Lâm Đồng: Yêu cầu Nhà An Bình làm rõ khả năng tài chính để làm dự án nhà ở xã hội Sào Nam
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đề nghị Công ty cổ phần đầu tư Nhà An Bình hoàn chỉnh hồ sơ, trong đó cần bổ sung, làm rõ về năng lực tài chính để thực hiện dự án nhà ở xã hội Sào Nam quy mô gần 600 tỷ đồng tại Tp. Đà Lạt.
Công ty cổ phần đầu tư Nhà An Bình trình hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư với dự án nhà ở xã hội Sào Nam tại phường 11, Tp. Đà Lạt.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng đề nghị doanh nghiệp hoàn chỉnh hồ sơ, trong đó cần bổ sung, làm rõ về năng lực tài chính.
Dự án khu nhà ở xã hội Sào Nam có tổng diện tích đất hơn 1,64 ha tại phường 11, Tp. Đà Lạt. Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến 599 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư 120 tỷ đồng, vốn huy động 479 tỷ đồng (gồm vay từ các tổ chức tín dụng 300 tỷ đồng, huy động từ khách mua nhà 179 tỷ đồng). Tiến độ thực hiện dự án 30 tháng từ quý 3/2023 đến quý 4/2025.
Theo hồ sơ, An Bình đề xuất xây dựng 3 khối chung cư, diện tích sử dụng đất 1,6 ha, diện tích xây dựng 0,71 ha, cung cấp khoảng 632 căn hộ chung cư bao gồm hai khối chung nhà ở xã hội, diện tích xây dựng 0,56 ha (tỷ lệ 80% diện tích đất xây dựng), cao 7 tầng và 1 tầng hầm.
Dự án cung cấp khoảng 514 căn hộ nhà ở xã hội, diện tích bình quân khoảng 60m2/căn; 1 khối chung cư nhà ở thương mại, diện tích xây dựng 0,14 ha (tỷ lệ 20% diện tích đất xây dựng), cao 7 tầng và 1 tầng hầm, cung cấp khoảng 118 căn hộ thương mại, diện tích bình quân khoảng 60 m2/căn.
Sở Xây dựng cho biết, cơ cấu sản phẩm, hình thức kinh doanh sản phẩm theo hồ sơ đề xuất phù hợp với quy định tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, về năng lực tài chính của Công ty Nhà An Bình, Sở Tài chính cho biết, tại thời điểm ngày 31/12/2022, tổng nguồn vốn là 431 tỷ đồng, bao gồm vốn chủ sở hữu 298 tỷ đồng và nợ phải trả là 133 tỷ đồng (trong đó, nợ ngắn hạn là 127 tỷ đồng, nợ dài hạn là 6 tỷ đồng).
Tài sản ngắn hạn là 324 tỷ đồng (trong đó, tiền và các khoảng tương đương tiền 4 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn 29 tỷ đồng; khoản hàng tồn kho là 262 tỷ đồng) và tài sản dài hạn là 107 tỷ đồng (trong đó, khoản đầu tư tài chính dài hạn là 36 tỷ đồng). Như vậy, tại thời điểm ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của Công ty là 298 tỷ đồng và vốn lưu động ròng là 197 tỷ đồng (= vốn chủ sở hữu + nợ dài hạn - tài sản dài hạn).
Tại thuyết minh báo cáo tài chính đã thể hiện An Bình đang thực hiện các dự án khác gồm dự án nhà ở chung cư kết hợp dịch vụ thương mại tại lô đất C1, Điện Biên Phủ, phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn.
Bên cạnh đó, liên danh CTCP Đầu tư và Thương mại Thủ Đô và Công ty Nhà An Bình đang thực hiện dự án khu nhà ở xã hội phía Tây đường Trần Nhân Tông, phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn. Khu nhà ở xã hội này có diện tích đất trên 1,4 ha, quy mô 18 tầng, khoảng 795 căn hộ. Tổng vốn đầu tư 858 tỷ đồng, dự kiến tiến độ từ năm 2021 - 2023.
Song song đó, khu đô thị xanh Đông Bắc Diêu Trì, huyện Tuy Phước được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận cho Liên danh trên thực hiện. Dự án có diện tích đất 45 ha, quy mô 650 căn nhà ở thấp tầng (liên kế, biệt thự), tổng vốn đầu tư lên đến 2.255 tỷ đồng, tiến độ từ quý 1/2021 - 1/2026.
Đáng chú ý, tháng 4/2023, Nhà An Bình vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng. Dự án có tổng chi phí thực hiện hơn 205 tỷ đồng.
