Lâm Đồng tổ chức hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển nhà ở xã hội
Chiều 18/4, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp xây dựng từ trong và ngoài tỉnh.

Ông Võ Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Văn Gia - Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Chúng tôi tổ chức hội nghị này để nghe ý kiến, yêu cầu từ các nhà đầu tư; đồng thời, xem xét khả năng đáp ứng của các cơ quan nhà nước”. Theo ông, nhu cầu về nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh đang rất lớn, đặc biệt tại các khu vực như Đà Lạt, Bảo Lộc và huyện Đức Trọng.

Các doanh nghiệp dự Hội nghị
Ông Võ ngọc Hiệp cũng nhắc đến thực trạng khó khăn trong việc phát triển nhà ở xã hội ở Lâm Đồng dù tỉnh đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu về nhà ở cho người dân; đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp đưa ra các giải pháp thực tiễn để tỉnh và các đơn vị cùng phối hợp giải quyết vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Gia - Giám đốc Sở Xây dựng báo cáo tại hội nghị
• ĐẶT MỤC TIÊU XÂY DỰNG 2.200 CĂN NHÀ Ở XÃ HỘI ĐẾN NĂM 2030
Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng tại hội nghị, nhu cầu về nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh hiện nay ước tính vào khoảng 4.711 căn, chủ yếu tại các thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và huyện Đức Trọng.
Mặc dù Chính phủ đã giao tỉnh chỉ tiêu xây dựng 2.200 căn nhà ở xã hội đến năm 2030, nhưng từ năm 2021 đến nay, tỉnh chỉ hoàn thành 99 căn, đạt chưa đến 5% so với mục tiêu. Con số này cho thấy vẫn còn sự chậm trễ trong việc thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội và đòi hỏi các biện pháp cải cách và đổi mới trong việc thu hút đầu tư.
Để giải quyết tình trạng này, lãnh đạo Sở Xây dựng đã công bố các khu vực quy hoạch đã được phân khu, trong đó có 8 khu quy hoạch để mời gọi đầu tư. Các khu vực này có tiềm năng phát triển mạnh về nhà ở xã hội, nhưng điều quan trọng là phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các doanh nghiệp và chính quyền trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, cũng như xây dựng hạ tầng phù hợp.

Quang cảnh hội nghị
• HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ CÁC GIẢI PHÁP TỪ LÃNH ĐẠO TỈNH
Một trong những điểm đáng chú ý trong hội nghị là việc ông Võ Ngọc Hiệp khẳng định rằng tỉnh Lâm Đồng không có khả năng cung cấp quỹ vay cho các nhà đầu tư. Thay vào đó, tỉnh sẽ hỗ trợ người dân có thu nhập thấp vay tiền để mua nhà ở xã hội.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết, Lâm Đồng cũng có quỹ đất khá lớn, lên tới 18,39 ha, dành cho các dự án nhà ở xã hội tại 14 vị trí trong các đồ án phân khu. Tuy nhiên, để tận dụng tốt quỹ đất này, cần sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tháo gỡ khó khăn về quy hoạch ở các địa phương và giải phóng mặt bằng.

Ông Hồ Ngọc Phong Hải - Phó Giám đốc Sở Xây dựng giới thiệu các vị trí kêu gọi đầu tư nhà ở xã hội

Đại diện doanh nghiệp nêu ý kiến
Tại hội nghị, một số doanh nghiệp đã đề xuất tỉnh xem xét các dự án không nằm trong quy hoạch nhưng có lợi thế về quỹ đất và dễ dàng giải phóng mặt bằng.
Các nhà đầu tư cũng đề xuất để thuận lợi hơn cho nhà đầu tư tham gia, cần có một kế hoạch rõ ràng về tiến độ giải phóng mặt bằng, để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai dự án.

Ông Hoàng Sỹ Bích - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng nêu ý kiến tại hội nghị
Tại hội nghị, ông Hoàng Sỹ Bích - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cũng nêu ý kiến, trên cơ sở các quy hoạch, các địa phương phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể về thu hồi đất và đề xuất bố trí nguồn kinh phí để bồi thường giải phóng mặt bằng…
Ông cũng nhấn mạnh rằng, trên cơ sở kế hoạch UBND tỉnh ban hành, Sở cũng sẽ phối hợp với các nhà đầu tư để làm sao thời gian tới đây rút ngắn được thủ tục giao đất cho nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đâùt ưu quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này.

Đại diện doanh nghiệp nêu kiến nghị
• ĐỀ XUẤT CỦA DOANH NGHIỆP
Tại hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp xây dựng đã đưa ra những kiến nghị cụ thể. Các doanh nghiệp mong muốn Sở Xây dựng có thông báo một cách chi tiết hơn về tiến độ giải phóng mặt bằng và các thông tin liên quan đến các khu vực quy hoạch. Một số nhà đầu tư còn đề xuất tỉnh cân nhắc cho phép đầu tư ở những khu vực ngoài quy hoạch nhưng có tiềm năng đầu tư vì quỹ đất nhiều, công tác giải phóng mặt bằng khả quan...
Các doanh nghiệp cũng đặc biệt quan tâm đến chính sách bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, đặc biệt là tỷ lệ cho thuê nhà ở xã hội của tỉnh và các chính sách hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ mua nhà ở xã hội, các tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội.

Các đại biểu dự hội nghị
Trong phần kết luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp nhấn mạnh rằng dù hằng năm tỉnh đã có nhiều kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, suốt từ năm 2021 đến nay, nhưng thực tế, tiến độ thực hiện còn rất chậm.
“Hiện mới chỉ thực hiện được 3 dự án và cũng chỉ mới có Đà Lạt hiện nay có quy hoạch phân khu dành cho nhà ở xã hội, các địa phương khác vẫn chưa có. Tuy nhiên, một số khu vực có quy hoạch nhưng đều đang trong tình trạng chưa có đường giao thông kết nối, chưa hoàn tất thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng, chưa có quy hoạch 1/500 và chưa có chủ trương đầu tư”.

Đại diện lãnh đạo Sở Tài chính phát biểu, trả lời một số thắc mắc của nhà đầu tư

Quang cảnh hội nghị
Để tạo thuận lợi hơn, ông Võ Ngọc Hiệp đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch và lộ trình đầu tư để khắc phục các bất cập.
Ông cũng kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu các dự án tiềm năng và chủ động liên hệ với các địa phương để tiến hành các thủ tục cần thiết, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Các đại biểu dự hội nghị
Hội nghị tuy chưa thu được kết quả cụ thể, nhưng là dịp để Lâm Đồng thông báo, giới thiệu các dự án và kêu gọi các nhà đầu tư, lắng nghe ý kiến của các bên liên quan để tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển nhà ở xã hội, hằm hoàn thành mục tiêu tỉnh đã đề ra.