Lâm Đồng trước nguy cơ bùng phát nạn trồng cây cần sa
Năm 2020, các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện hơn 800 cây cần sa được các đối tượng lén lút trồng và tái trồng tại nhiều địa phương của tỉnh. Thực trạng này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý, ngăn chặn trồng, tàng trữ, sản xuất ma túy tại tỉnh này.
Năm 2020, các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện hơn 800 cây cần sa được các đối tượng lén lút trồng và tái trồng tại nhiều địa phương của tỉnh. Thực trạng này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý, ngăn chặn trồng, tàng trữ, sản xuất ma túy tại tỉnh này.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, tình hình trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy (cây cần sa) tại địa phương này diễn biến hết sức phức tạp, có nguy cơ tiềm ẩn bùng phát ở một số địa phương trong tỉnh như huyện: Lâm Hà, Di Linh, Đà Lạt, Đức Trọng, Bảo Lâm… số cây cần sa bị bắt và tiêu hủy năm 2020 là 818 cây. Trong đó, H. Lâm Hà là địa phương có số lượng cây cần sa trồng trái phép nhiều nhất.
Không chỉ vậy, hoạt động trồng, tàng trữ, sản xuất ma túy ngày càng tinh vi. Đơn cử, ngày 28-10-2020, Phòng Cảnh sát ma túy CA tỉnh Lâm Đồng phối hợp với CAP 9 (TP Đà Lạt) tiến hành đột kích một căn hộ trên đường Nguyễn Du, phát hiện một vụ trồng cần sa quy mô lớn bằng… đèn led 7 màu. Tại đây, cơ quan chức năng kiểm đếm có 12 chậu được dùng để trồng cần sa trong nhà vệ sinh của căn hộ này. Đối tượng Huỳnh Thanh Tiến (27 tuổi, trú Q. Bình Tân, TPHCM) khai nhận đã mua 12 hạt cần sa ở TPHCM về trồng hơn 2 tháng nay, còn 2 hộp đựng hoa cần sa cất giấu trong phòng ngủ thì mua ở đường Bùi Viện (TPHCM). Tiến cho biết, hệ thống đèn led 7 màu chiếu sáng nhằm giúp cây cần sa phát triển nhanh.
Theo khảo sát, điều tra của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng thì người trồng cây có chứa chất ma túy biết là vi phạm pháp luật, song vẫn cố tình vi phạm vì lợi nhuận của loại cây này cao hơn gấp nhiều lần so với thu nhập từ các loại cây trồng khác, cây có chứa chất ma túy là loại cây dễ trồng, chỉ gieo hạt không cần chăm sóc vẫn cho thu hoạch, loại cây này rất phù hợp với điều kiện thời tiết và không phụ thuộc vào mùa vụ, có thể trồng quanh năm, 4 mùa đều cho thu hoạch.
Trong năm 2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao trực tiếp cho Sở NN&PTNT tỉnh theo dõi và tổ chức thực hiện công tác chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi thay thế và vận động xóa bỏ cây có chứa chất ma túy. Tuy vậy, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho rằng, cán bộ làm công tác phòng chống ma túy từ sở đến các địa phương đều kiêm nhiệm; kinh phí hỗ trợ cho ngành nông nghiệp không có nên khó thực hiện được mô hình chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi thay thế cây có chứa chất ma túy; nhận thức của cán bộ, người dân ở nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về xóa bỏ, thay thế cây có chứa chất ma túy còn chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, do từ lâu trên địa bàn các xã, phường, thị trấn không xuất hiện việc trồng cây cần sa. Cho nên có lúc, có nơi chính quyền địa phương đã chủ quan, buông lỏng quản lý trong lĩnh vực này.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, thời gian tới, bên cạnh tuyên truyền cho người dân biết về cây cần sa và hậu quả của cần sa chất gây nghiện đối với sức khỏe và đời sống con người, không để người dân bị lừa gạt dưới hình thức thuê trồng cây thuốc thì cần hoàn thiện hệ thống pháp luật xử lý hành vi trồng và tái trồng cây cần sa.