Lâm Đồng: Tái canh cà phê đứng đầu Tây Nguyên

Cà phê, cây trồng chủ lực của vùng Tây Nguyên đang trong giai đoạn thay đổi cơ bản với chương trình tái canh cà phê bền vững. Tái canh đã giúp vùng cà phê Tây Nguyên trẻ hóa, thay đổi hoàn toàn diện mạo. Và, trong số những tỉnh thực hiện tái canh cà phê, Lâm Đồng là tỉnh đạt kết quả tốt nhất. Đây là khẳng định của ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trong Hội nghị tái canh cà phê giai đoạn 2014-2020 và định hướng tái canh cà phê vừa được tổ chức tại thành phố Đà Lạt.

Vườn cà phê tái canh ở xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm. Ảnh: K.Phúc

Vườn cà phê tái canh ở xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm. Ảnh: K.Phúc

Tái canh thay đổi diện mạo cà phê Tây Nguyên

Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho biết, tính đến hết tháng 9 năm 2019, diện tích cà phê ước đạt 688,3 nghìn ha. Sản lượng cà phê nhân năm 2018 ước đạt 1.623 triệu tấn, năm 2019 dù chưa bước vào vụ thu hoạch nhưng sản lượng dự đoán cao hơn năm 2018. Năng suất niên vụ 2018 đạt 2,6 tấn nhân/ha, một con số cao hơn hẳn so với năng suất trung bình cà phê Tây Nguyên. Tổng diện tích cà phê trồng tái canh và ghép cải tạo tại các tỉnh Tây Nguyên đến tháng 6/2019 là trên 118 ngàn ha, đạt trên 98% kế hoạch tái canh 120 ngàn ha. Đặc biệt, các diện tích cà phê tái canh thời kỳ đầu bằng giống mới nay đã bước vào giai đoạn sản xuất kinh doanh cho năng suất vượt trội, đẩy năng suất cà phê tiếp tục tăng trong những năm gần đây.

Đề án phát triển ngành cà phê bền vững đến năm 2020 với mục tiêu đến năm này, Việt Nam ổn định diện tích trồng cà phê khoảng 600 nghìn ha, trong đó có 80% diện tích áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững; năng suất đạt 2,7 tấn/ha, tổng sản lượng khoảng 1,6 triệu tấn/năm. Định hướng vùng trọng điểm phát triển cà phê gồm 4 tỉnh ở Tây Nguyên khoảng 530 nghìn ha: Đắk Lắk 190 nghìn ha, Lâm Đồng 150 nghìn ha, Gia Lai 75 nghìn ha, Đắk Nông 115 nghìn ha. Theo đề án, ngành cà phê Việt đã thực hiện tốt mục tiêu đặt ra và vấn đề là tiếp tục duy trì tăng trưởng bền vững của ngành cà phê Việt. Mục tiêu đến 2025, tiếp tục duy trì ổn định diện tích 600 ngàn ha; năng suất 2,7-2,9 tấn/ha, sản lượng 1,8-2 triệu tấn/năm. Tiếp tục tái canh và ghép cải tạo các vườn cà phê già cỗi, phấn đấu đến 2025 tái canh và ghép cải tạo thêm từ 30-40 ngàn ha.

Chuẩn hóa vườn giống góp phần tạo nên vùng cà phê bền vững. Ảnh: D.Quỳnh

Chuẩn hóa vườn giống góp phần tạo nên vùng cà phê bền vững. Ảnh: D.Quỳnh

Điểm sáng Lâm Đồng

So với các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh có canh tác cà phê, Lâm Đồng đạt kết quả tốt nhất trong tái canh cà phê. Sau gần 6 năm triển khai thực hiện, chương trình tái canh cà phê tại Lâm Đồng đã giúp trẻ hóa vườn cà phê già cỗi, diện tích sâu bệnh, năng suất thấp không còn khả năng phục hồi, góp phần đưa năng suất cà phê của tỉnh từ 26,1 tạ/ha năm 2012 tăng lên 31,3 tạ/ha năm 2018; sản lượng 365.923 tấn năm 2012 lên 507.782 tấn năm 2018. Riêng huyện Di Linh, Bảo Lâm có trên 10.000 ha chuyên canh cà phê cho năng suất từ 4 tấn trở lên. Năng suất cà phê Lâm Đồng đã cao hơn năng suất cà phê chung toàn vùng 5 tạ/ha.

Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên thử nghiệm thí điểm đăng ký mã số vùng trồng cho 8.500 nông hộ trong vùng cà phê Di Linh. Theo đó, mỗi nông hộ sẽ có một mã số riêng, các đối tác có liên quan có thể nắm được quy trình quản lý vườn cà phê thông qua thông tin vườn cây, tình trạng sinh trưởng, sử dụng giống, hiện trạng quản lý đất, nguồn nước, hệ thống tưới, việc trồng xen canh…, giúp quản lý và truy xuất nguồn gốc. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng đăng ký mã số vùng trồng để cải thiện ngành hàng cà phê Việt trên bản đồ cà phê thế giới.

Theo kế hoạch, tới năm 2020, Lâm Đồng cần tái canh 48 ngàn ha nhưng tới tháng 9/2019, Lâm Đồng đã tái canh 58 ngàn ha, vượt 127% kế hoạch. Thành tích của Lâm Đồng đạt cao nhất Tây Nguyên, so với các tỉnh lân cận tái canh đạt xấp xỉ 70-80% kế hoạch.

Không chỉ đạt diện tích tái canh, Lâm Đồng canh tác cà phê theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan cũng đạt kết quả tốt. So với các tỉnh Tây Nguyên thường trồng xen hồ tiêu, bơ, sầu riêng, cây trồng xen cà phê tại Lâm Đồng được đánh giá là phong phú hơn về chủng loại như mắc ca, bơ, sầu riêng, hồng, cây lâm nghiệp như muồng, sao đen, sưa…, mang lại tính đa dạng sinh học. Hiện diện tích cây che bóng cà phê của Lâm Đồng đạt trên 20 ngàn ha, chiếm 13% diện tích cà phê và đang tiếp tục tăng lên, là tín hiệu đáng mừng của canh tác bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá, Lâm Đồng đã thực hiện rất tốt hoạt động tái canh cà phê, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cà phê Việt Nam.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201911/lam-dong-tai-canh-ca-phe-dung-dau-tay-nguyen-2972045/