong hồ sơ ban hành các quyết định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của UBND tỉnh lại cho phép ‘cập nhật các công trình dự án tại các quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất các năm 2016, 2017, 2018, 2019’ vào điều chỉnh quy hoạch là chưa chặt chẽ.