Lâm Đồng phối hợp nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương thành cảng quốc tế
UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp, hỗ trợ Cảng hàng không Liên Khương trong việc triển khai Quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương thành cảng hàng không quốc tế.
Ngày 28/5, thông tin từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho biết đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan chủ động phối hợp, hỗ trợ Cảng hàng không Liên Khương trong việc triển khai Quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thành cảng hàng không quốc tế.
Tại văn bản 4135/UBND-GT, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng giao các Sở: Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, lĩnh vực phụ trách phối hợp, hỗ trợ Cảng hàng không Liên Khương trong việc triển khai Quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó các đơn vị chủ động rà soát, cập nhật nội dung quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương vào quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan thuộc lĩnh vực quản lý.
Giao Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng quy hoạch và quản lý quỹ đất, quản lý xây dựng phù hợp theo Quy hoạch được duyệt; tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng cảng hàng không khi có nhu cầu đối với diện tích đất dự kiến quy hoạch đường cất hạ cánh số 2 để dự phòng cho mục tiêu dài hạn.
Trước đó, ngày 17/5/2024, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định số 610/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương là cảng hàng không quốc tế, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự. Thời kỳ 2021-2030 là cấp sân bay 4E và sân bay quân sự cấp II; công suất 5 triệu hành khách/năm và 20.000 tấn hàng hóa/năm.
Các loại tàu bay khai thác là code C như A320/A321, code E như B747/B787/A350 và tương đương. Đến năm 2050, Cảng sẽ nâng cấp công suất lên 7 triệu hành khách và 30.000 tấn hàng hóa/năm.
Thời kỳ 2021-2030 giữ nguyên cấu hình đường cất cánh hiện hữu dài 3.250m, rộng 45m; quy hoạch 3 đường lăn nối, 1 đường lăn thoát nhanh; mở rộng sân đỗ đáp ứng 21 vị trí đỗ tàu bay và có dự trữ để mở rộng khi có nhu cầu.
Đến năm 2050 sẽ kéo dài đường cất cánh lên 3.600m; kéo dài đường lăn song song phù hợp kéo dài đường cất hạ cánh; quy hoạch bổ sung 1 đường lăn nối và 1 đường lăn thoát nhanh; tiếp tục mở rộng sân đỗ tàu bay đáp ứng 27 vị trí đỗ và có dự trữ để mở rộng khi có nhu cầu.
Các công trình bảo đảm hoạt động bay khác, sẽ quy hoạch đồng bộ hệ thống thiết bị dẫn đường ILS với hệ thống đèn tiếp cận; quy hoạch hệ thống đèn hiệu sân bay đảm bảo đồng bộ khai thác; bố trí hệ thống cảnh báo xâm nhập đường cất, hạ cánh; hệ thống giám sát đa điểm, hệ thống ra đa thời tiết; hệ thống thiết bị phát hiện và xua đuổi chim...
Đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung, sẽ mở rộng, nâng cấp, xây dựng mới đường giao thông nội cảng, hệ thống đỗ ôtô, nhà ga hành khách, bãi tập kết phương tiện, thiết bị mặt đất, hệ thống cấp nước, khu chế biến suất ăn hàng không... đảm bảo đáp ứng nhu cầu phục vụ 7 triệu hành khách, 30.000 tấn hàng hóa/năm giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050./.