Do đó, Sở Tài chính đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp rà soát yêu cầu An Bình cung cấp bổ sung hồ sơ theo hướng dẫn của Sở Tài chính tại Văn bản 1935/STC-ĐT ngày 13/9/2022 về thành phần hồ sơ thẩm định năng lực tài chính thực hiện dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa hồ sơ theo ý kiến thẩm định của các sở ngành, địa phương và hoàn chỉnh hồ sở gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, thẩm định báo cáo UBND tỉnh.
CTCP Đầu tư Nhà Bình An có trụ sở tại tầng 1, tòa CT2 Ecolife Riverside, đường Điện Biên Phủ, phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, là thành viên thuộc Tập đoàn Capital House. Khi mới thành lập năm 2019, Công ty Nhà An Bình có vốn điều lệ 220 tỷ đồng với các cổ đông gồm CTCP Đầu tư và Thương mại Thủ Đô nắm 90%, CTCP Tập đoàn CHG nắm 9% và CTCP Phát triển Dự án CHG 1%. Doanh nghiệp ban đầu do ông Hà Tất Thắng làm Giám đốc kiêm người đại diện phát luật.
Tháng 10/2022, ông Trần Công Tưởng thay ông Thắng làm Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Ngoài ra, ông Tưởng còn làm đại diện cho 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Đầu tư Ecocity và Công ty TNHH Đầu tư Tây Trần Nhân Tông.
Capital House được biết đến với nhiều dự án nhà ở xã hội và nhà ở thương mại tại Hà Nội, đặc biệt là các dòng sản phẩm mang thương hiệu Eco như: Ecohome, Ecolife… Đến cuối năm 2019, Tập đoàn này mở rộng kinh doanh khi lấn sân vào thị trường bất động sản miền Trung, Tây Nguyên, và với điểm dừng chân đầu tiên tại Bình Định.
Trong đó, EcoCity Premia là một trong những dự án khủng với vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng tại Đắk Lắk, do công ty thành viên là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Năm 2020, nhằm thực hiện dự án, Đô thị Đắk Lắk đã huy động 600 tỷ đồng trái phiếu. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm, vào năm 2021, Công ty đã mua lại trước hạn 120 tỷ đồng.
Ngoài ra, Đô thị Đắk Lắk còn vay nợ tại Ngân hàng Phương Đông (OCB) – Chi nhánh Hà Nội, với tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán, quyền được bồi thường thiệt hại, quyền thụ hưởng bảo hiểm... phát sinh từ hợp đồng đầu tư xây dựng công trình; lợi tức thu được từ việc kinh doanh khai thác giá trị quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất của dự án EcoCity Premia.
Trước đó, vào năm 2021, Sở TN&MT Lâm Đồng yêu cầu CTCP Đầu tư Du lịch Sài Gòn - Đại Ninh chủ đầu tư của dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng, sinh thái Đại Ninh (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) phải có văn bản chứng minh nguồn vốn đảm bảo tiếp tục thực hiện dự án.
CTCP Đầu tư - Du lịch Sài Gòn Đại Ninh do ông Nguyễn Cao Trí hiện đang là Tổng Giám đốc kiêm Đại diện pháp luật. Ông Nguyễn Cao Trí, người vừa bị Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng ngăn chặn mọi giao dịch nhà đất, tài sản, có liên quan đến vụ án đang được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Cục Cảnh sát kinh tế), Bộ Công an điều tra. Ông Trí đứng đầu nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, nhà hàng khách sạn tại Tp.HCM.
Công ty này là chủ đầu tư dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh - một "siêu" dự án ở Lâm Đồng với diện tích lên đến 3.595 ha, tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Cao Trí từng muốn điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên hơn 30.000 tỷ đồng. Siêu dự án khu đô thị Đại Ninh được cấp giấy chứng nhận đầu tư 13 năm nhưng đến nay vẫn dang dở. Doanh nghiệp từng xác nhận đã rót vào dự án 2.000 tỷ đồng.
Tổng diện tích đất chuyển mục đích của dự án gần 324 ha; tổng số tiền sử dụng đất phải nộp trên 226 tỷ đồng, sau khi miễn giảm 30%, số tiền sử dụng đất còn phải nộp trên 158 tỷ đồng. Theo xác định của cơ quan thuế, số tiền sử dụng đất phải nộp 158,2 tỷ đồng, dù được đôn đốc nhiều lần nhưng Cty Sài Gòn - Đại Ninh vẫn không nộp. Tính đến tháng 10/2018 tiền phạt chậm nộp trên 104 tỷ đồng.
Có thể thấy, trong thời gian qua, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án. Đồng thời, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những doanh nghiệp có dấu hiệu “bùa phép”, hồ sơ pháp lý không đầy đủ để đảm bảo tính minh bạch, công bằng cho tất cả đơn vị tham gia.