Lâm Đồng: Tăng cường quản lý và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng vừa có công văn gởi các huyện, thành phố trong tỉnh về việc tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.

Theo đó, trong thời gian qua, nhiều huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa; giới thiệu, quảng bá hình ảnh địa phương gắn với phát triển du lịch, qua đó tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân nơi có di tích.

Di tích lịch sử Văn hóa thắng cảnh hồ Than Thở tại Đà Lạt đang được nâng cấp, cải tạo.

Di tích lịch sử Văn hóa thắng cảnh hồ Than Thở tại Đà Lạt đang được nâng cấp, cải tạo.

Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa chủ động trong công tác quản lý, bảo vệ các di tích trên địa bàn để xảy ra tình trạng xuống cấp, lấn chiếm đất di tích, xây dựng trong khu vực bảo vệ của di tích mà không có ý kiến của các ngành chức năng liên quan, không phát huy được giá trị của di tích trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt phục vụ phát triển du lịch.

Nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND các huyện, thành phố quan tâm, chỉ đạo tiếp tục tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả quy định tại Luật Di sản văn hóa, các quy định của UBND tỉnh về quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn Lâm Đồng.

Di tích Quốc gia nhà lao thiếu nhi Đà Lạt.

Di tích Quốc gia nhà lao thiếu nhi Đà Lạt.

Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục, tuyên truyền về giá trị của các di tích đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn bằng các hình thức phù hợp, mang lại hiệu quả tích cực góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng để kịp thời phát hiện ngăn chặn các hành vi xâm hại di tích cũng như những thiếu sót có thể xảy ra trong quá trình triển khai các dự án tu bổ, tôn tạo di tích nhằm bảo vệ tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích...

Lâm Đồng hiện có 37 di tích được xếp hạng; trong đó, 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt là Vườn Quốc gia Cát Tiên và khảo cổ Cát Tiên; 18 di tích cấp quốc gia và 17 di tích cấp tỉnh với các loại hình: 2 di tích kiến trúc, 14 danh lam thắng cảnh, 3 di tích lịch sử cách mạng; và 17 di tích cấp tỉnh với các loại hình.

Bảo Hân

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/lam-dong-tang-cuong-quan-ly-va-phat-huy-gia-tri-di-tich-lich-su-van-hoa-danh-lam-thang-canh-c2a76152.html