Lâm Đồng sẽ xử lý người đứng đầu địa phương để xảy ra phá rừng
Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo kiểm điểm xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan gồm chủ rừng, UBND cấp xã, lực lượng kiểm lâm địa bàn để xảy ra các vụ phá rừng.
Chính quyền tỉnh Lâm Đồng vừa có động thái khá cương quyết khi tuyên bố sẽ kỷ luật những người đứng đầu địa phương, đơn vị chủ rừng để xảy ra các vụ phá rừng tại các huyện Di Linh, Đam Rông và thành phố Đà Lạt, xảy ra nổi cộm từ 25/3-9/4.
Kết quả xử lý yêu cầu được báo cáo với Ủy ban Nhân dân tỉnh trước ngày 30/5/2020.
Cụ thể văn bản số 2105/UBND-LN ngày 13/4/2020 cho biết: sau khi xem xét các báo cáo số 170/BC-SNN của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp nổi cộm xảy ra từ ngày 25/3- 9/4/2020 trên địa bàn tỉnh, ông Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo một số nội dung thể hiện sự cương quyết của chính quyền tỉnh trong quản lý và bảo vệ rừng.
Theo đó, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các huyện Đam Rông, Di Linh và thành phố Đà Lạt chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ, hoàn hiện hồ sơ để kịp thời xử lý nghiêm các vụ vi phạm về quản lý và bảo vệ rừng.
Kết quả thực hiện báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh trước ngày 15/5/2020.
Các vụ phá rừng nổi cộm được phát hiện trong 1 tuần từ ngày 25/3- 9/4/2020 gồm vụ đối tượng Trần Quang Huy phá rừng tại Khoảnh 1, Tiểu khu 608A, xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh thuộc diện tích rừng do Ban Quản lý rừng Tân Thượng quản lý; 3 vụ phá rừng chưa xác định được đối tượng vi phạm tại Khoảnh 1, Tiểu khu 197, xã Liêng S’roonh, huyện Đam Rông thuộc diện tích rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk quản lý; 1 vụ khai thác rừng trái pháp luật tại Tiểu khu 267A, Phường 3, thành phố Đà Lạt thuộc diện tích rừng do Ban Quản lý rừng Lâm Viên quản lý.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo kiểm điểm xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan gồm chủ rừng, Ủy ban Nhân dân cấp xã, lực lượng kiểm lâm địa bàn để xảy ra các vụ phá rừng nêu trên.
Các trường hợp sai phạm, thiếu trách nhiệm có thể bị xử lý kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên và báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh trước ngày 30/5/2020.
Các đơn vị chủ rừng, Ủy ban Nhân dân xã, phường tiếp tục tăng cường thực hiện tuần tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định về quản lý bảo vệ rừng; kiên quyết giải tỏa hiện trường rừng bị phá để khôi phục lại.
Địa phương cấp xã, chủ rừng nào để đối tượng vi phạm canh tác, sử dụng diện tích rừng bị phá phải xử lý ngay trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị chủ rừng đó.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp với Công an các địa phương điều tra, xử lý các vụ vi phạm quy định về quản lý bảo vệ rừng có tính chất phức tạp, nổi cộm, có yếu tố hình sự để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung./.