Lâm Đồng với tiến trình 'chuyển đổi xanh' (Bài 1)

'Chuyển đổi xanh' là một xu thế không thể đảo ngược đối với các quốc gia và thế giới. Nội hàm trọng tâm của công cuộc 'chuyển đổi xanh' đó là phát triển nền kinh tế xanh không chỉ khu biệt ở mỗi địa phương, vùng, miền mà diễn ra ở tầm cả nước và quốc tế nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới Net Zero vào năm 2050. Với những mục tiêu bao trùm của 'chuyển đổi xanh', Lâm Đồng đã và đang làm gì để thực hiện phát triển xanh, bền vững?

Bài 1: Từ tiềm năng, lợi thế đến định hướng phát triển

Từ tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa lịch sử, di sản kiến trúc của vùng đất và các nguồn lực (con người, vốn đầu tư), Lâm Đồng xác định phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững, tôn trọng và bảo vệ môi trường, tạo nền tảng vững chắc để chuyển dần sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu dựa trên “3 trụ cột” vừa mang tính trước mắt, vừa mang tính lâu dài trong tương lai.

Chuyển đổi xanh. Ảnh: Tư liệu

Chuyển đổi xanh. Ảnh: Tư liệu

Theo các chuyên gia, xây dựng nền kinh tế xanh có nghĩa là hướng tới ba mục tiêu: Phát triển kinh tế, tức cần tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư từ tài nguyên, nhân lực và tài chính; bảo vệ môi trường tức giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn; cuối cùng là mục tiêu xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và giảm sự mất công bằng trong xã hội. Trọng tâm các hoạt động chuyển đổi xanh gồm: Chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi công nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu phát triển, trong đó nhấn mạnh “Tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện và bền vững và trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Để thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh Lâm Đồng đề ra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2020 - 2025 bao gồm các định hướng phát triển cốt lõi sau: Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp hướng đến ngành Nông nghiệp toàn diện và hiện đại, là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế. Phát triển du lịch chất lượng cao, xây dựng TP Đà Lạt thành trung tâm du lịch chất lượng cao, trung tâm giáo dục nghiên cứu, sáng tạo khoa học. Và, phát triển công nghiệp theo hướng chọn lọc, có giá trị gia tăng cao, an toàn về môi trường.

Lộ trình cũng như chiến lược dài hơi để Lâm Đồng xác định tiếp tục công cuộc chuyển đổi xanh lên một tầm mức mới được khẳng định vào tháng 6 năm 2024 vừa qua với việc UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Lễ công bố Quyết định số 1727 ngày 29/12/2023 của Chính phủ về “Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Qua đó, nêu bật quan điểm định hướng phát triển Lâm Đồng trong tương lai đó là “Phát huy tiềm năng, lợi thế tự nhiên và vai trò, vị trí của tỉnh trong vùng Tây Nguyên để phát triển nhanh, bền vững; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Chú trọng bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với rừng. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, tài nguyên thiên nhiên và liên kết vùng. Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông sản; phát triển công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, nhôm và các sản phẩm từ nhôm.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; xây dựng TP Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo. Để thực hiện mục tiêu trên, cần “Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, lấy phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao”.

Và trên thực tế, Lâm Đồng đã và đang phát huy hiệu quả từ vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên đến nguồn lực của mình trong tiến trình chuyển đổi xanh trên vùng đất Nam Tây Nguyên tươi đẹp.

Lâm Đồng là tỉnh nằm ở khu vực Nam Tây Nguyên có độ cao chênh lệch từ 300 - 1.500 m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình từ 18-25oC với diện tích 9.773,54 km2. Phía Nam và Đông Nam giáp tỉnh Bình Thuận; phía Đông giáp tỉnh Khánh Hòa - tỉnh Ninh Thuận; phía Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông và phía Tây Nam giáp tỉnh Đồng Nai - tỉnh Bình Phước. Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính gồm 2 thành phố và 10 huyện; TP Đà Lạt là trung tâm hành chính kinh tế của tỉnh, dân số toàn tỉnh trên 1,3 triệu người với 43 dân tộc sinh sống, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - là khu vực năng động có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và là thị trường có nhiều tiềm năng lớn.

Tiềm năng thế mạnh của Lâm Đồng cấu thành từ các yếu tố:

Lâm Đồng hiện có diện tích đất 965.969 ha, chiếm trên 98% diện tích tự nhiên bao gồm 8 nhóm đất, trong đó có 277.000 ha đất có khả năng sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, tính đến thời điểm hiện tại, Lâm Đồng có 539.045 ha rừng, đạt tỷ lệ độ che phủ 54,6% diện tích toàn tỉnh. Cùng đó, theo kết quả điều tra thăm dò, Lâm Đồng có 289 mỏ và điểm quặng bao gồm 30 loại khoáng sản thuộc 5 nhóm chính: kim loại, phi kim loại; đá quý - bán đá quý; đá ốp lát; nước khoáng - nước nóng và khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường. Trong đó có bauxite, bentonite, kaolin, diatomite và than bùn có khả năng khai thác ở quy mô công nghiệp.

Lâm Đồng cũng là tỉnh nằm trong hệ thống sông Đồng Nai, có nguồn nước rất phong phú, mạng lưới suối khá dày đặc, tiềm năng thủy điện rất lớn. Đồng thời, Lâm Đồng là một vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời với sự góp mặt của 43 cộng đồng dân tộc. Nơi đây còn lưu giữ nhiều dấu tích văn hóa, lịch sử của các dân tộc.

Đặc biệt, TP Đà Lạt được mệnh danh là thành phố Festival Hoa. Bên cạnh đó, Lâm Đồng còn sở hữu nhiều văn hóa phi vật thể như: Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Mộc bản Triều Nguyễn, Khu dự trữ sinh quyển Thế giới Lang Biang và các hoạt động văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo...

Từ tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa lịch sử, di sản kiến trúc của vùng đất và các nguồn lực (con người, vốn đầu tư), Lâm Đồng xác định phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững, tôn trọng và bảo vệ môi trường, tạo nền tảng vững chắc để chuyển dần sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu dựa trên “3 trụ cột” vừa mang tính trước mắt, vừa mang tính lâu dài trong tương lai.

(CÒN NỮA)

XUÂN TRUNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202409/lam-dong-voi-tien-trinh-chuyen-doi-xanh-bai-1-b871cd5/