Lâm Đồng trước những vấn đề đặt ra khi tham gia FTA (Kỳ II)

TIN LIÊN QUAN

Lâm Đồng trước những vấn đề đặt ra khi tham gia FTA (Kỳ I)

Giải pháp thực thi FTA tại Lâm Đồng

Để thụ hưởng những ưu đãi lớn nhất khi thực hiện Hiệp định thương mại tự do (FTA), Lâm Đồng - vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế - cần sự thay đổi, điều chỉnh về chính sách, pháp luật nhằm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân.

Đoàn ĐBQH Lâm Đồng và các thành viên đoàn giám sát làm việc tại huyện Đức Trọng.

Đoàn ĐBQH Lâm Đồng và các thành viên đoàn giám sát làm việc tại huyện Đức Trọng.

Những con số đáng ghi nhận

Trong 5 năm qua, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và tinh thần chủ động, nỗ lực quyết tâm của các cấp, các ngành, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN) nên lĩnh vực kinh tế Lâm Đồng đã đạt được một số kết quả khả quan. Kinh tế tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô và chất lượng nền kinh tế được nâng lên và có tới 17/17 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch. Mặt khác, việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả, trong đó trọng tâm cơ cấu lại về đầu tư, tổ chức tín dụng, DN nhà nước được tập trung thực hiện hoàn thành và đạt kết quả tích cực. Nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc, tiếp tục khẳng định thế mạnh của địa phương trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Công nghiệp tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu tăng, đặc biệt du lịch phát triển tốt, từng bước khẳng định là ngành kinh tế động lực của tỉnh... Hạ tầng giao thông được nâng cấp và dần hoàn thiện, Lâm Đồng hiện có 2 đường bay quốc tế và 7 đường bay nội địa.

Môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng về thứ hạng, số lao động được giải quyết việc làm giai đoạn 2015 - 2019 đạt 199.426 lao động. Giáo dục không ngừng được cải thiện, nhất là tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 46 triệu đồng năm 2015 lên 66,7 triệu đồng vào năm 2019, cao hơn thu nhập bình quân đầu người chung của cả nước khoảng 65 triệu đồng.

Còn nhiều việc phải làm

Từ những kết quả đạt được nêu trên đặt ra vấn đề đâu là cơ hội cũng như thách thức đối với Lâm Đồng khi Việt Nam gia nhập các FTA. Trao đổi những vấn đề liên quan, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo cho rằng: Việc tham gia các FTA với yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn tạo ra nhiều cơ hội cho hợp tác cùng phát triển, đồng thời cũng đặt ra những thách thức lớn đối với nền kinh tế. Để nâng cao nội lực nền kinh tế, vừa tận dụng được các cơ hội do FTA mang lại, vừa tuân thủ các cam kết đã đề ra, chúng ta cần áp dụng các biện pháp cơ bản và lâu dài để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường như: cải cách mạnh mẽ DN nhà nước, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả với DN FDI. Ngoài ra, cần thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường, loại bỏ mọi hình thức trợ cấp trái với quy định của WTO; xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, có thể tiên liệu được; tăng cường thể chế thực thi và chế tài xử phạt, bảo đảm sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình xử lý tranh chấp. Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật như Luật Đất đai, Luật Biểu tình, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Mua sắm công, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Hình sự…

Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị UBND tỉnh tăng cường trợ giúp, tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp, hợp tác xã về những nội dung liên quan đến FTA, các điều kiện cần và đủ để thực hiện FTA trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh đến khâu xuất khẩu hàng hóa” - ông Nguyễn Tạo cho hay.

Để thực hiện các FTA mang lại hiệu quả trong thời gian tới tại Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cho biết: Tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các văn bản về hội nhập quốc tế, trong đó chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao những kiến thức có liên quan đến hội nhập quốc tế, hướng dẫn thực thi cam kết trong khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế (CPTPP, ASEAN, WTO, APEC, ASEM,…) cho các doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các hiệp hội ngành nghề…bằng nhiều hình thức khác nhau.

Song song đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, giảm chi phí khởi nghiệp, giảm chi phí đầu vào, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp… theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Tăng cường mở rộng hợp tác với các đối tác, tổ chức và địa phương nước ngoài; tiếp tục quảng bá, thu hút các doanh nghiệp, cá nhân, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trên địa bàn tỉnh; tích cực vận động nguồn vốn viện trợ chính thức (ODA) và viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại và xúc tiến thương mại, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế và thúc đẩy mở rộng hợp tác quốc tế.

Cũng theo Phó Chủ tịch Phạm S, mặt khác UBND tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy về tái cơ cấu ngành công thương, phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ cũng như phát triển du lịch chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhất là cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính; nâng cao năng lực và trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; xây dựng chính quyền trong sạch, liêm chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hoạt động trên địa bàn được bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh. Thực hiện tốt các quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo đúng quy định của pháp luật và cam kết của Việt Nam với các nước đã ký kết.

Từ thực tiễn đặt ra trong quá trình thực hiện FTA tại Lâm Đồng, ông Võ Ngọc Hiệp - Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng kiến nghị với Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị Trung ương hỗ trợ địa phương trong công tác tuyên truyền về hội nhập, tổ chức lớp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho công tác hội nhập; hỗ trợ tỉnh trong công tác xúc tiến thương mại ra các thị trường nước ngoài cũng như hỗ trợ công tác xúc tiến đầu tư. Đặc biệt, hỗ trợ Lâm Đồng đầu tư các hạ tầng thiết yếu như: sân bay, đường cao tốc nối Lâm Đồng với các vùng kinh tế, xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, hệ thống kho lạnh quy mô lớn… để tạo điều kiện tốt nhất cho địa phương, doanh nghiệp từng bước hội nhập, tham gia vào “sân chơi lớn” mà các FTA mang lại.

NGUYỆT THU

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202003/lam-dong-truoc-nhung-van-de-dat-ra-khi-tham-gia-fta-ky-ii-2995331/